Tựa vào tình yêu quyết chiến ung thư

Hai tháng sau ngày cưới, khi niềm vui của chuyện tình đẹp còn đang lan tỏa cảm hứng trên mạng xã hội, thì Tạ Lưu Ngọc Anh phát hiện bị ung thư hạch. Đôi vợ chồng trẻ buộc phải hoãn dự định sinh con, mở phòng tranh, cùng nhau bước vào cuộc chiến sinh tử với căn bệnh quái ác.

Tạ Lưu Ngọc Anh sinh năm 1994, sống ở Hòa Bình còn Nguyễn Thế Vũ sinh năm 1992, sống ở Quảng Bình. Hai người là họa sĩ trẻ được cộng đồng mạng ngưỡng mộ không chỉ bởi tài năng vẽ truyền thần bằng bút bi chân dung sống động cho nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng mà còn ở một chuyện tình đẹp.

Tai họa giữa mùa vui

Biết nhau khi cùng tham gia một nhóm vẽ trên mạng nhưng chỉ coi là bạn bè, hơn sáu năm sau mới lần đầu gặp mặt ở Đà Nẵng rồi nảy sinh tình cảm, thế nhưng vì sống cách xa đến 700km nên trong hai năm yêu nhau, Ngọc Anh - Thế Vũ đã vấp phải sự ngăn cấm của gia đình bởi lo ngại xa mặt cách lòng. Không nản chí, cả hai thường xuyên về nhà nhau chơi, chinh phục cha mẹ hai bên bằng sự yêu thương thật lòng, sống biết đạo lý. Ngày 18.11.2018, đám cưới Ngọc Anh - Thế Vũ diễn ra trọn vẹn trong sự chung lo của hai gia đình. Sau kết hôn, hai vợ chồng sống và làm việc tại Hà Nội, thuê một căn hộ chung cư để ở và dạy vẽ tranh tại nhà.

Trước ngày hóa trị, vợ chồng Ngọc Anh - Thế Vũ đã chụp bộ ảnh kỷ niệm, bởi cô hiểu sau hóa trị lâu lắm tóc mới mọc trở lại. Ảnh: Lê Đình Huy

Trước ngày hóa trị, vợ chồng Ngọc Anh - Thế Vũ đã chụp bộ ảnh kỷ niệm, bởi cô hiểu sau hóa trị lâu lắm tóc mới mọc trở lại. Ảnh: Lê Đình Huy

Tết 2019 lần đầu tiên Ngọc Anh về ăn tết quê chồng và tai họa đã giáng xuống đời cô vào mùng 6 Tết (10.2.2019). Ban đầu da mẩn đỏ như dị ứng, rồi hạch nổi to hai bên cổ, xung quanh ngực cũng xuất hiện 5 - 6 cục hạch, sốt đến 39 độ. Hai vợ chồng vội vàng trở lại Hà Nội để vào bệnh viện K khám trong niềm hy vọng chỉ bị bướu cổ thông thường. Trải qua nhiều lần chẩn đoán, sinh thiết, xét nghiệm… kết quả cuối cùng cho biết Ngọc Anh bị lymphô không Hodgkin (ung thư hạch không Hodgkin) giai đoạn 2.

“Ung thư ập đến khi tụi mình mới cưới hai tháng, đang định ăn tết xong đi tuần trăng mật, năm nay sinh con, mở phòng tranh, vậy mà bỗng nhiên như mất hết. Lúc mới nhận kết quả bệnh, mình trống rỗng còn chồng lặng lẽ khóc. Anh gọi về báo cho gia đình, bố mẹ hai bên đều khóc…”, Ngọc Anh nhớ lại.

Mặc dù được bác sĩ động viên bệnh mới ở giai đoạn giữa, còn trẻ nên cứ yên tâm điều trị nhưng Ngọc Anh vẫn rất bi quan, bởi cô từng bị lao phổi, đã điều trị bằng hóa chất, ít nhiều ảnh hưởng tới sinh con, giờ thêm hóa trị ung thư thì niềm vui làm mẹ biết đến bao giờ? Cảm nhận được bất an trong lòng cô, mẹ chồng và chồng đã mở lời trước. “Chồng mình luôn khuyên chẳng sao đâu vì con cái là lộc trời cho, khoa học rất tiến bộ không phải cứ ung thư là mất hết. Còn mẹ chồng động viên tuổi còn trẻ, 30 sinh con vẫn chưa muộn”, Ngọc Anh kể.

Cuối tháng 2.2019, Ngọc Anh bắt đầu hóa trị, hai tuần vào viện một lần. Hóa chất truyền vào cơ thể đến đâu đau đớn rợn người tới đó, ăn uống thứ gì cũng nôn ra, da dần đen sạm, tóc rụng, hay cáu gắt, dễ khóc... Hết đợt hóa trị kéo dài ba tháng, với 7-8 mũi hóa chất, bác sĩ thông báo tế bào ung thư giảm 40% nhưng vẫn là chậm so với các bệnh nhân khác vì họ chỉ truyền đến đợt 5-6 đã giảm gần hết.

