Từ vụ việc Công ty Vipico nộp đơn 'kêu cứu': Công bằng với doanh nghiệp

Lần đầu tiên lãnh đạo một doanh nghiệp viết đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ phán xét kết quả giao đất cho doanh nghiệp sau đấu giá đang dấy lên lo ngại về ứng xử của chính quyền với các doanh nghiệp.

Câu chuyện bắt nguồn từ việc UBND TP Đà Nẵng đã thông báo hủy kết quả đấu giá, không giao đất cho đơn vị trúng đấu giá là Công ty Vipico và tịch thu cả số tiền đặt cọc vì UBND TP Đà Nẵng căn cứ vào một quyết định đã hết hiệu lực từ 1/7/2017.

Lô đất Vipico trúng đấu giá nằm tại vị trí đắc địa, phía Đông cầu Rồng với bốn mặt tiền. Ảnh: TẤN VIỆT

Đấu giá để... ngăn ngừa tiêu cực

Tại Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất rõ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất; điều kiện để các tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá... Ngày 04/04/2015 Bộ Tài nguyên và Môi Trường – Bộ Tư Pháp đã ban hành Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP về việc quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, và các địa phương cũng đã ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trong phạm vi địa bàn quản lý của mình.

Việc pháp luật quy định cụ thể việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, không những làm cho việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, tạo ra sự hài hòa giữa các lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người dân có đất bị thu hồi giải phóng mặt bằng; mà còn giúp làm cho quá trình thực hiện đấu giá được thực hiện minh bạch, khách quan và cuối cùng là giúp tìm được nhà đầu tư thực sự có tâm huyết.

Để ngăn ngừa những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất thì việc thực hiện đấu giá phải được tổ chức thực sự khách quan, minh bạch. Để làm được điều này, đòi hỏi những cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện một số biện pháp như: Phải công khai thông tin một cách minh bạch; Phải có cơ quan chuyên trách thực hiện dịch vụ đấu giá đủ uy tín, đủ trong sạch để thực hiện việc đấu giá theo đúng quy định của pháp luật; Cơ quan có thẩm quyền cũng phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên ở tất cả các khâu, các công đoạn của hoạt động đấu giá. Đặc biệt, cần có cơ chế, biện pháp để người dân có thể gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia giám sát hoạt động đấu giá.

Chứ đừng tạo bất công với doanh nghiệp

Quay trở lại câu chuyện của Vipico, theo quy chế tổ chức cuộc bán đấu giá, tại mục thời hạn nộp tiền, biên bản bán đấu giá tài sản ngày 27/6/2017 xác định rõ: Người trúng đấu giá có nghĩa vụ nộp 50% trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế (tức 20/10/2017); Nộp đủ 50% tiền trúng đấu giá trong thời hạn 60 ngày tiếp theo. Quá thời hạn theo thông báo của Cơ quan Thuế, người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách thành phố. Như vậy, theo quy định này thì quá thời hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất thì mới bị hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách thành phố.

Quyết định hủy kết quả đấu giá khu đất trị giá 652 tỷ đồng của UBND TP Đà Nẵng được nhiều luật sư nhận định là vi phạm quyền tài sản và doanh nghiệp có thể khởi kiện.

Sau đó, Cục Thuế Đà Nẵng phát hành văn bản thông báo: "Quá thời hạn nếu đơn vị chưa nộp số tiền thuê đất phải nộp này thì sẽ bị xử lý chậm nộp theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế". Cục thuế Đà Nẵng tiếp tục phát hành văn bản thay đổi thành: "Quá thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế, nếu đơn vị không nộp đủ số tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước - kể cả đợt nộp đầu tiên trong vòng 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan thuế thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách thành phố theo quy định tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng".

Những quy định nêu trên là mâu thuẫn, không đồng nhất quan điểm và trái quy định của pháp luật khiến doanh nghiệp mất thế chủ động trong việc lo tiền nộp. Mặt khác, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 (hiệu lực từ ngày 01/7/2017) quy định, không nộp đủ cũng như nộp tiền quá thời hạn yêu cầu không được coi là một trong các trường hợp bị hủy kết quả đấu giá. Chưa kể, trong báo cáo Đà Nẵng gửi Thủ tướng Chính phủ có một ý do giá đất tăng lên. Vậy trong tình huống giá đất giảm thì TP sẽ ứng xử như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTg yêu cầu đấu giá công khai, minh bạch khi giao đất, cho thuê đất. Và hơn lúc nào hết doanh nghiệp đang rất cần sự ủng hộ từ chính quyền.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin về câu chuyện này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tu-vu-viec-cong-ty-vipico-nop-don-keu-cuu-cong-bang-voi-doanh-nghiep-141250.html