Tuần tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Nhân lực và phương tiện chưa đảm bảo

Lực lượng thi hành công vụ kiểm soát tàu cá 'mỏng', lại không có phương tiện và công cụ hỗ trợ, dẫn đến công tác quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả.

Đặc thù của nghề khai thác hải sản là ngư dân hoạt động trên biển, việc kiểm tra kiểm soát vì thế cũng phải thực hiện trên biển thì mới có thể phát hiện và đủ điều kiện để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), lực lượng thanh tra chỉ thi hành nhiệm vụ khi sự việc đã xảy ra rồi. Việc tổ chức thanh tra phải tuân thủ quy trình, thành viên tham gia phải có quyết định thanh tra do cấp thẩm quyền ban hành.

Tàu hành nghề lưới kéo (giã cào) vi phạm vùng, tuyến, nhưng lực lượng chức năng không có phương tiện để tuần tra, kiểm soát trên biển nên rất khó xử lý vi phạm.

Theo quy định, đối với kiểm ngư, hoạt động tuần tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên và liên tục. Nếu phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm, lực lượng kiểm ngư tiếp cận nhanh và dễ dàng, đủ thẩm quyền xử lý ngay, không để hậu quả xảy ra. Nếu trên tàu có người chống đối, lực lượng kiểm ngư có công cụ để hỗ trợ khống chế. Tuy nhiên, hiện nay việc thành lập Phòng Kiểm ngư - Thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh chẳng khác nào “bình mới, rượu cũ” (trên cơ sở tổ chức lại Phòng Thanh tra - Pháp chế thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh).

Dù được bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kiểm ngư theo quy định của Luật Thủy sản, nhưng nhân sự Phòng Kiểm ngư - Thanh tra chuyên ngành vẫn chỉ có 4 người, không có kiểm ngư viên, không có phương tiện phục vụ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư cũng chỉ có “tên”, chứ chưa có cơ chế hoạt động rõ ràng, nhất là quy trình tuần tra, kiểm soát dẫn đến sự nhập nhằng, chồng chéo. Vì vậy, Phòng Kiểm ngư- Thanh tra chuyên ngành không thể triển khai thực hiện các hoạt động tuần tra và kiểm soát trên biển.

Về phân cấp quản lý khai thác thủy sản, từ vùng lộng trở vào vùng biển ven bờ được giao cho ngành chức năng địa phương quản lý với chiều dài khoảng 130km, chiều rộng 30km. Dù Luật Thủy sản đã quy định rất rõ vùng, tuyến mà tàu cá được phép hoạt động tương ứng với chiều dài của phương tiện, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm khá nhiều. Đặc biệt là tàu hành nghề lưới kéo, đối tượng thường xuyên vi phạm vùng, tuyến trong quá trình khai thác; hoặc những trường hợp ngư dân sử dụng phương tiện, chất cấm trong quá trình khai thác.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, lực lượng chức năng tại cảng chỉ kiểm soát thủ tục xuất nhập bến như giấy phép khai thác thủy sản; danh sách thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên đi trên tàu; tình trạng các thiết bị bắt buộc phải lắp đặt. Còn hoạt động ngoài biển thì phải có lực lượng kiểm ngư tuần tra phát hiện, ngăn chặn những sai phạm khi hoạt động sai vùng, tuyến; tàu hành nghề cấm hoặc sử dụng ngư cụ, phương tiện có tính hủy diệt nguồn lợi.

“Khối lượng công việc lớn, điều kiện làm việc khó khăn, nhưng nếu không thể tăng thêm nhân lực cho Phòng Kiểm ngư - Thanh tra chuyên ngành, thì cấp thẩm quyền quan tâm đầu tư phương tiện, công cụ hỗ trợ cũng như kinh phí hoạt động. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng kiểm ngư, thanh tra thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ, đặc biệt là việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”, ông Mười kiến nghị.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202211/tuan-tra-kiem-soat-hoat-dong-tau-ca-nhan-luc-va-phuong-tien-chua-dam-bao-3146847/