Tuần 'lao dốc' bất ngờ của VN-Index!

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước đầy biến động với 3/5 phiên giảm giá, trong đó 'tâm điểm' thuộc về phiên giao dịch cuối tuần (18-8-2023).

Ảnh: TL

Theo đó, chỉ số VN-Index ngắt chuỗi sáu tuần tăng điểm liên tiếp, quay đầu giảm hơn 54 điểm (tương đương 4,5%) để lùi về mốc 1.177 điểm. Đây là mức giảm về điểm số theo tuần lớn nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây (tuần từ ngày 3 đến 7-10-2022 giảm 96 điểm), đồng thời khiến VN-Index nằm trong tốp những chỉ số chứng khoán có biến động tiêu cực nhất trên thế giới trong tuần giao dịch vừa qua. Bên cạnh đó, cú “rũ” của hàng loạt cổ phiếu trụ cũng đã xóa sạch toàn bộ thành quả tăng điểm của chỉ số trong tháng 8. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường tăng mạnh với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,6 tỉ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục số cổ phiếu giao dịch trong một phiên trong vòng hơn 23 năm qua. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE, phiên ngày 18-8 đạt gần 35.000 tỉ đồng (tương đương gần 1,5 tỉ đô la Mỹ).

Trong bối cảnh thị trường có nhịp điều chỉnh sâu, khối ngoại tiếp tục là điểm trừ lớn. Lũy kế sau năm phiên giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.077 tỉ đồng, trong đó bán ròng 1.303 tỉ đồng qua kênh khớp lệnh và mua ròng 226 tỉ đồng qua kênh thỏa thuận.

Nhìn chung, phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm không khỏi bất ngờ. Lý do là TTCK Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay diễn biến tương đối thuận lợi, chỉ số VN-Index tăng tốc phục hồi trở lại, dễ dàng chinh phục các ngưỡng kháng cự mạnh. Không chỉ tăng về điểm số, thanh khoản thị trường cũng giữ vững “phong độ”, thường xuyên đạt trên 15.000 tỉ đồng/phiên và những phiên giao dịch khớp lệnh tỉ đô dần xuất hiện trở lại. Môi trường lãi suất thấp là yếu tố chính giúp chứng khoán trở nên hấp dẫn đáng kể so với những kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm hay vàng. Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô trong nước dần ổn định cũng như chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ mang đến triển vọng tăng trưởng cho các nhóm ngành.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm thì diễn biến lao dốc trong tuần qua xuất phát từ việc cộng hưởng của nhiều nguyên nhân như: thị trường có dấu hiệu phân phối, tạo mô hình hai đỉnh kể từ đầu tháng 8; diễn biến kéo lên của nhóm cổ phiếu họ “Vin” sau sự kiện Vinfast niêm yết tại Mỹ không có nhiều sự lan tỏa đến các nhóm ngành khác; các công ty chứng khoán lớn ra quyết định cắt giảm tỷ lệ cho vay margin tại một số mã; định giá thị trường không còn rẻ khi chỉ số P/E đã lên trên mức 14 lần… Trong khi đó, các thông tin tích cực như kỳ vọng hạ lãi suất, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ… đều đã được công bố. Việc tiếp theo của giới đầu tư là chờ đợi hiệu quả thực tế của những chính sách này. Trong khoảng thời gian chờ đợi nêu trên, dòng tiền sẽ cần có một nhịp “nghỉ ngơi” để đánh giá lại tất cả các yếu tố tác động tới thị trường. Thời điểm hiện tại chính là khoảng thời gian cho nhịp nghỉ đó.

Ngoài ra, xu hướng điều chỉnh của TTCK thế giới cũng đang là lực cản đối với VN-Index. Tính chung cả tuần trước, chỉ số Dow Jones giảm 2,2%, S&P 500 giảm 2,1% còn Nasdaq giảm 2,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2022 vào phiên ngày 17-8. Cú tăng này diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy Fed vẫn có thể tăng thêm lãi suất vì các nhà hoạch định chính sách còn lo lắng nhiều về lạm phát. Trong tuần này, tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ hướng tới phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole (từ ngày 25-8).

Về xu hướng của VN-Index, phiên “đổ đèo” cuối tuần trước đang khiến chỉ số này đứng trước nguy cơ đánh mất xu thế tăng ngắn hạn. Các ngưỡng hỗ trợ quanh đường trung bình động MA50 đang đóng vai trò nâng đỡ, tạo nền cho chỉ số phục hồi trở lại. Tuy vậy, rủi ro thị trường điều chỉnh thêm trong ngắn hạn vẫn hiện hữu. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên cho hoạt động quản trị rủi ro danh mục. Với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, có thể cân nhắc giải ngân dần trong nhịp điều chỉnh của thị trường với trọng tâm ở các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong hai quí cuối năm như đầu tư công, bán lẻ, dầu khí, chứng khoán…

Thanh Thủy

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tuan-lao-doc-bat-ngo-cua-vn-index/