Ngọc Anh được chỉ định tăng liều lên 20 đợt, lúc này cơ thể cô xuất hiện dấu hiệu kháng thuốc, các khối hạch ngày càng to, người mệt lả không thể tự đi. Tiền dành dụm trong nhà của hai vợ chồng trẻ cũng dần hết, bố mẹ hai bên có dốc hết tiền giúp cũng không đủ, đến chiếc lắc tay mẹ chồng tặng ngày cưới Ngọc Anh cũng đành bán đi để có tiền đóng viện phí...

Nhiều lần từ bệnh viện về, cô cứ nghĩ quẩn: Hay là thôi? Bệnh của mình đâu phải gãy chân, gãy tay mà chờ lành? Cứ cố mãi có phải là cách tốt nhất? Bác sĩ bảo chuyển sang xạ trị, nhưng liệu có đi tới đâu?... Biết ý định ấy của con gái, mẹ cô khóc nấc: “Đã chữa được bảy tháng rồi, con cố gắng thêm chút nữa”. Ông ngoại Ngọc Anh, 82 tuổi, từ quê cũng gọi điện thoại lên: “Con đừng bỏ ông. Ông bao nhiêu bệnh tật còn chống chọi được cơ mà”.

Rồi Thế Vũ, sau nhiều ngày khuyên vợ tiếp tục điều trị nhưng Ngọc Anh cứ khước từ, cũng đã chọn “biện pháp mạnh” bằng cách vờ bỏ nhà đi, anh đón xe khách vô Đà Nẵng. Ngày đầu tiên ngủ không có chồng bên cạnh, Ngọc Anh chới với, rồi nghĩ tới những giọt nước mắt của người thân, cô liền nhắn tin cho chồng hứa sẽ nghe lời anh tiếp tục trở lại bệnh viện điều trị.

Tinh thần tốt thì bệnh có cũng như không

Từ khi chuyển qua xạ trị, đều đặn 10 giờ sáng mỗi ngày, Thế Vũ đưa vợ rời căn hộ thuê ở phố Khương Hạ để đến Bệnh viện K cách đó chừng 7-8 km. Xạ trị không đau đớn như hóa trị nhưng có những tác dụng phụ, khiến môi miệng Ngọc Anh bong tróc, người nóng rực, da dẻ đen sậm, các mạch máu nổi rõ hơn, gầy gò, tóc rụng quá nhiều phải cạo trọc, tâm tính cũng trở nên thất thường… Những ngày đó Thế Vũ luôn bên cạnh, dịu dàng chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho vợ, pha trò hài hước để cô quên đi đau đớn và mặc cảm ngoại hình. Anh mua cho vợ bốn bộ tóc giả đủ kiểu, đủ màu, để khi ra ngoài cô đội cho tự tin.

Nhờ năng lượng sống tích cực từ chồng truyền sang, Ngọc Anh dần dần lạc quan, sẵn sàng chia sẻ khi ai đó hỏi về bệnh tình. “Bác sĩ bảo bệnh chữa được nên giờ mình cũng yên tâm, chỉ lo kinh tế không biết có nổi không. Khi đã quen với bệnh tật, mình nhận ra điều quan trọng nhất là phải lạc quan, tinh thần tốt thì bệnh có cũng như không. Mình không muốn gục ngã về tinh thần khi thể chất vẫn đang gồng mình đòi được sống”, Ngọc Anh nói chắc giọng.

Sức mạnh từ tình yêu

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm giáo viên, từ bé Ngọc Anh đã được định hướng theo sư phạm. Cô tốt nghiệp khoa toán - lý Cao đẳng sư phạm Hòa Bình nhưng bỏ ngang nghề giáo để theo đuổi hội họa, và nhờ vẽ, Ngọc Anh gặp được chàng trai yêu thương cô hết dạ hết lòng.
Ngọc Anh cho biết, bị ung thư là một tai họa khủng khiếp của đời cô nhưng những ngày quyết chiến với căn bệnh quái ác, cô cảm nhận rõ ràng nhất niềm hạnh phúc len lỏi vào từng ngày sống, bởi tình yêu thương vô bờ bến của gia đình hai bên và chỗ dựa vững chắc của người chồng trẻ, mà thoạt nhìn chẳng ai tin anh có thể làm được những điều phi thường như trong những ngày chăm vợ bệnh.

Thế Vũ là con thứ hai, từ nhỏ đã được mẹ, chị gái, em gái nuông chiều nên gần như chẳng phải động tay chân gì vào việc nhà. Vậy mà, từ lúc Ngọc Anh bệnh, Thế Vũ một mình cáng đáng hết mọi việc, từ lo viện phí của vợ cho đến chăm sóc bữa ăn, viên thuốc, lau nhà, giặt quần áo, chăm mèo, nấu cơm, rửa chén…, đến cả việc tế nhị xuống siêu thị dưới nhà mua băng vệ sinh khi Ngọc Anh điều trị hóa chất bị kinh nguyệt rối loạn, anh cũng làm dễ dàng. Những lúc khách đặt tranh nhiều mà không có thời gian vẽ, Thế Vũ đem theo lên bệnh viện, tranh thủ lúc vợ ngủ, anh ngồi vẽ suốt đêm. “Từ lúc vợ mình bệnh điều thay đổi lớn nhất là mình cảm thấy bươn chải hơn. Vợ bệnh nhìn thương lắm, lúc đó chỉ muốn người bị bệnh là mình thôi. Vợ chồng có mãi mãi hay không là do cả hai, cùng suy nghĩ giống nhau thì mãi mãi thôi”, Thế Vũ cười hiền nói.

