Tubudd - Startup liên tục vượt qua trở ngại

Câu chuyện đương đầu với những thử thác trong quá trình phát triển của Tubudd - startup du lịch nằm trong Top 3 Cuộc thi Khởi nghiệp cho người Việt toàn cầu Vietchallenge 2019 vừa qua - dường như là câu chuyện chung của nhiều startup.

Tubudd là một nền tảng công nghệ kết nối khách du lịch với người bản địa, chuyên cung cấp các loại dịch vụ, các tour riêng dành cho từng đối tượng đi du lịch khác nhau như: hướng dẫn viên bản địa cho khách đến tham quan, vui chơi hay phiên dịch; trợ lí cá nhân cho khách công tác… Hiện nay, Tubudd đã quy tụ đội ngũ 500 “buddies” địa phương tại gần 10 quốc gia và hơn 200 thành phố trên thế giới. Mới đây, Tubudd là startup nằm trong top 3 cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu Vietchallenge 2019, trước đó là top 3 Techfest Vietnam 2018, Top 10 Chương trình Pitch@Palace của Vương quốc Anh, Top 30 Pitch@RISE Hong Kong 2018…

Nhưng những thành công bước đầu này chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện phát triển của doanh nghiệp. Những thách thức mà startup này đang phải đương đầu thông qua phần trao đổi, chia sẻ với đoàn phóng viên “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” vừa qua sẽ là bài học và kinh nghiệm cho nhiều startup Việt khác.

 Phóng viên “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” làm việc với đại diện Tubudd

Phóng viên “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” làm việc với đại diện Tubudd

Tubudd được ra đời tại nước Anh vào năm 2017, song chỉ sau 6 tháng thành lập, đội ngũ sáng lập đã quyết định đưa ứng dụng về Việt Nam với mong muốn phát triển du lịch nước nhà. Cũng như những startup khác, khó khăn ban đầu khi triển khai ý tưởng mà Tubudd gặp phải là vấn đề về nguồn vốn, bao gồm vốn cho con người, vốn để phát triển kỹ thuật, đặc biệt là đối với một mô hình công nghệ mới như Tubudd và vốn làm marketing. Để giải quyết bài toán này, Tubudd đã nhận sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA). Hiện tại, công ty đang tiếp tục gọi vốn vòng sau để phát triển các công nghệ xét duyệt hướng dẫn bản địa trên ứng dụng.

Trả lời câu hỏi của đoàn phóng viên trong chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” về kinh nghiệm thuyết phục các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chị Michelle Nguyễn - đại diện Tubudd chia sẻ rằng trước hết startup cần hiểu được nhà đầu tư họ đang quan tâm ở mặt nào hoặc bên vườn ươm mạnh về cái gì để thể hiện thế mạnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, chị cũng nhận thấy các nhà đầu tư Việt Nam thường dè dặt hơn đối với mô hình mới như Tubudd.

Thách thức thứ hai Tubudd phải đối mặt là xây dựng đội ngũ nhân lực, làm sao để tìm kiếm các bạn hướng dẫn viên tại bản địa có cả kiến thức và trình độ ngoại ngữ. Sự tiếp cận của người địa phương với Tubudd còn hạn chế và số lượng người biết các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh còn ít ỏi, dẫn đến việc tìm kiếm hướng dẫn viên bản địa ở các tỉnh thành khác nhau trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Tubudd đã và đang có những liên kết với các trường Đại học và các câu lạc bộ ngoại ngữ để kết nối với các bạn sinh viên đã có nền tảng. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên bản địa sẽ trải qua quá trình đào tạo ngắn và kiểm duyệt chất lượng thông qua sự đánh giá từ khách hàng.

Chị Michelle Nguyễn chia sẻ về ứng dụng Tubudd với các phóng viên “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp”

Để đảm bảo một đội ngũ nhân lực rộng lớn có sự kết nối vững chắc, mang nét văn hóa riêng của Tubudd, đại diện công ty cho biết hiện có các nhóm và các hoạt động giao lưu để liên kết các bạn hướng dẫn viên với nhau. Tubudd hy vọng tạo nên một cộng đồng những người “bạn đường”, đồng hành và chia sẻ với khách du lịch góc nhìn của một người bản địa, chứ không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn viên.

Trước mối lo ngại về sự cạnh tranh giữa mô hình mới như Tubudd và mô hình du lịch truyền thống, cũng như vấn đề pháp lý, chị Michelle cho biết đây là một thách thức mà trong tương lai Tubudd có thể sẽ phải đối diện. Hiện nay, Tubudd đã có những trao đổi với luật sư và Hiệp hội du lịch Việt Nam, cũng như mong muốn cấp chứng chỉ cho những bạn hướng dẫn viên bản địa. Xét về sự cạnh tranh giữa Tubudd và các ứng dụng đặt tour khác, chị cho biết “Điểm khác biệt của Tubudd thứ nhất là local view (góc nhìn của người bản địa), thứ hai là chuyến đi không bị cố định”. Thay vào đó, Tubudd cho phép khách du lịch tạo và thay đổi lịch trình theo mong muốn của mình.

Ngoài ra, tại buổi gặp gỡ với các nhà truyền thông, chị Michelle cũng tiết lộ định hướng tương lai gần của Tubudd là tập trung phát triển, hoàn thiện công nghệ, sau đó mới đẩy mạnh marketing. Để ứng phó với lượng khách hàng tăng trưởng nhanh trong tương lai, chị Michelle Nguyễn gợi ý rằng “sau này Tubudd sẽ đẩy mạnh về chăm sóc khách hàng như các chức năng Chatbox và nút khẩn cấp để có thể hỗ trợ khách hàng kịp thời.”

Chặng đường Tubudd đi qua không trải toàn hoa hồng mà còn có những chông gai. Qua buổi chia sẻ với những nhà làm truyền thông, có thể thấy Tubudd đã và đang chuẩn bị sẵn sàng biến thách thức thành cơ hội để hiện thực hóa lý tưởng và đam mê của mình.

Cao Nhật

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tubudd-startup-lien-tuc-vuot-qua-tro-ngai-126158.html