Tục lệ xông đất đầu năm mới

Giờ xông đất được tính bắt đầu từ sau giờ Giao thừa trở đi, người xông đất là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau giờ khắc Giao thừa cho đến sáng mùng 1 Tết Nguyên đán.

Tập tục đón Tết cổ truyền theo âm lịch, có rất nhiều nét độc đáo, thú vị. Mỗi mùa Tết đến, chúng ta cùng nhớ lại và hiểu biết thêm những phong tục truyền thống tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Tảo mộ, lễ tạ mộ

Trong truyền thống tâm linh của người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến những người đã khuất là một tập tục tín ngưỡng thiêng liêng đáng trân quý. Cứ đến cuối năm, mọi gia đình sẽ không quên dành thời gian để đến nghĩa trang, dọn dẹp phần mộ sạch sẽ, sửa sang, sơn kẻ lại nước sơn mới, đặt chậu hoa hoặc trồng cây hoa tại khu mộ và làm lễ tạ mộ, thắp hương khấn vái vong linh gia tiên.

Lễ tạ mộ cuối năm rất quan trọng, là cách con cháu thể hiện lòng kính hiếu, một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thuận, tri ân các bậc tiền nhân, cảm tạ thần linh thổ địa nơi có mộ phần, cảm tạ Phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần đã cho vong linh nương nhờ mảnh đất đó.

Thời gian tạ mộ thường là sau lễ Táo quân ngày 23 tháng Chạp, kéo dài đến ngày 29, 30 tháng Chạp. Lễ tạ mộ không cần phải sắm lễ to lớn mà chỉ cần hoa quả đơn giản: hương, nước, rượu, trầu cau, thuốc, chè…, có thể dùng vàng mã hoặc tùy vong linh mà thêm áo quần, giầy, mũ nón… nhưng không nên quá nhiều. Nếu nơi nghĩa trang có miếu thờ thần linh thổ địa riêng thì phải bày lễ 2 nơi và tùy phong tục địa phương mà điều chỉnh cho thích ứng; không nên dùng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh này.

Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa

Sau ngày 23 tháng Chạp là những ngày giáp tết, nên khẩn trương lau dọn, sơn quét, trang trí lại nhà cửa… Việc này mong muốn đẩy đi những xui xẻo của năm cũ, vứt bỏ những đồ dùng cũ hư hỏng, không dùng tới, rửa chén bát, lau sàn nhà, quét mạng nhện, làm mới lại cho tươi hơn, vui hơn. Đồng thời, mua sắm thêm những thứ cần cho ngày Tết sắp tới. Những câu đối truyền thống, những chậu hoa màu đỏ, hồng mang tính dương… rất được yêu thích: hoa sống đời, hoa trạng nguyên, hoa đồng tiền… mang lại nhiều may mắn.

Cúng tất niên và cúng tân niên

* Lễ cúng tất niên vào ngày 30 tháng Chạp, ngày Kỷ Mão (tức ngày thứ 7, 21/1/2023), Bảo quang Hoàng đạo

Đây là lễ rất quan trọng trước tết. Ngày giờ này, bố mẹ, con cháu trong gia đình ngồi lại với nhau, sum họp để ăn cơm tất niên.

Có thể lễ buổi trưa nhưng thường lễ buổi chiều ngày 30 tháng Chạp. Làm lễ cúng tất niên đồ lễ gồm hoa tươi, quả tươi (quả chín) bánh chưng. Mâm cỗ có đồ ăn mặn phải để bàn thấp hơn, không để trên bàn thờ. Mâm cỗ này là mâm cơm thường đủ món, sau khi cúng gia đình dùng làm bữa tối, chứ không để đấ rồi đến giao thừa thắp hương lại. Đồ uống đã đưa lên bàn thờ thì phải mở nắp hoặc rót ra chén, cốc…. Lễ cúng này để báo hiếu ông bà tổ tiên, báo cáo một năm đã qua, cầu mong bình an trong năm mới; đồng thời kính mời hương linh ông bà tổ tiên và những người thân cùng trở về ăn cơm, vui tết cùng con cháu.

* Đêm 30 tết là đêm giao thừa, còn gọi là đêm Trừ Tịch

“Trừ” nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “Tịch” là đêm. “Trừ Tịch” nghĩa là “đêm của sự thay đổi”, “đêm của thời khắc giao thừa”.

Thời khắc lễ giao thừa còn gọi là lễ Trừ Tịch. Trừ Tịch chính là đem bỏ đi hết những điều xấu, dở, cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới, tốt đẹp của năm mới. Theo phong tục cổ truyền, lễ này tiến hành cả ngoài trời và trong nhà.

Xông đất đầu năm

Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người xông đất sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong Năm mới.

Ngày mồng 1 đầu năm, ai bước vào nhà bạn đầu tiên thì đấy chính là người xông đất đầu năm. Thời gian xông đất thường chỉ 5 – 10 phút, không ở lại lâu để mọi việc năm mới trôi chảy, thông suốt. Khách cần chuẩn bị bao lì xì màu đỏ để nhập tài cho gia chủ được lộc đầu tiên của năm mới. Chủ nhà cũng có bao lì xì đáp lễ vị khách để lấy may, cùng chúc nhau những lời tốt đẹp.

Thông thường, cuối năm, mỗi gia đình đều tìm trước để nhờ người đó đến xông đất. Khi chọn, nên quan tâm đến các yếu tố phong thủy sau: thiên can, địa chi, ngũ hành mệnh của khách phải tương sinh với chủ (tức là tuổi hợp với gia chủ) và hợp với năm Quý Mão, người tốt vía (hiền lành, đức độ, mạnh khỏe, làm ăn khấm khá… và nên chọn người nam để được nhiều dương khí).

Có nhiều cách tính tuổi xông đất, nhưng thông thường, hay tìm người “Tam hợp” hoặc “Lục hợp” với gia chủ, hoặc tìm người cùng niên mệnh.

P.Vân (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuc-le-xong-dat-dau-nam-moi-5707982.html