Với Ngọc Anh bây giờ, không mong điều gì hơn ngoài khỏi bệnh. Khi khỏi bệnh rồi, cô sẽ thực hiện những chuyến đi phượt miền Nam cùng chồng, tiếp tục vẽ những bức tranh chân dung truyền thần và sống trong ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trẻ con. Những ngày đầu năm 2020, bác sĩ cho biết bệnh của Ngọc Anh đã khỏi khoảng 80%.

“Ai cũng phải đối diện cái chết, đừng sống đời ủ rũ. Mấy bữa nữa mà hóa trị là vài cọng tóc trên đầu vừa mới nhú sẽ lại rụng, nhưng khi khỏi bệnh mình chắc chắn sẽ trở lại đầy mạnh mẽ và xinh đẹp hơn xưa”, Ngọc Anh cười nói.

Điều trị ung thư hạch ngày nay khả quan

GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam)

Ung thư hạch (lymphôm) xuất phát từ hệ lymphô gồm lymphô Hodgkin và lymphô không Hodgkin. Hai loại này tương tự nhau, cách điều trị hơi khác nhau.

Các hạch lymphô là các tuyến nhỏ ở khắp nơi trong thân thể, thường xếp thành nhóm hay chuỗi hạch lymphô. Trong cơ thể người bệnh, rất nhiều lymphô bào bất thường được sản sinh và thay thế các lymphô bào lành. Các hạch lymphô phình to thành các cục không đau. Thường thấy nhất ở các hạch cổ. Các nhóm hạch chính nằm ở cổ, nách, trong lồng ngực, trong vùng bụng, vùng chậu và hai bên bẹn. Có lymphô ở ruột, dạ dày, não, tinh hoàn và mắt.

Không biết được nguyên nhân phần lớn bệnh lymphôm. Có nhiều loại lymphôm nên không có nguyên nhân chung. Vài loại nguy cơ được biết: nhiễm tia từ xạ trị; nhiễm vài hóa chất; nhiễm khuẩn và virút, thí dụ như vi rút EBV và HIV…

Triệu chứng: hạch phình to ở cổ, nách hoặc bẹn, hạch ít đau hoặc không đau, các khối tròn như hột nhãn hoặc hột mít. Vùng hạch thường gặp là ở hai bên cổ, trên xương đòn gánh và vùng nách. Các triệu chứng khác: sốt đi sốt lại; sụt cân không lý do; đổ mồ hôi về đêm; đôi khi bị ngứa. Bác sĩ gọi là triệu chứng nhóm B. Để chẩn đoán, bác sĩ mổ lấy trọn cục hạch (sinh thiết hạch) gửi thử giải phẫu bệnh. Cần xét nghiệm thêm. Xét nghiệm máu, X-quang phổi, rà CT, rà PET, sinh thiết tủy xương.

Xếp giai đoạn rất cần thiết để chọn cách điều trị. Các giai đoạn từ nhẹ đến nặng gồm: GĐ I, GĐ II, GĐ III, GĐ IV. Chọn lựa điều trị dựa trên vị trí giai đoạn và độ ác tính của ung thư. Điều trị lymphô Hodgkin cho tỷ lệ khỏi bệnh cao. Lymphô không Hodgkin khó trị hơn, nhưng ngày nay kết quả khỏi bệnh khả quan. Điều trị lymphô Hodgkin và lymphô không Hodgkin hơi khác nhau. Có người bệnh chỉ cần một liệu pháp, có người cần kết hợp.

Xạ trị dùng cho người lớn. Khi lymphôm còn nhỏ nằm ở một hoặc hai vùng hạch (chẳng hạn ở cổ và ở nách). Hóa trị khi bệnh đã lan tràn. Đa hóa trị (dùng nhiều hóa chất) đỏi hỏi một ê kíp bác sĩ điều trị thật chuyên khoa và các phương tiện trị liệu thật hiện đại. Liệu pháp nhắm trúng đích: thuốc rituximab (Mabthera) kết hợp với hóa trị (công thức CHOP) giúp điều trị hiệu quả loại lymphô không Hodgkin có diễn tiến nhanh. Ghép tủy xương hoặc tế bào gốc dùng cho bệnh tái phát hoặc không đáp ứng với liệu pháp ban đầu.

Đối với vài loại lymphô không Hodgkin mạn tính, không cần trị lúc mới định bệnh. Cần rà bệnh đều đặn. Theo dõi sát và chờ đợi.

Diễm Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tua-vao-tinh-yeu-quyet-chien-ung-thu-22636.html