Từ vụ tai nạn chìm tàu tại huyện Cần Giờ (TP HCM): Bài học đắt giá

(HNM) - Người nhà nạn nhân khóc ngất và kêu gào trong chút hy vọng mong manh, trong khi công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, lúc này đây thân nhân người bị nạn đang mong muốn câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng về trách nhiệm của đơn vị nào trong vụ chìm tàu thảm khốc xảy ra tối 2-8 tại vùng biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).

Thắt lòng người ở lại

Mệt mỏi sau một chuyến đi dài từ Gia Lai xuống, bà Hoàng Thị Nhạn, cô ruột của nạn nhân Hoàng Trung Biên (sinh năm 1985), có mặt từ sáng sớm 4-8 tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (MRCC Vũng Tàu) để mong ngóng tin tức của đứa cháu ruột. Thấp thỏm chờ đợi nhưng bà đã ngất lịm đi khi thấy lực lượng cứu hộ đưa xác ba nạn nhân cập bến của MRCC Vũng Tàu mà không có Biên. Bà khóc nấc "cháu sống một đời hiền lành, phúc hậu mà sao bây giờ vẫn chưa thấy được cháu. Cháu giờ này chắc lạnh lẽo lắm...". "Trời ơi, sao anh lại ra đi như thế này, anh đi oan uổng quá, anh vẫn chưa kịp chào tạm biệt ai mà, anh sống mà chưa được ngày nào bình yên...", một người đàn ông kêu gào thảm thiết bên xác của ông Phạm Duy Phúc (sinh năm 1958) khi lực lượng cứu hộ mở bọc ni lông để nhận dạng người thân. Khi không khóc được, ông lại bò xuống đất ôm chầm lấy nạn nhân.

Tàu H.29 được thiết kế chở 12 người nhưng đã vận chuyển tới 30 người khi gặp nạn.

Có mặt tại Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) ngày 4-8, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1987), nạn nhân may mắn sống sót sau thảm họa. Anh Hà bật khóc với giọng nói ngắt quãng: "Mình như từ cõi chết trở về, không nghĩ lại có thể trở về nguyên vẹn như thế này...". Anh Nguyễn Văn Huệ, anh trai anh Nguyễn Văn Hà, người cũng có mặt cùng đoàn đi từ Tiền Giang lên Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng trên tàu khác cho hay: "Khi về bến an toàn, chúng tôi chờ mãi cũng không thấy tin tức gì, điện thoại cũng không liên lạc được với tàu của Hà. Dù rất mệt trong chuyến đi đầy bão táp, tôi cũng gần như mất bình tĩnh. Trong khi đó, nghe tin chưa rõ ràng, bố mẹ Hà không ngừng gào thét suốt mấy giờ đồng hồ. Đến gần 4h sáng khi trung tâm báo về xác nhận cứu được em, mọi người khóc òa!".

Anh Nguyễn Văn Hà, một trong những nạn nhân may mắn thoát chết đến nay vẫn dành những lời khâm phục cho cặp vợ chồng người Mỹ đi cùng tàu. Khi tàu bị nạn được 2 giờ, hai vợ chồng người Mỹ đã liên tục động viên những người gặp nạn. Sau đó, khi số đông người bám vào thành tàu, khiến tàu chìm dần thì hai vợ chồng này liền bảo những người bơi giỏi có mặc áo phao tự tách ra thành tốp nhỏ rồi nắm tay nhau liên kết thành vòng tròn để vừa giảm áp lực cho tàu vừa giành cơ hội sống nhiều hơn cho người bám tàu và đoàn tách tốp. Khâm phục hơn khi người vợ đuối sức, người chồng đã tự cởi áo phao đưa cho người vợ mặc và sau đó, người chồng nghĩ ra cách gối đầu lên áo phao người vợ để tự cho mình nằm nổi giữa nước. Khi chống chọi với nước đuối sức, người chồng liên tục hát cho người vợ nghe những ca khúc tình yêu. Còn người vợ vẫn luôn động viên người chồng chiến đấu đến hơi sức cuối cùng, như thế sẽ có hy vọng sống cao hơn.

Theo ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, hai vợ chồng người Mỹ đã chứng tỏ được tình yêu, sự kiên cường, bản lĩnh, sự bình tĩnh, sáng tạo và tình yêu tuyệt vời của mình trong khi gặp nạn. Chính yếu tố này đã giúp hai vợ chồng cùng hai người Việt Nam sống sót trong vụ này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo văn bản số 3/BCHBP ngày 3-8 của Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Tàu H.29 là phương tiện thuộc trang bị của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 9-7-2013, tàu được đưa sang Công ty CP Công nghệ Việt-Séc để bảo dưỡng định kỳ. Ngày 2-8, tàu được bảo dưỡng xong chờ xuất xưởng. Khoảng 15h ngày 2-8, ông Quyết là Giám đốc Công ty Marine (trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu), sang mượn trực tiếp ông Vũ Văn Đào, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt - Séc 3 tàu để đi đón công nhân tại Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (Kiển Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang). Ông Đào đồng ý cho mượn, trong đó có tàu trên".

