Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-8-2018

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021; Bắc Giang nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Đồng Nai cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là những tin nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đều phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, UBND các cấp sẽ tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại Bộ phận Một cửa.

Các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh triển khai nhân rộng phần mềm một cửa điện tử thống nhất đối với các bộ, cơ ngang bộ, UBND cấp tỉnh chưa bảo đảm về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ và ban hành quy chế hoạt động.

Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng, ban hành Kế hoạch của bộ, cơ quan, địa phương mình; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này, lồng ghép trong báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, bảo đảm tại Trung tâm phục vụ hành chính công thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 20% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết cấp huyện thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 50% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ.

Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân

Sáng 09-8, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Đánh giá về thực trạng tổ chức đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước. Việc chia tách đã gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia, tách không gian văn hóa - xã hội ở một số vùng, miền.

Hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn. Có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó có 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số. Có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó 6.191 đơn vị (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề. Khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập. Không nhất thiết đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập phải đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số theo quy định, nhưng ít nhất cũng phải đạt một trong các tiêu chí: cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số đều đạt trên 50% theo quy định; hoặc có 1 tiêu chuẩn đã đạt từ 100% theo quy định trở lên.

Đề án cũng đặt vấn đề không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số nếu có một trong các yếu tố đặc thù: có điều kiện vị trí địa lý - tự nhiên biệt lập với các đơn vị hành chính khác (hải đảo, cù lao chàm, vùng sâu, vùng xa...); có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống cộng đồng dân cư mà nếu sáp nhập với các đơn vị hành chính khác sẽ gây xáo trộn, tạo bất ổn về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong quá trình xây dựng Đề án, tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo và gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, các địa phương về dự thảo Đề án, có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về tiêu chí và số lượng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng tình cao với đề án. Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng tình với quan điểm từ nay đến năm 2021 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Theo đó, sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã. Đây là số lượng bắt buộc phải sắp xếp. “Còn nếu các địa phương mở rộng thêm số lượng thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất hoan nghênh và khuyến khích”, Phó Thủ tướng nói.

Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đều phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% số cử tri trên địa bàn đồng ý mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, điều này thể hiện đúng bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trên địa bàn cần phải lấy ý kiến nhân dân và phải làm cho thực chất, phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Bắc Giang nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

Ngày 08-8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Những năm qua, Bắc Giang luôn xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2017, các chỉ số của tỉnh Bắc Giang có nhiều biến chuyển rõ nét như: Chỉ số cải cách hành chính đạt 82,74 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 30/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đạt 37,17 điểm xếp thứ 26/63 và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt 93,14 điểm xếp thứ 4/63, đều nằm trong nhóm trung bình cao.

Công tác cải cách về thể chế, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả. 100% cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng phần mềm một cửa vào giải quyết các thủ tục hành chính. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1,57 triệu hồ sơ thủ tục hành chính; hầu hết các hồ sơ đã được giải quyết đúng và trước hạn; trong số này trên 195.000 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí, thời gian đi lại cho công dân, đồng thời, giảm áp lực cho bộ phận một cửa các cấp và là cơ sở để triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã trao đổi với UBND tỉnh về những vấn đề còn tồn tại của địa phương như: Văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn chưa mang tính ổn định; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính còn chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; một số phần mềm quản lý riêng theo ngành, lĩnh vực còn chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối dẫn đến việc tích hợp, thống nhất với một cửa điện tử gây khó khăn trong quản lý, theo dõi và đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính; đối tượng tinh giản biên chế còn bó hẹp dẫn đến một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về năng lực, sức khỏe, tuổi tác...

Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Sáng 10-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Dự thảo Đề án đã nêu hai phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã) và một cấp hành chính (xã, phường, thị trấn). Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Tại hội thảo, 12 ý kiến tham luận của đại diện các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn đã tập trung đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã của thành phố Hà Nội; đánh giá, bổ sung những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án thí điểm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị; đồng thời làm rõ tổ chức, hoạt động và mối quan hệ của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong mô hình thí điểm.

Đại đa số các đại biểu đều lựa chọn phương án 1, tổ chức hai cấp chính quyền và một cấp hành chính. Lựa chọn phương án này, ông Trần Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì góp ý thêm, Đề án cần làm rõ những điểm tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND, UBND cấp huyện và mô hình chính quyền cấp xã, không đánh giá chung hai cấp vì cấp xã sẽ là cấp thay đổi nhiều nhất khi thực hiện Đề án.

Chung quan điểm với ông Cương, ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, cho rằng HĐND cấp xã về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng, hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, năng lực của đại biểu còn hạn chế. Vì vậy, ông Quân đề xuất không tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ mà thay vào đó tổ chức một cấp hành chính, tức là phương án 1. Tuy nhiên, khi không tổ chức HĐND cấp xã, việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn và quyền giám sát nên chuyển giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố.

Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, những ý kiến này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Đồng Nai: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Liên tiếp từ năm 2014 đến nay, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Đồng Nai luôn giữ vững vị trí thứ 3 và 4 cả nước. Theo đó, năm 2014 Đồng Nai xếp thứ 4/63 tỉnh thành; năm 2015 xếp thứ 3; 2016 xếp thứ 4 và năm 2017 xếp thứ 3 so với 63 tỉnh thành trong cả nước. Tỉnh cho rằng, nhờ những nỗ lực trong cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính mà Đồng Nai được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Theo Tỉnh ủy Đồng Nai, chỉ số PAR INDEX của Đồng Nai cao là do địa phương có nhiều giải pháp mới, cách làm hay được triển khai rộng rãi như thành lập trung tâm hành chính công; triển khai tổng đài dịch vụ công 1022; thực hiện mô hình “phi địa giới hành chính” trong thực hiện các thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu giải quyết thủ tục hành chính. Chính nhờ kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.

Đồng Nai cho biết, hiện nay tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính của tất cả các ngành. Theo đó, hiện có 1.689 thủ tục hành chính được áp dụng tại 3 cấp chính quyền; trong đó cấp tỉnh có 1.348 thủ tục, cấp huyện có 244 thủ tục, cấp xã có 97 thủ tục. Các thủ tục hành chính, dịch vụ công được công khai tại bộ phận một cửa trên các trang thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện.

Từ tháng 5-2017, Đồng Nai đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công, đến nay Trung tâm đã phát huy hiệu quả trong giải quyết các thủ tục hành chính. Trong hơn 1 năm hoạt động, có trên 117.000 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được giải quyết, trong đó tỷ lệ đúng hạn đạt 96,6%. Qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp cho thấy có đến 99,8% người dân hài lòng.

Chính nhờ những nỗ lực trên, trong những năm qua, không những chỉ số PAR INDEX được giữ vững mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai cũng được cải thiện từng năm. Theo đó, năm 2014 chỉ số PCI của Đồng Nai xếp hạng 43/63 tỉnh, thành; năm 2015 xếp hạng 37; năm 2016 xếp hạng 34; đến năm 2017 Đồng Nai vượt lên hạng 26/63 tỉnh, thành./.

Hồng Ngọc tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/51885/tuan-tin-cai-cach-hanh-chinh-tu-ngay-06-den-ngay-1282018.aspx