Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất xây xưởng chế biến gỗ: Kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng phát triển mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các xưởng chế biến tự phát, nằm xen trong các khu dân cư. Nhiều chủ cơ sở tự ý san lấp đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm sang làm nhà xưởng, bãi phơi gỗ.

Nhiều vi phạm

Từ năm 2006 đến nay, hộ ông Đoàn Văn Hậu, phố Biển, xã Biển Động (Lục Ngạn) mua gom được hơn 1,7 ha đất tại khu vực Dốc Chiên và Ao Lèng, thôn Ba Lều (Biển Động) và dồn vào thành một khu. Bao gồm hơn 1,4 nghìn m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Năm 2015, ông Hậu đã tự ý san khoảng 8 nghìn m2 để làm xưởng chế biến và sân phơi gỗ rừng trồng (gồm hơn 300 m2 xây nhà xưởng để chế biến gỗ bóc, còn lại là sân phơi).

Một góc cơ sở chế biến gỗ của ông Đoàn Văn Hậu.

Tháng 12/2022, ông Hậu tiếp tục hạ cốt nền khu đất đang trồng vải thiều và san lấp hàng nghìn m2, cách xưởng sản xuất gỗ bóc đã xây dựng khoảng 70 m. Ông Hậu cho biết, khu đất ông mới san gạt này có 400 m2 đất thổ cư. Tuy nhiên, ông đã cho san lấp tăng hơn diện tích đất thổ cư này gấp nhiều lần.

Ngày 27/12/2022, ông Hậu bị UBND xã Biển Động ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng vì hành vi làm thay đổi hiện trạng đất mà chưa được cấp phép và yêu cầu sau 10 ngày, ông Hậu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất (kể từ ngày UBND xã ra quyết định xử phạt). Do việc san gạt, hạ thấp cốt nền bình quân 2 m nên đến nay, ông Hậu vẫn chưa khắc phục được theo quyết định.

Tìm hiểu tại cơ sở chế biến gỗ bóc của hộ ông Tăng Văn Trọng, thôn Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang) được biết, cơ sở này được xây dựng và hoạt động từ năm 2016 đến nay, bình quân tiêu thụ khoảng 40 m3 gỗ tròn/ngày.

Toàn bộ khu sản xuất rộng hơn 1,7 ha. Trong đó, có 1,5 ha sân phơi là đất lâm nghiệp, đất vườn của gia đình ông Trọng và thuê của hàng xóm, được ông Trọng san gạt, dựng các giá đỡ phơi gỗ, làm bãi tập kết nguyên liệu và xây xưởng bóc gỗ. Mặc dù cơ sở này nằm cạnh quốc lộ 37 và chỉ cách UBND xã Hương Sơn khoảng 2 km, tồn tại gần 7 năm nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý dù chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thực tế, không chỉ có trường hợp hộ các ông Đoàn Văn Hậu, Tăng Văn Trọng mà nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn các xã, như: Đèo Gia, Tân Lập, Nam Dương (Lục Ngạn); Vô Tranh, Nghĩa Phương (Lục Nam); Hương Sơn (Lạng Giang); Tam Tiến, Đông Sơn (Yên Thế)… cũng tự ý chuyển đổi sử dụng đất sai mục đích.

Ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh (Lục Nam) cho biết, hiện trên địa bàn có 60 xưởng chế biến gỗ quy mô hộ gia đình. Mỗi xưởng sử dụng hàng nghìn m2 đất để hoạt động. Ông Chúc cũng thừa nhận nhiều hộ sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên đến nay, chính quyền địa phương chưa xử phạt trường hợp nào. Ông Chúc cho rằng, việc không xử phạt nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất.

Tính đến hết quý I năm 2023, toàn tỉnh có 992 cơ sở chế biến gỗ (tăng 266 cơ sở so với năm 2022). Trong đó, có 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân; 77 cơ sở là tổ chức.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, tính đến hết quý I năm 2023, toàn tỉnh có 992 cơ sở chế biến gỗ (tăng 266 cơ sở so với năm 2022). Trong đó, có 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân; 77 cơ sở là tổ chức.

Theo các quy định liên quan đến Luật Đầu tư, chỉ khi các tổ chức, doanh nghiệp có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư thì mới được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy, tất cả các cơ sở chế biến gỗ là hộ gia đình, cá nhân nếu không có dự án đều không được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cần giải pháp phù hợp

Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các cơ sở chế biến gỗ khiến không ít người dân trên địa bàn bức xúc, gửi đơn kiến nghị đến cấp có thẩm quyền. Hơn nữa, hầu hết các cơ sở chế biến gỗ này đều nằm trong các khu dân cư nên còn gây ra nhiều phiền toái khác như: Ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn…

Pháp luật hiện hành quy định, đối với hầu hết các vi phạm trong việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang chế biến gỗ của hộ gia đình, cá nhân hiện nay đều do UBND cấp xã xử lý. Để chấn chỉnh tình trạng này, đại diện Phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 120-KL/TU ngày 8/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19 của BTV Tỉnh ủy.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra, sớm phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm Luật Đất đai mới phát sinh, không để xảy ra hậu quả khó khắc phục. Đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm mà không phát hiện hoặc chậm phát hiện, xử lý không triệt để theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Bắc Giang có diện tích rừng và sản lượng khai thác gỗ rừng trồng lớn. Việc phát triển các cơ sở chế biến gỗ là cần thiết, góp phần gia tăng giá trị lâm sản, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động vùng nông thôn, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định, các chủ xưởng gỗ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sai luật, nhưng việc chuyển đổi lại phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi lẽ, trong vùng sản xuất nông, lâm nghiệp phải có vùng sơ chế, trước khi vận chuyển đi chế biến sâu. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đề cập và điều chỉnh vấn đề này. Do đó, theo ông Thành, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần có giải pháp tháo gỡ, chứ không chỉ xử lý và cấm các xưởng chế biến gỗ hoạt động.

Để nghề chế biến gỗ phát triển lâu dài, lại tránh được các vi phạm về đất đai, ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam cho rằng, chính quyền cơ sở cần lập dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng liên quan, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời các hộ gia đình, cá nhân phải xây dựng dự án sản xuất, chế biến gỗ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, khi đó sẽ được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xưởng hoạt động đúng luật.

Bài, ảnh: Đại La

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/402819/tu-y-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-xay-xuong-che-bien-go-kip-thoi-chan-chinh-thao-go.html