Tục cướp vợ và cuộc đời đen tối của Mỵ 'Vợ chồng A Phủ' được tái hiện

Vở diễn 'Mỵ' với cuộc đời tủi khổ, câm lặng của Mỵ và A Phủ dưới ách thống trị tàn bạo của chúa đất phong kiến sẽ được công diễn thời gian tới.

Với mục đích giới thiệu tới khán giả trong nước và đặc biệt khách du lịch về bản sắc văn hóa dân tộc Mông, biên đạo múa Tuyết Minh cùng ê-kíp dàn dựng vở diễn Mỵ. Vở diễn sẽ được công diễn định kỳ, những buổi đầu tiên, ê-kíp dàn dựng đầy đủ vở với 3 chương tái hiện cuộc đời tủi khổ, câm lặng của Mỵ và A Phủ dưới ách thống trị tàn bạo của bọn chúa đất phong kiến.

Những buổi diễn sau đó để phục vụ khách du lịch, vở diễn rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút với những tình tiết đắt giá nhất. Dự án này cũng được ê-kíp kỳ vọng sẽ đưa đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt học sinh, sinh viên đến gần hơn với sân khấu.

Biên đạo múa Tuyết Minh đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của vở Mỵ.

Biên đạo múa Tuyết Minh đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của vở Mỵ.

“Câu chuyện Vợ chồng A Phủ rất dài với nhiều chi tiết, trường đoạn. Tuy nhiên, để phù hợp với loại hình ca múa, nhạc, đồng thời nhằm mục đích để vở diễn đến với mọi đối tượng, độ tuổi thì chương đầu, chúng tôi cố gắng mô tả những chi tiết đặc sắc nhất của người Mông, từ những phiên chợ, tục ăn thắng cố, hay những phong tục tập quán khác…”, biên đạo Tuyết Minh giới thiệu về nội dung vở diễn.

“Chương II, diễn biến diễn ra trong cuộc đời Mỵ với nút thắt là hủ tục của người Mông, là tục cướp vợ được tái hiện. Chương III, cuộc gặp gỡ giữa A Sử và A Phủ được thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích. Từ những câu chuyện đó, Mỵ nhìn thấy mảnh đời của A Phủ, sau đó cùng các chàng trai, cô gái người Mông chạy đi, tìm cho mình cuộc sống mới. Câu chuyện ghép lại ở đó”, tác phẩm “để đời” của nhà văn Tô Hoài được tái hiện như vậy qua vở múa.

Để vẽ nên bức tranh chân thực nơi núi rừng Tây Bắc, ê-kíp sử dụng thanh âm bình dị, mộc mạc từ những đồ vật quen thuộc, gắn liền với đời sống người dân nơi đây như: dao, thớt, bát rượu, cối dã gạo, sàng ngô, sàng thóc, mõ trâu, ống bương…

Qua dự án, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết cô muốn làm việc với người trẻ để họ có cơ hội tiếp xúc với bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời mang theo sức trẻ để vở diễn có thể đến với mọi độ tuổi khán giả.

Tuyết Minh là một trong những nghệ sĩ tiên phong xây dựng những vở diễn nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa. Từ năm 2003 đến nay, chị tham gia với vai trò tổng đạo diễn, biên đạo múa, biên kịch của nhiều vở diễn.

Minh Hạo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuc-cuop-vo-va-cuoc-doi-den-toi-cua-my-vo-chong-a-phu-duoc-tai-hien-post876405.html