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo quy định tàu chỉ chở được 12 người, tuy nhiên khi gặp nạn đã chở tới 30 người, gấp 2,5 lần so với quy định, trong khi tàu chưa được kiểm định, chưa được phép xuất bến, các thủ tục chở hành khách liên quan cũng sai. Vận chuyển khách trong điều kiện không an toàn, áo phao chưa đầy đủ, ông Trạch cho rằng, trước hết trách nhiệm thuộc về Công ty Việt - Séc, đơn vị cho thuê, bởi tàu vẫn đang trong quá trình sửa chữa, chưa đăng kiểm mà vẫn cho xuất bến.

Tương tự, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, tàu H.29 xuất bến từ TP Vũng Tàu đến Tiền Giang và ngược lại đều từ bến nội bộ của công ty tư nhân mà không phải bến có chức năng đón trả khách thuộc sự quản lý của cơ quan chức năng. Do đó, quy trình xuất bến trên là sai hoàn toàn.

Theo nhật ký cứu nạn của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu được ông Lê Văn Chiến cung cấp cho Báo Hànôịmới chiều 4-8 thì khoảng hơn 21h ngày 2-8, Cảng vụ nhận được tin báo từ anh Tuấn - thuộc Công ty CP Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina - báo có phương tiện thủy bị chết máy tại Cần Giờ và nhờ hỗ trợ lai dắt. Đến 22h, Cảng vụ Vũng Tàu đã điều tàu SAR 272 của MRCC Vũng Tàu đi làm nhiệm vụ, đồng thời điều động tàu Cảng vụ Vũng Tàu 02 và một số tàu dịch vụ cùng các tàu gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, vụ lật tàu diễn ra lúc 19h, tức việc báo cáo trên quá chậm so với quy định về thông báo thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường thủy.

Ngày 4-8, tiếp cận trực tiếp với con tàu bị nạn, chúng tôi thấy con tàu xuất hiện một lỗ thủng ở đáy, bên thân tàu rách nhiều chỗ. Tuy nhiên hầu như toàn bộ kết cấu tàu H.29 hầu như còn nguyên vẹn. Được biết, con tàu được sản xuất theo công nghệ mới nhất của Séc, bằng các vật liệu đặc biệt có khả năng chống chìm. Điều đáng nói là trong hai bên dãy ghế trên tàu được thiết kế mỗi bên chỉ ngồi được 5 đến 6 người. Tuy nhiên, theo lời của anh Nguyễn Văn Hà thì trước khi lật thuyền, mọi người trên tàu phải ngồi chen nhau bằng ghế phụ.

Hiện Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu tiếp tục huy động các phương tiện của Cảng vụ, Hải quan, Sở GTVT tỉnh, kiểm ngư… nhằm tìm kiếm bằng được nạn nhân còn lại. Ngày 4-8, toàn bộ lực lượng tìm kiếm có khoảng 54 tàu thuyền được huy động rà quét tại xung quanh khu vực bị nạn cùng các vùng biển lân cận. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng của thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng trực thuộc Bộ GTVT để tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có người bị nạn. Cảng vụ hàng hải cần xem xét công tác kiểm tra, công tác quản lý phương tiện, quản lý nhà nước toàn địa bàn; biên phòng, Công an thành phố phối hợp với các địa phương xử lý vụ việc. Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp nên các lực lượng chức năng không được lơ là, chủ quan. Phải tập trung cao về nhân lực, vật lực, làm hết trách nhiệm để phòng chống rủi ro thiên tai và ứng phó nhanh với các tình huống phức tạp xảy ra.

Tính đến 18h ngày 4-8, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể 7 nạn nhân trong vụ chìm tàu H.29, còn 2 nạn nhân đang được tiếp tục tìm kiếm. Danh sách 7 nạn nhân mất tích đã xác nhận: Nguyễn Thị Kim Hoàng (sinh năm 1993), quê Tiền Giang; Nông Thị Phin (1979), quê Bắc Cạn; Cam Hoàng Phương Khanh (1980), quê Tiền Giang; Hoàng Trung Biên (1985), quê Thái Bình; Trần Hữu Hiệp (1988), quê Thanh Hóa; Hà Tiến Sơn (1988), quê Phú Thọ; Phạm Duy Phúc (1958), quê Quảng Bình. Hai nạn nhân chưa được tìm thấy: Nguyễn Ba Đức (1983), quê Thanh Hóa và Đào Mạnh Cường (1985), quê Thái Bình.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/604752/tu-vu-tai-nan-chim-tau-tai-huyen-can-gio-tp-hcm-bai-hoc-dat-gia