Tục lệ nuôi 'heo đất' có từ bao giờ?

Được dùng để tích trữ tiền xu hoặc tiền giấy, chú lợn đất phổ biến không chỉ ở các nền văn hóa phương Đông mà còn ở nhiều nước phương Tây khác như Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Mặc dù ở mỗi quốc gia, lợn đất lại có một tên gọi khác nhau, như 'lợn đất', 'ngân hàng tiền xu', 'ngân hàng lợn con' nhưng công dụng của chúng thì không hề thay đổi là dùng để cất giữ những đồng tiền lẻ, tiền xu khuyến khích trẻ em biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.

Lợn đất có từ bao giờ?

Từ xa xưa, con nguời đã biết để dành tiền trong những chiếc bình, lọ, rương nhưng chỉ đến thế kỷ XVI, XVII thì hình ảnh những chú lợn đất mới xuất hiện và thay thế những chiếc bình giản dị bằng đất sét. Hiện nay ở Trung Quốc vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn những chú lợn đất có niên đại từ hơn 100 năm trước.

Còn ở phương Tây, lợn đất được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như “piggy bank” (ngân hàng lợn con), “penny bank” (ngân hàng tiền xu, tiền lẻ) hay “money box” (hộp đựng tiền). Có thể nói, lợn đất là một trong những món đồ gắn liền với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Nếu bố mẹ của chúng thường gửi tiền tiết kiệm vào những ngân hàng để lấy lời thì trẻ em cũng có ngân hàng riêng của chúng, chỉ khác là ngân hàng này không sinh lời và được bày hết sức trang trọng trong tủ. Chính vì vậy, lợn đất còn được gọi là “still bank” (ngân hàng không sinh lời).

Rất thịnh hành vào đầu thế kỷ XIX, “ngân hàng tiền xu” thường mang hình dáng những chú lợn xinh xắn, được làm bằng gốm, sứ hoặc nhựa. Ở Mỹ, thói quen “nuôi” lợn đất phát triển mạnh vào khoảng thập niên 1950. Hầu hết các trẻ em thời đó đều được khuyến khích nuôi lợn đất đến khi không còn chỗ để nhét thêm tiền xu thì mới được đập vỡ lợn. Số tiền lấy được từ lợn đất một phần được dùng để mua đồ chơi, sách truyện, quần áo, còn lại sẽ được gửi vào ngân hàng.

Ngày nay, lợn đất ngày càng giống một ngân hàng hơn và “chiều chuộng” trẻ con hơn bởi chúng thường có một lỗ nho nhỏ, giúp trẻ lấy tiền ra dễ dàng. Những chú lợn hiện đại còn có cả một bộ đếm điện tử giúp bọn trẻ biết chúng đang có bao nhiêu tiền, đồng thời giúp trẻ ghi chép lại những khoản tiền đã chi tiêu.

Công ty Keian, Nhật Bản thậm chí còn chào bán cả loại “ngân hàng lợn đất kỹ thuật số” là I-Piggy và I-Panda có thể nhận biết giá trị những đồn tiền xu chúng vừa được “cho ăn”, sau đó thông báo tổng giá trị trên một màn hình tinh thể lỏng. Chủ nhân của I-Piggy còn có đặt ra cho mình một mốc “nuôi” lợn, và khi đạt đến mức này, chú lợn thông minh sẽ reo vang thông báo.

Theo các nhà nghiên cứu thì từ “ngân hàng lợn đất” – piggy bank bắt nguồn từ “pygg jar” trong tiếng Anh. “Pygg” là tên một loại đất sét được dùng để làm bình, lọ (pygg jar) rất thông dụng trong các gia đình thời xưa. Trước đây, người ta thường dành dụm tiền và bỏ vào trong những chiếc bình bằng đất nung này.

Tại sao lại nuôi lợn đất chứ không phải con vật nào khác?

Hình thức dành dụm tiền này được người Anh ví như một hình thức gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, bởi vậy mà nó dần được biết đến với một cái tên gọi khác là “pygg bank” – “ngân hàng đất sét”. Đến thế kỷ XVIII thì từ “pygg” đã bị thay thế hoàn toàn bởi một từ đồng âm với nó là “pig”, và trở thành “pig bank” hay “piggy bank” – tức là “ngân hàng lợn con”.

Ngoài ra, người ta còn lý giải rằng, lợn không những là một vật nuôi hết sức quen thuộc trong mỗi gia đình thời xưa mà nó còn được trẻ em rất yêu quý vì dáng vẻ hiền lành.

