Tuân thủ nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép diễn biến phức tạp. Ðây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự địa phương. Người dân cần hiểu đúng các quy định về quản lý, sử dụng pháo để tránh những trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép diễn biến phức tạp. Ðây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự địa phương. Người dân cần hiểu đúng các quy định về quản lý, sử dụng pháo để tránh những trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc.

Người dân Cần Thơ xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm 2020. Ảnh: SƠN HÀ

Người dân Cần Thơ xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm 2020. Ảnh: SƠN HÀ

Mặc dù cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng gần Tết, nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây hậu quả khôn lường. Chẳng hạn vụ tự chế pháo gây nổ vào ngày 25-12-2022, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Ðắk Lắk, làm 2 em học sinh tử vong, 1 em học sinh bị thương nặng. Trong vụ này, 5 học sinh đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán. Quá trình thực hiện đã gây ra nổ lớn dẫn tới hậu quả nêu trên. Ngày 4-1-2023, lực lượng Công an xã Ðắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Ðắk Nông cũng đã phát hiện 6 thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) đều trú tại xã Ðắk Nia có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan...

Ðể tránh vi phạm pháp luật và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, người dân cần hiểu rõ các quy định về pháo. Pháo bao gồm: pháo nổ, pháo hoa. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m… (điểm a, khoản 1, Ðiều 3, Nghị định 137/2020/NÐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo)

Nghị định 137/2020/NÐ-CP quy định, các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Như vậy, người dân được sử dụng pháo hoa trong những trường hợp vừa nêu khi đáp ứng điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Nếu không thỏa các trường hợp được luật quy định thì người đốt pháo hoa nổ trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định, người nào đốt pháo nổ thuộc các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Ðiều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015: đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người; đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy; đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác; đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1kg đến dưới 0,5kg đối với thuốc pháo; đốt pháo nổ với số lượng dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ðiều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng pháo

Hỏi: Việc quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo được quy định như thế nào?

Ðáp: Việc quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm các điều kiện sau đây: bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định; kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, PCCC, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan. Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải có nội quy, quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, PCCC; có phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, PCCC đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho; có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng, chống cháy, nổ; niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị PCCC.

Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng pháo?

Ðáp: Ðiều 5, Nghị định số 137/2020/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép. Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định, hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

H.Y (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tuan-thu-nghiem-quy-dinh-ve-quan-ly-su-dung-phao-a155494.html