Tự ý thuê xe đưa nam công nhân tử nạn về quê có bị xử lý về hành vi xâm phạm thi thể?

Sau khi phát hiện công nhân bị tai nạn dẫn đến tử vong, thay vì báo cáo cơ quan chức năng thì những người liên quan lại âm thầm đưa thi thể nạn nhân vào chiếc xe 4 chỗ chở về quê.

Chiều 24/5, anh H.T.D (SN 1981, trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế) cùng nhóm thợ thi công phần điện tại các tầng công trình xây dựng Tổ hợp căn hộ, khách sạn CONDO 2 (Số 107 đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) do Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Thiên Thai làm chủ đầu tư. Khi đang thi công hệ thống điện tại sảnh thang máy tầng 16 của công trình nói trên, không may anh bị té ngã, rơi xuống đất tử vong.

Những người thợ cùng nhóm phát hiện nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương mà gọi xe ô tô dịch vụ đưa thi thể anh D về quê và bàn giao cho gia đình. Thấy thi thể nạn nhân được đặt trên 2 cáng sắt bỏ sau ô tô nên người nhà anh D đã giữ 2 người đàn ông lại và báo cho công an địa phương đến làm việc.

Người nhà của nạn nhân cho hay, Công an TP Đà Nẵng sau khi hoàn tất khám nghiệm tử thi đã thông báo cho gia đình biết anh D tử vong do dập não, vỡ hộp sọ, trên mình gãy nhiều xương sườn…

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi chở thi thể anh D từ hiện trường vụ tai nạn về nhà nạn nhân bằng việc để sau xe ô tô như vậy là thiếu tôn trọng, không phù hợp với văn hóa, đạo đức, truyền thống của người Việt Nam. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ quá trình vận chuyển thi thể, những người này có hành vi xâm phạm thi thể hay không.

Nếu hành vi xâm phạm thi thể như quăng quật, coi thường xác của nạn nhân đến mức nghiêm trọng thì có thể xem xét về tội xâm phạm tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo Điều 319 (BLHS 2015). Theo quy định: "Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

Gia đình tiếp nhận thi thể anh D từ phía sau xe ô tô. Ảnh: PLO

Gia đình tiếp nhận thi thể anh D từ phía sau xe ô tô. Ảnh: PLO

Luật sư Long phân tích: "Để làm rõ có hay không hành vi xâm phạm thi thể cần xác định: Người có hành vi cho dù là với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì hành vi đó là hành vi xâm phạm mồ mả; Người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di dời mồ mả, hài cốt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền)".

Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cần chú ý đến phong tục, tập quán, truyền thống của từng địa phương, từng dân tộc để xác định hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt đã nghiêm trọng tới mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa.

"Trong vụ việc cụ thể này, nếu chủ đầu tư và những công nhân trên chỉ mục đích mang thi thể anh D về quê để lo hậu sự thì không thể xử lý họ về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được", luật sư Long nói.

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tu-y-thue-xe-dua-nam-cong-nhan-tu-nan-ve-que-co-bi-xu-ly-ve-hanh-vi-xam-pham-thi-the-20200526153157263.htm