Tuần tồi tệ của Phố Wall

Thị trường Mỹ vừa trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ khi làn sóng Covid-19 bùng phát. Theo chuyên gia quốc tế, nguyên nhân là FED nâng lãi suất và sự kiện 'triple witching'.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã bật tăng trong phiên giao dịch hôm 17/6. Nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 38,29 điểm, tương đương 0,13%, xuống 29.888,78 điểm. Còn chỉ số S&P 500 tăng 0,22%, đóng cửa ở mức 3.674,84 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 1,43% lên 10.798,35 điểm.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức giảm 5,8% trong tuần. Mọi lĩnh vực đều thấp hơn 15% so với mức cao gần đây.

 Các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020, thời điểm làn sóng Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020, thời điểm làn sóng Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Tuần tồi tệ của Phố Wall

Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ cũng lao dốc 4,8%. Chỉ số Dow Jones một lần nữa đóng cửa dưới mốc 30.000 điểm. Trong phiên giao dịch hôm 16/6, chỉ số này lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021.

Vào tháng 11/2020, các gói kích thích tài chính và tiền tệ đã giúp thúc đẩy thị trường, đưa Dow Jones lần đầu vượt mốc này.

"Đó là một tuần tồi tệ của Phố Wall khi lạm phát tăng nóng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải quyết liệt hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.

"Việc ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay nâng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái", ông nhận xét.

Ngoài ra, theo ông Moya, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều sẵn sàng tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính trong mùa hè này.

Ngân hàng trung ương Mỹ vừa thông báo nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994. Ảnh: Reuters.

Việc nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí rủi ro của các tài sản rủi ro như cổ phiếu, khiến những tài sản này mất đi sức hút. Thêm vào đó, nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái cũng tác động xấu tới thị trường.

Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, đưa lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên khoảng 1,5-1,75%.

Đến tuần trước, giới quan sát vẫn dự báo FED nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc FED phải hành động mạnh tay hơn.

Thị trường Mỹ đã đi lên sau khi FED công bố đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994. Nhưng đà tăng nhanh chóng đảo chiều ngay trong phiên giao dịch ngày hôm sau.

"Động thái được FED đưa ra ngày hôm qua giống với dự đoán của giới đầu tư. Nó giúp đối phó với lạm phát tăng ngoài dự kiến", bà Susan Schmidt tại Aviva Investors bình luận. "Nhưng giờ, các nhà đầu tư đã nhớ lại rằng điều này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái", bà bình luận.

"Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng. Cơ quan này sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc 'hạ cánh an toàn' rất khó xảy ra", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - bình luận.

Thị trường kiệt quệ

Giới chuyên gia cho rằng sự kiện "triple witching" cũng thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. "Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán trong tuần qua cũng bị phóng đại bởi sự kiện 'triple witching'", ông Moya nói với Zing.

Ngày "triple witching" là thời điểm đáo hạn hàng quý của các quyền chọn cổ phiếu, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng quyền chọn chỉ số cổ phiếu. Tất cả đều đáo hạn trong cùng một ngày vào thứ Sáu thứ 3 của tháng 3, 6, 9 và 12.

"Việc các hợp đồng tương lai và quyền chọn cổ phiếu đáo hạn có thể đẩy nhanh áp lực bán tháo", vị chuyên gia giải thích.

Đó là một tuần tồi tệ của Phố Wall khi lạm phát tăng nóng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải quyết liệt hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ

Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ

"Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều biến động ở phía trước, bởi tình trạng bấp bênh vẫn còn", ông John Canavan - nhà phân tích tại Oxford Economics - bình luận.

"Sau đà bán tháo điên cuồng trong tuần qua, thị trường dường như đã kiệt quệ, và trong 3 ngày cuối tuần, giới đầu tư cố tìm một bến đỗ", ông giải thích về mức tăng nhẹ của thị trường trong phiên giao dịch hôm 17/6.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như Apple, Nvidia, Tesla đều ghi nhận mức tăng hơn 1%, riêng cổ phiếu Amazon tăng 2,5%.

Các cổ phiếu thuộc ngành du lịch cũng phục hồi. Giá cổ phiếu Carnival và Norwegian Cruise Line tăng khoảng 10%. Cổ phiếu của Airbnb và nhóm hàng không cũng tăng cao.

Chỉ số Dow Jones đóng cửa phiên 17/6 với mức giảm nhẹ, do cổ phiếu của Chevron, Walmart và Goldman Sachs đi xuống. Giá cổ phiếu của American Express tăng gần 4,9%, còn giá cổ phiếu của Boeing tăng thêm khoảng 2,6%.

Lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin tăng khoảng 1% vào phiên giao dịch 17/6 nhưng vẫn giảm trong tuần. Ngành năng lượng tiếp tục lao dốc với mức giảm 5,5%.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuan-toi-te-cua-pho-wall-post1327535.html