Tuần hợp tác của nông lâm nghiệp

Tuần qua, hợp tác về kinh tế ,đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra sự chú ý mạnh. Trong các sự kiện xoay quanh vấn đề này, tạo ấn tượng nhất là Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 và Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam lần thứ 10.

Việt Nam nhận được tín nhiệm cao

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp Vương Quốc Campuchia Veng Sakhon tại cuộc họp song phương (Ảnh :TL)

Trong 5 ngày làm việc (từ 8 đến ngày 12/10/2018) tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị quan trọng cấp Bộ trưởng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đó là: Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40; Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về hợp tác an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) lần thứ 6. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có 7 Bộ trưởng, 7 Thứ trưởng và tương đương; và Phó Tổng thư ký ASEAN.

Tại kỳ họp này, đại diện cho nước chủ nhà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã được bầu là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN và sẽ giữ vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ AMAF, AMAF+3 từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019.

Cũng trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị AMAF lần thứ 40, AMAF +3 lần thứ 18, điểm gây chú ý nhất là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã cùng ông Veng Sakhon - Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp Vương Quốc Campuchia cùng lãnh đạo một số đơn vị của hai Bộ đã có cuộc họp song phương để bàn thảo cách thức thúc đẩy hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp giữa hai nước.

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã chia sẻ những kết quả đạt được trong hợp tác, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp có vai trò quan trọng, thậm chí là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế ở cả hai quốc gia. Nông nghiệp hai nước cũng có sự tương đồng, bổ trợ cho nhau. Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất để hai bên cùng phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Veng Sakhon cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giúp đỡ, hỗ trợ về hợp tác kỹ thuật cũng như giá cả đối với các mặt hàng nông sản của Campuchia như: Hạt điều, sắn, cao su...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao một số nông sản Campuchia có tiềm năng để phát triển như: Hạt điều, cao su... Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ thúc đẩy Tập đoàn cao su Việt Nam đầu tư cơ sở chế biến đúng kế hoạch và thu mua mủ cao su với mức giá hợp lý nhất cho người dân trồng cao su tiểu điền.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, hai Bộ trưởng cho rằng trong thời gian qua hai bên đã trao đổi thông tin hai chiều trong lĩnh này và hợp tác tốt trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Hai nước thực hiện đúng các quy định Công ước về quản lý CITES và ủng hộ nhau trên các diễn đàn về lâm nghiệp.

Trong thời gian tới, hai nước tiếp tục phối hợp trong thực hiện các công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng; quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng; quản lý lâm sản, trong khoa học nghiên cứu lâm nghiệp…

Hai Bộ trưởng thống nhất từ ngày 22-23/10 tới, tại TP. Hồ Chí Minh, hai nước sẽ tổ chức Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và song phương với Chủ đề:“Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững” để hai bên cùng thống nhất nhất quán trong việc quản lý xuất nhập khẩu gỗ.

Sự kiện uy tín về lĩnh vực thương mại gạo

Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 được coi là tạo bước đột phá cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam (Ảnh TL)

Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 được Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader (TRT) tổ chức trong tuần với sự tham gia của hơn 200 đại biểu quốc tế là các nhà nhập khẩu phân phối gạo lớn trên thế giới và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, thương mại gạo trong tuần qua cũng là điểm đáng chú ý về lĩnh vực kinh tế.

Sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới với lượng xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng 5-6 triệu tấn gạo.

Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 43-44 triệu tấn, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% về sản lượng. Theo báo cáo được công bố, xuất khẩu gạo năm 2017 của Việt Nam đã đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016 trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD. Gạo xuất khẩu tại các cảng của Việt Nam đã đạt mức 452,6 USD/tấn, tăng 0,8%, tương đương mức tăng 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016.

Theo thống kê, tính đến 15/9/2018, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị 2,38 tỷ USD, tăng 24.8%. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong kho gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Tại Hội nghị này, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được đưa ra với nền sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo đang có uy tín của Việt Nam. Việc triển khai Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nền nông nghiệp được đề cập tại Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 đang hứa hẹn đưa sản xuất lúa gạo Việt Nam lên tầm cao mới.

Theo đó, nếu áp dụng đúng tiến độ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt với mặt hàng lúa gạo sẽ không chỉ tạo cho lúa gạo bước nhẩy vọt mà còn là việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.

Cũng tại Hội nghị này, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã được xác định. 4 mục tiêu lớn của thị trường lúa gạo Việt Nam là: Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng đã được đưa ra.

Cũng theo thống kê, hiện thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đã có mặt trên khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống thì Australia, Hongkong, UAE… cũng được xác định là có tiềm năng với mặt hàng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Phương Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/tuan-hop-tac-cua-nong-lam-nghiep-46608