Từ vụ tai nạn khi đi rước dâu, nghĩ về thủ tục, lễ nghi

Tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với chuyến xe đi đón dâu trong đêm ở Quảng Nam mấy ngày gần đây khiến người dân cả nước bàng hoàng, đau xót vì những tổn thất không gì bù đắp nổi. Nó khiến cho chúng ta không khỏi băn khoăn nghĩ về những thủ tục hình thức cưới xin trong xã hội hiện nay.

“Chiếc bình hoa ngày cưới/Thành bình hương/Tàn lạnh vây quanh…”. Những câu thơ trong bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan đã từng một thời ám ảnh tôi về sự chia ly của đôi lứa yêu nhau. Mặc dù “cưới nhau xong là đi” nhưng ít ra hai nhân vật trong bài thơ còn được “một lần thuộc về nhau”. Nhưng tiếng thét xé lòng “sao để xe hoa thành xe tang hả anh?” của cô dâu trong cái ngày đại tang bên dòng sông Ô Lâu - Quảng Trị mới hôm qua đây thôi mới thật sự là nỗi ám ảnh không biết đến bao giờ quên được.

Sự góa bụa khi chưa kịp trở thành đàn bà của Yên (tên cô dâu) là do một tai nạn giao thông khủng khiếp khiến chú rể mãi mãi không bao giờ đến được nhà gái để đón dâu. Càng thê thảm hơn khi cả 13 người tử nạn đều là anh em, họ hàng với nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp tai nạn kinh hoàng biến đám cưới thành đại tang. Chỉ tính từ 2017 đến nay đã có ít nhất bốn vụ tai nạn tương tự xảy ra rải rác trên cả nước.

Tai nạn xảy ra với xe đám cưới tổn thất không gì bù đắp nổi

Gần đây nhất, vào khoảng 13h, ngày 18/3/2017, trên cầu Rạch Miễu (phía tỉnh Tiền Giang), xe ô tô loại 16 chỗ ngồi chở đám cưới của họ nhà trai rước dâu từ Thủ Đức về Thạnh Phú, Bến Tre. Trên xe chở 13 người, khi đến địa điểm trên thì tông trúng xe đầu kéo lưu thông theo hướng ngược lại gây ra tai nạn.

Tai nạn xảy ra với xe đám cưới, bất kể con số thương vong là bao nhiêu, sự tang thương của nó cũng nhân lên gấp bội bởi trên chuyến xe đó bao giờ cũng là những người trong cùng một gia đình, dòng tộc.

Đám cưới rất quan trọng và có ý nghĩa đối với người Việt Nam, không những với một cá nhân mà còn phản ánh văn hóa, lối sống của một gia đình, thế hệ, cộng đồng và dân tộc. Cưới xin theo quan niệm truyền thống là một trong ba việc lớn của đời người "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà". Đành là vậy nhưng quá nặng nề về thủ tục hình thức trong thời buổi hiện nay là một điều nên cân nhắc.

Do thực tế cuộc sống, ngày nay có rất nhiều cuộc hôn nhân được hình thành từ các cặp đôi do đi làm ăn xa mà gặp nhau. Khoảng cách hai quê có khi quá xa, đi lại rất tốn kém nhưng nhiều gia đình vẫn cố “gồng mình” cho đúng thủ tục, nào tiệc nhà trai, tiệc nhà gái, tiệc cơ quan bạn bè… như trường hợp đám cưới trong tai nạn vừa qua. Em gái cô dâu cho biết: “Hai người đã tổ chức lễ cưới ở Bình Dương vào hôm 22/7, dự kiến đoàn rước dâu vào Bình Định làm lễ ở nhà gái vào hôm nay (30/7) và quay trở ra Quảng Trị tiếp tục làm lễ cưới ngày 2/8...”.

Ngoài sự tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức của gia đình hai bên, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của cô dâu - chú rể do phải di chuyển trong đêm, dật dờ, vất vả, còn có một xác suất rủi ro dù rất nhỏ nhưng thực tế chứng minh chúng ta không thể khinh suất. Theo tổng hợp của một bài viết trên atgt.vn thì cả năm trường hợp tai nạn tương tự được nêu ra, cả năm đều do lỗi của tài xế xe đám cưới.

Hạnh phúc là sự thương yêu, thấu hiểu, sẻ chia giữa hai vợ chồng

Hạnh phúc đích thực không đến từ những thủ tục hình thức rườm rà. Những chuyến xe sang trọng, những cỗ bàn linh đình và số lượng khách mời đông đúc. Hạnh phúc là sự thương yêu, thấu hiểu, sẻ chia giữa hai vợ chồng, là tình cảm, cách đối xử trân trọng với gia đình họ hàng hai bên. Có rất nhiều cặp đôi không tổ chức cưới xin nhưng vẫn sống với nhau hạnh phúc đến răng long đầu bạc. Ngược lại, cũng không ít cặp đôi tiệc cưới linh đình, khách mời hoành tráng ở với nhau “ba bảy hai mốt ngày” là chia tay. Điều này ai cũng biết.

Song, ngày nay tiệc cưới đôi khi là nơi để người ta phô trương gia thế, phô trương những mối quan hệ làm ăn hay đơn giản chỉ là để “bằng chị bằng em”. Đi ăn cưới chẳng qua là để “trả nợ”, nợ cưới, nợ tiền, nợ tình… Xã hội phát triển, số gia đình thuộc giới thượng lưu và trung lưu ngày một tăng. Tiền người ta, người ta tổ chức đám cưới to bằng nào là quyền tự do của người ta. Cho nên, để vận động thực hiện một tiệc cưới gọn nhẹ, trang trọng, ấm cúng, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc hiện nay cũng không phải dễ dàng bởi những ràng buộc khách quan bên ngoài xã hội.

Đám cưới dù đơn giản hay rình rang cũng nên lưu ý đến sự an toàn

Tuy nhiên, dù đơn giản, gọn nhẹ hay phức tạp, rình rang cũng không thể không lưu ý đến sự an toàn. Nên sắp xếp thời gian, nhân sự, đi lại… sao cho bảo đảm khoa học, chu đáo, thận trọng. Nếu phải di chuyển bằng ô tô trên một đoạn đường quá xa thì bài học của tai nạn vừa rồi ở Quảng Nam là một bài học thật đáng giá.

TRÍ DŨNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tu-vu-tai-nan-khi-di-ruoc-dau-nghi-ve-thu-tuc-le-nghi-9251.html