Từ vụ Samson trắng án: Bạo lực, liều lĩnh và vô văn hóa!

Chức vô địch của cả mùa giải đôi khi chỉ được quyết định bởi một từ. Quyết định không đưa ra án phạt nguội dành cho Samson thực sự có thể là bước ngoặt của mùa giải V.League 1 2017.

Vào đầu mùa giải này, VFF và VPF đã đưa ra quyết định xử mạnh tay các vấn nạn bạo lực sân cỏ. Không một ai phản đối đề xuất này bởi suy cho cùng, bạo lực sân cỏ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến người hâm mộ quay lưng với bóng đá Việt Nam.

Với đề nghị này, những người làm bóng đá không chỉ muốn các trọng tài xử mạnh tay trên sân cỏ, mà họ còn sẵn sàng điều tra và đưa ra những án phạt nguội với những hành vi bạo lực. Khi mà tất cả các trận đấu đều được tường thuật trực tiếp, không khó để ban kỷ luật có thể ngồi lại, theo dõi băng hình và đưa ra các quyết định chính xác nhất.

Trung Tín phải nhận thẻ đỏ trực tiếp vì vào bóng với Quốc Phương

Có thể thấy rằng quyết định mạnh tay của BTC giải đã ngay lập tức được áp dụng vào V.League. Đơn cử như chiếc thẻ đỏ trực tiếp mà hậu vệ Trung Tín phải nhận sau tình huống vào bóng rất mạnh với Quốc Phương ở trận đấu giữa Becamex Bình Dương vs FLC Thanh Hóa ở vòng 4 vừa qua. Trong pha bóng này, chân của Trung Tín không tiếp xúc trực tiếp vào người của Quốc Phương, nhưng thực tế trên sân, tốc độ vào bóng và cảnh tượng ấy tạo ra một sự ghê sợ đối với những người chứng kiến xung quanh. Ngay cả HLV Trần Bình Sự cũng không phàn nàn lấy một lời và động viên Trung Tín trên đường cầu thủ này rời sân.

Ở đây rõ ràng Trung Tín đã quen bài “Võ League” và phải nhận án phạt thích đáng vì hành vi xứng đáng được gọi là bạo lực. Tuy nhiên không phải lúc nào các trọng tài cũng quan sát được những va chạm trên sân. Cú tắc bóng của Trung Tín với Quốc Phương diễn ra ở giữa sân và ngay trước mắt trọng tài chính Ngô Duy Lân, còn tình huống xảy ra ở vòng 3 khi Samson lao vào và đạp trúng đầu gối của Ngọc Quang trong trận đấu giữa Hà Nội và HAGL lại khác. Trọng tài chính đã bỏ qua tình huống này do ông không phát hiện ra, nhưng kết quả của cuộc mổ băng cũng không dẫn đến án phạt nào cho cầu thủ nhập tịch này.

Đó cũng là một tình huống mà Hoàng Vũ Samson đã lao vào với tốc độ cao và thực tế là gầm giày của anh đã tiếp xúc với đầu gối của cầu thủ mới 20 tuổi bên phía HAGL. Người hâm mộ khi theo dõi tình huống đấy cũng không khỏi cảm thấy rùng mình bởi ở góc độ bên ngoài, rõ ràng Samson đã gây ra nguy hiểm lớn đến đôi chân của Ngọc Quang. Thế nhưng kết luận của ban kỷ luật chỉ là một từ “liều lĩnh” dành cho Samson, chứ không phải “bạo lực”.

Đến đây, không ai có thể lý giải nổi sự khác biệt giữa hai con chữ này, nhưng có lẽ, ý của ban kỷ luật là Samson chỉ muốn lấy bóng mà không màng đến sự an toàn của đối thủ. Trong khi đó, bạo lực là một hành vi mang tính chủ động, cố ý triệt hạ đối phương. Tuy nhiên chẳng ai có thể phân biệt nổi sự khác biệt giữa hai từ này. Biết đâu Trung Tín cũng chỉ muốn cướp được trái bóng của Quốc Phương, hay biết đâu chính Samson cách đây 5 năm cũng chỉ muốn hãm trái bóng lại nhưng vô tình đạp trúng đầu của Huy Hoàng.

Tình huống Samson đạp Châu Ngọc Quang của HAGL

Giữa vô tình và cố ý là một lằn ranh hết sức mỏng manh và chẳng bao giờ được làm sáng tỏ, trừ khi là người trực tiếp phạm lỗi. Nhưng có một điều thấy rõ là một pha vào bóng phản cảm, hay có thể gây ra nguy hiểm cho đối phương, chắc chắn xứng đáng với một án phạt nặng. Nếu như Quốc Phương không lặn lộn mấy vòng mà đứng dậy ngay, hay nếu như Châu Ngọc Quang hứng trọn những cái đinh giày của Samson vào đầu gối và chấm dứt sự nghiệp bóng đá như Anh Khoa của SHB Đà Nẵng ngày nào, khi đó bạo lực hay liều lĩnh, vô tình hay cố ý liệu có còn quan trọng?

VFF và VPF đang muốn có một giải đấu trong sạch, nhưng sau 4 vòng đầu tiên mọi thứ đã chống lại họ. Pape Omar bị treo giò tới 8 trận cho dù anh không mắc một hành vi bạo lực, mà là thiếu văn hóa. Hành động của Omar không ảnh thưởng đến sức khỏe của bất cứ ai, nhưng tinh thần của khán giả Khánh Hòa hay người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Sự mạnh tay mà ban kỷ luật hướng tới đang không thể hiện được tính đồng nhất.

Người hâm mộ và giới chuyên môn không muốn tin, nhưng họ cũng không thể kiềm chế được khi ai cũng biết mùa này hai đội bóng cạnh tranh cho ngôi vô địch lại phải nhận những sự “mạnh tay” trái ngược. Tất cả cũng chỉ là câu chuyện của cách dùng từ.

Hàn Phi – (Thể Thao Việt Nam)

Nguồn Bóng Đá 24H: http://www.bongda24h.vn/bong-da-viet-nam/vleague-2017-bao-luc-lieu-linh-va-vo-van-hoa-168-152693.html