Tục cúng Hành binh - Hành khiển ngày Tết ở Nam Bộ

Ngày nay ít nơi cúng Hành binh - Hành khiển, hoặc có cúng thì lễ vật cũng giản tiện hơn xưa. Ít ai nhớ nổi tên các vị để khấn cho đúng. Nhiều nơi ở thành thị, tục này bị quên lãng.

Cúng Hành binh – Hành khiển không chỉ là một tục lệ phổ biến trong dịp Tết, mà còn là một nghi thức quan trọng trong việc tiễn năm cũ và đón năm mới. Đến nay, tục này đã dần bị quên lãng, chỉ còn hiện diện ở một số ít đình, chùa và tư gia hoặc nhiều nơi có cúng mà không rõ cúng như thế nào. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi xin nhắc lại về tục cúng này.

Khởi nguồn từ tín ngưỡng dân gian cộng với ảnh hưởng của Tam Giáo (Nho, Phật, Lão), người xưa quan niệm sao Thái tuế không chỉ đơn giản là một ngôi sao mà thần hóa thành 12 vị thần Hành khiển (quan văn), Hành binh (quan võ) gọi là thập nhị Đại vương Hành khiển và tin rằng đó là những người thay mặt Ngọc đế - vị vua của cõi Trời cai quản mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương Hành khiển của 12 năm trước.

Hành binh – Hành khiển năm Dần và năm Dậu, tranh dân gian Hàng Trống.

Các vị đại vương này còn gọi là đương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm cai quản thế gian trong một năm, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã để định công luận tội, tâu lên Thượng đế. Giúp việc cho các vị Hành khiển là những phán quan. Đại vương Hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hoàng còn phán quan thì lo việc ghi chép công, tội. Theo quan niệm xưa, trong các vị Hành khiển, có vị nhân từ, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nếu năm đó gặp vị nhân từ, cương trực, đức độ thì nhân dân no đủ, khang thái, ít thiên tai, dịch bệnh. Ngược lại, năm nào đói kém nhiều, bệnh tật, tai ách, loạn lạc triền miên người ta tin rằng đó là họa do vị Hành khiển năm đó giáng xuống.

Như vậy, Đương niên Hành binh – Hành khiển không chỉ có một vị mà hết thảy là 36 vị. Danh tánh của từng vị như sau:

- Năm Tý: Chu Vương Hành khiển, Thiên Ôn Hành binh Chi Thần, Lý Tào Phán Quan;

- Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam Thập Lục Phương Hành binh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;

- Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;

- Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh Chi Thần, Liễu Tào Phán Quan;

- Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh Chi Thần, Biểu Tào Phán Quan; ư- Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hải Chi Thần, Hứa Tào Phán Quan;

- Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Hao Chi Thần, Nhân Tào Phán Quan;

- Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo Chi Thần, Lâm Tào Phán Quan;

- Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu Chi Thần, Tống Tào Phán Quan;

- Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc Chi Thần, Cựu Tào Phán Quan;

- Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá Chi Thần, Thành Tào Phán Quan;

- Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào Phán Quan.

Lệ cúng Hành binh ở các đình Nam Bộ được tổ chức vào đêm giao thừa tại sân đình. Năm nào cũng vậy nên một số đình cất hẳn một ngôi miễu thờ Đương niên Hành binh – Hành khiển ở trước sân đình. Trước thời khắc Giao thừa, ban tế tự đình cử vị hương cả hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn đứng ra làm lễ. Lễ vật có một cái thủ hoặc một con gà cùng với nhang, đèn, hoa, quả, trà, bánh, trầu cau, rượu, và giấy vàng mã… khi thời khắc Giao thừa đến, chuông trống vang lên, vị chủ lễ đứng ra khấn nguyện vị tân vương Hành khiển phù trì cho toàn thôn được một năm mới may mắn, nhân dân khỏe mạnh, làm ăn khấm khá cùng với những sự rủi của năm trước sẽ qua hết.

Ở tư gia, theo cổ lệ thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các vị Hành khiển - Hành binh. Lúc đó các vị bận đi thị sát dưới hạ giới nên rất vội, không kịp vào tận bên trong nhà, nên bàn cúng thường được đặt ở trước sân hoặc ngoài cửa chính mỗi nhà. Lễ vật cúng các thần này là gạo muối, trầu cau, trà rượu, một con gà luộc và vài chén cháo....đặc biệt phải có giấy tiền vàng bạc và một bộ đồ thế. Theo quan niệm, để tránh việc người trong nhà bị các vị Hành binh – Hành khiển bắt lính, người ta phải cúng kèm theo bộ đồ thế (vẽ hình nhơn trên giấy để thay thế người thật) với lệ “nhất nhân thế nhị hình” thì mỗi thành viên trong gia đình phải nộp hai hình thế để các vị thần này điền vào sổ lính. Sau khi lễ tất, gia chủ đốt giấy tiền vàng bạc và đồ thế.

Ngày nay ít nơi còn cúng Hành binh – Hành khiển, hoặc có cúng thì lễ vật cũng giản tiện hơn xưa. Các nhà ở thôn quê thường đặt cái bàn con hay cái ghế một trước sân, trên bày các thứ phẩm vật, nhang thắp được cắm vào một cái ly gạo hoặc cái chai nhỏ. Đa số ít ai nhớ nổi tên các vị để khấn cho đúng. Nhiều nơi ở thành thị, tục này bị bãi bỏ hoặc quên lãng, người dân thay vì cúng các vị trên đã đổi sang đi chùa vào đêm Giao thừa hoặc chỉ cúng trên bàn thờ tổ tiên.

Nguyễn Thanh Thuận

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tuc-cung-hanh-binh-hanh-khien-ngay-tet-o-nam-bo-post1038635.html