Từ ý kiến của phụ huynh tới chủ trương lớn

(HNM) - Hànôịmới nhận được thư của bạn đọc Nguyễn Huy Tuệ, nhờ được thông tin tới ngành GD-ĐT một ý kiến nhỏ. Nhưng những nhận xét và suy nghĩ "nhỏ" ấy đã đề cập đến một vấn đề lớn và nóng của ngành: đổi mới phương pháp dạy học. Lá thư của ông Tuệ viết:

"Ngành GD-ĐT thường xuyên đề ra mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục... Thế nhưng, khi theo dõi việc học tập ở nhà của học sinh, chúng tôi thấy: 1. Các cháu vẫn cứ ra rả học thuộc lòng bài ghi tóm tắt sách giáo khoa của giáo viên đọc chép trên lớp. Cách học này ta thường gọi là "học vẹt" ở hầu hết các bộ môn. Học bài sau quên bài trước. Khi hỏi một vài kiến thức trong bài, các cháu không trả lời được mà chỉ đọc thuộc. 2. Kiểm tra vở ghi thì thấy các cháu phải ghi chép nhiều quá. Tệ hơn nữa là chữ viết, ở cấp tiểu học, các cháu là học sinh đạt vở sạch chữ đẹp suốt 5 năm mà giờ đây lên lớp trên viết ngoáy, viết ẩu không thành chữ nữa. Các cháu bảo: không ghi thế thì không kịp, thầy cô đọc nhanh lắm! 3. Các cháu có đầy đủ sách giáo khoa. Sách in đẹp, rõ ràng, có đầy đủ các kênh thông tin để học sinh tự tìm hiểu nhưng hầu như không sử dụng đến, trừ ngữ văn và toán. Đã học qua lớp rồi mà sách giáo khoa của các cháu vẫn mới nguyên. Xem như vậy thì việc dạy và học của nhiều giáo viên chưa có gì đổi mới, vẫn đọc chép và học vẹt... Chúng tôi thiển nghĩ, sách giáo khoa là nội dung, phương tiện để dạy và học. Người giáo viên chỉ cần có phương pháp thích hợp hướng dẫn học sinh nắm kiến thức trong sách giáo khoa bằng một dàn bài ngắn gọn. Học sinh về đọc sách để nắm lại kiến thức một cách chủ động. Chúng tôi nghĩ làm như vậy là đổi mới phương pháp rồi". Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Lê Quán Tần đã nhận định "dạy theo lối đọc - chép là một sự thất bại về mặt sư phạm. Lối dạy học này gắn liền với việc sử dụng sách giáo khoa không hợp lý như bắt học sinh ghi lại những điều đã in trong sách giáo khoa, có gì trong sách dạy hết và tình trạng này khá phổ biến". Chính vì thế, ngành GD-ĐT sẽ triển khai cuộc vận động, trong vòng 2 năm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua đọc - chép ở trung học cơ sở và trung học phổ thông. Điểm xuất phát và đích đến đều đã rõ. Vấn đề còn lại là ở mỗi thầy giáo, cô giáo. Minh Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/47/218934/