Từ vụ trộm chém chủ nhà tử vong, làm thế nào để gia đình an toàn?

'Khi phát hiện trộm ở trong nhà, hãy tìm một căn phòng có cửa chắc chắn, đưa cả nhà vào đó, đóng chặt cửa, bật đèn rồi gọi điện báo CA hoặc người thân, hàng xóm. Lúc này, kẻ gian sẽ sợ hãi mà bỏ đi theo lối chúng đã vào', Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Vào 00g30 ngày 11-3, Nguyễn Thành Trung, 31 tuổi, trú tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, lẻn vào nhà anh Võ Tấn Hội, 38 tuổi và vợ là Nguyễn Thúy Hằng, 31 tuổi, cùng trú tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, với mục đích trộm cắp tài sản.

Vào thời điểm trên, nghe tiếng động lạ, anh Hội đã dậy cầm đèn pin đi kiểm tra ở phía sau nhà. Khi bị phát hiện, Trung cầm dao chém anh Hội tử vong. Thấy nhiều tiếng kêu và va chạm bàn ghế, chị Hằng tìm anh Hội thì thấy anh Hội nằm gục dưới nền gạch, phát hiện kẻ trộm là Nguyễn Thành Trung (một người hàng xóm).

Thấy vậy, chị Hằng bế con hơn 1 tuổi chạy ra hướng cửa trước thì bị Trung lao tới dùng tay kéo lại nhưng chị thoát được. Trung tiếp tục lao tới vung hung khí chém thẳng vào người chị Hằng khiến chị bị choáng.

Lúc này, chị Hằng chụp được con dao để gần cửa chính quay lại chém thẳng ra phía sau lưng mình. Nhát dao trúng ngay đỉnh đầu khiến Trung gục xuống sàn gạch, cách vị trí anh Hội nằm chừng 5m.
Chị Hằng sau đó đã kêu gọi người dân xung quanh đến hỗ trợ, đưa đi cấp cứu nhưng anh Hội và Trung đã tử vong tại chỗ.

Liên quan đến sự việc trên, Thượng tá Phạm Thành Tâm - Trưởng CA huyện Cần Giuộc cho biết, công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi hai nạn nhân trong vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã hoàn tất.

Sau khi khám nghiệm xong tử thi tại BVĐK Cần Giuộc, thi thể anh Hội được bàn giao cho người thân đưa về mai táng. CQCA cho biết, qua khám và điều trị cho nạn nhân là chị Hằng, trên lưng có hai vết chém, ở sau gáy có một vết chỉ trúng phần mềm, BV đã khám và cho thuốc uống, sau đó được xuất viện.

Khai với CQĐT, chị Hằng bước đầu thừa nhận có chém làm chết Trung. Tuy nhiên, CQĐT sẽ xem xét tình tiết liên quan vụ án, xem có phải đây là trường hợp phòng vệ chính đáng hay không, sau đó mới quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.

Được biết, cách đây hơn 1 tháng, Trung có vay mượn của vợ chồng anh Hội khoảng 60 triệu đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Gần tới ngày trả lãi nên có khả năng Trung ra tay gây án vì lý do này.

Hiện trường vụ án mạng khiến anh Hội tử vong tại chỗ, chị Hằng bị chém ở lưng và sau gáy. Ảnh:V.O.V

Khi phát hiện trộm, tốt nhất là tránh đối đầu

Liên quan đến sự việc trên, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho biết, trong các vụ trộm đột nhập, nguy cơ chuyển hóa tội phạm từ hành vi “trộm” sang hành vi “cướp” là rất cao. Chỉ cần chủ nhà không biết cách ứng xử, “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt trong tâm lý tội phạm, kẻ gian sẵn sàng dùng hung khí mang theo để tấn công chủ nhà.

Trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo, giải pháp khôn ngoan nhất là tránh đối đầu với trộm vì ưu tiên số 1 là sự an toàn về tính mạng của bản thân và gia đình.

Theo Trung tá Hiếu, trên thực tế, dù cố tránh nhưng chủ nhà vẫn có thể phải đối mặt với tội phạm. Đó có thể là trường hợp kẻ gian chủ động khống chế người trong nhà hoặc vô tình người trong nhà phát hiện có trộm và la hét. Khi gặp tình huống trên, mọi người hãy nhớ, nếu tương quan lực lượng kém hơn chúng thì không nên chống trả, hãy tìm cách thoát thân. Khi cực chẳng đã phải đối mặt thì hãy nhớ là pháp luật dành cho mình quyền phòng vệ chính đáng.

Chủ nhà cần phải cảnh giác cao độ vì hầu như kẻ trộm đột nhập nào cũng thủ sẵn trong người các loại hung khí nguy hiểm như phóng lợn, dao nhọn, lê AK, súng bắn điện, xịt hơi cay... Chúng sẽ không ngần ngại sử dụng hung khí với chủ nhà nếu thấy có mối nguy hiểm đe dọa mình. Khi đó, chủ nhà cần sử dụng những vật dụng có được, có thể chủ động tấn công trước một cách quyết liệt nhất, nhưng nhớ rằng việc chống trả là nhằm vô hiệu hóa đối tượng, bảo vệ sự an toàn cho mình và gia đình hoặc tìm cơ hội chạy thoát thân, chứ không phải nhằm giết hại đối tượng.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, khi phát hiện trộm đột nhập, chủ nhà nên đưa toàn bộ người thân vào một phòng kín đóng cửa rồi báo cơ quan chức năng. Tránh đối đầu vì trộm sợ bị bắt nên có thể ra tay sát hại gia chủ.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, khi phát hiện trộm đột nhập, chủ nhà nên đưa toàn bộ người thân vào một phòng kín đóng cửa rồi báo cơ quan chức năng. Tránh đối đầu vì trộm sợ bị bắt nên có thể ra tay sát hại gia chủ.

Phòng vệ chính đáng?

Liên quan đến vụ án nữ chủ nhà chém trộm tử vong, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Như vậy, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể.

Mức độ đáng kể ở đây là tùy thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân. Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong những trường hợp có biện pháp khác để tránh được sự tấn công.

Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công, vào chính người đang gây ra nguy hiểm cho xã hội. Thêm nữa là sự chống trả của người phòng vệ phải là sự chống trả cần thiết.

Đối tượng Nguyễn Thành Trung đã có lỗi xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh Hội phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh Hội tử vong tại chỗ.

Nguyễn Thành Trung sát hại anh Võ Tấn Hội là có dấu hiệu của hành vi giết người - Điều 123 BLHS 2015. Nghi phạm đã chết nên không khởi tố, điều tra vụ án. Theo hướng dẫn của TAND Tối cao: “Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng”.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-vu-trom-chem-chu-nha-tu-vong-lam-the-nao-de-gia-dinh-an-toan-140032.html