Hình ảnh chú lợn cách điệu bằng đất sét đáng yêu nhanh chóng chiếm lĩnh được tình cảm của những đứa trẻ, hơn nữa lại còn rất dễ làm nữa. Và khi hình tượng lợn đất đã trở nên phổ biến đến mức người ta mặc nhiên coi nó là một sự thật hiển nhiên thì lợn đất dần dần được biết đến dưới nhiều chất liệu khác như lợn nhựa, lợn thủy tinh, lợn gốm, lợn sứ…

Bên cạnh đó, việc bỏ tiền vào lợn đất để dành dụm và tiết kiệm cũng giống như hình thức nuôi lợn vậy. Người ta phải cho lợn ăn thật nhiều thật nhiều để vỗ béo chúng cho đến khi lợn đủ lớn, đủ béo thì mới thu lại được vốn. Tương tự như vậy, trẻ em chỉ có thể lấy lại được tiền tiết kiệm khi lợn đất đã đủ “lớn” và phải đập vỡ lợn.

Một lý do nữa khiến cho chú lợn trở thành hình ảnh quen thuộc gắn liền với những “ngân hàng gia đình” đó là ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hà Lan, Đức… lợn được coi là đem lại nhiều may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng cho chủ của nó. Vào những dịp lễ quan trọng như năm mới, tân gia, sinh nhật, Giáng sinh, người ta thường tặng nhau những chú lợn đất, với lời cầu chúc cho người được tặng là sự đầy đủ, sung túc. Còn đối với con trẻ, lợn đất không chỉ đơn thuần là một món quà, một thứ đồ chơi đơn thuần mà hơn hết đó là sự khuyến khích dành dụm và chi tiêu tiền đúng cách.

Phong tục nuôi lợn đất tại Việt Nam

Ở Việt Nam, phong tục bỏ tiền vào heo đất cũng đã gắn bó với người dân từ xa xưa, nhưng ngày đó chỉ là những tiền xu, tiền hào, những đồng tiền lẻ với mong muốn tích cóp, tiết kiệm cho những dự định trong tương lai. Miền quê gọi là “lợn đất “, ở các thành phố gọi là “heo đất”, dù những cái tên được đặt khác nhau ở mỗi miền nhưng cùng là người bạn thân của mỗi đứa trẻ nhỏ.

Con heo đất có hình dáng đầu tròn được làm bằng nguyên liệu sứ của làng nghề gốm, có nhiều màu sắc khác nhau, trên lưng có một đường xẻ vừa vặn để thả những đồng xu hay những phong bao lì xì.

Không phải tự dưng con heo được chọn là người bạn thân của mỗi đứa trẻ cầm trên tay, là nơi lưu trữ để tiền lì xì Tết của trẻ nhỏ, bởi hình ảnh con heo bầu bĩnh cái bụng và khuôn mặt có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc và ấm no.

Heo đất ngày nay, heo đất không chỉ để giữ tiền tiết kiệm mà còn là món quà truyền thống tặng các thành viên trong gia đình. Các bậc phụ huynh không quên sắm những chú heo đất làm quà cho con cái để con bỏ tiền lì xì vào đó như một khoản tiết kiệm. Nó là một cử chỉ quan tâm của người lớn dành cho trẻ nhỏ gửi vào đồng tiền cùng lời chúc mừng may mắn trong năm mới của người Việt Nam.

Bỏ tiền vào heo đất mang tính chất tượng trưng cho sự may mắn, khích lệ những đứa trẻ nhỏ chăm ngoan học tốt và biết tiết kiệm, sống cần kiệm và để đầu xuân rước lộc. Những chú heo đất thể hiện nỗi niềm ước mơ tuy nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ lại là cả một giấc mơ mỗi khi Tết đến xuân về.

Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay nhiều người nuôi heo đất với mong muốn có thể san sẻ với những người kém may mắn hơn mình, đó là một món quà có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những hoàn cảnh khó khăn và là bài học quý giá trong thời buổi công nghệ số.

Heo đất gắn với phong tục lì xì của dân tộc ta không biết từ bao giờ, nhưng nó là tuổi thơ của những người đã làm cha, làm mẹ; là những giấc mơ ấp ủ của những đứa trẻ; là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta cần phải gìn giữ.

CHÂU ANH (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuc-le-nuoi-heo-dat-co-tu-bao-gio-d90296.html