Tục thờ thần Tài

Thần Tài thường được thờ chung một khám thờ với ông Địa hình thành một bộ ông Địa - thần Tài. Nếu ông Địa bảo hộ về đất đai của gia đình thì thần Tài có nhiệm vụ bảo hộ về tiền bạc, tài sản trong nhà. Sự phân biệt giữa Thổ thần và Tài thần khi xưa không rõ lắm, người ta thường cho rằng chức năng bảo hộ về tiền bạc thuộc thần Đất, cho nên khi giải nghĩa Thổ thần và Tài thần, Huỳnh Tịnh Của đều cho là 'thần đất giữ tiền bạc' .

Có người cũng nhầm giữa thần Tài của cư dân Việt với Tài Bạch tinh quân và Tài thần áo trắng của người Hoa. Tài Bạch tinh quân của người Hoa là một ông sao thừa mệnh trời coi việc ban bố tiền bạc cho nhân gian, vía cúng ngày 22-7 âm lịch, có dạng hình là một vị tinh quân mặc lễ phục tay cầm phất trần, tay kia cầm một thoi vàng hay thoi bạc. Thần Tài địa phương của người Hoa là vị thần may mắn và coi sóc việc mua bán (mua may bán đắt) hình dạng là một ông già sắc phục trắng, mi mày đều trắng. Thần Tài của cư dân Việt thường được thờ trong hình dạng một ông già áo đỏ, mày trắng, râu trắng, có hai dạng cốt tượng phổ biến: Hoặc ngồi trong tư thế thong dong; hoặc đứng, một tay xách xâu tiền điếu hoặc bó lúa.

Với dạng hình được thờ như thế, rõ ràng thần Tài của cư dân Việt có ảnh hưởng nhưng không phải là sự sao chép của Tài Bạch tinh quân và thần Tài bạch y của Trung Quốc. Gần đây, tục thờ thần Tài phổ biến, cốt tượng thần Tài được sản xuất hàng loạt, thần Tài hợp cùng ông Địa thành một bộ phân rõ chức năng theo “lý sự” của nhân gian. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Thổ Địa và thần Tài là hai mặt của vấn đề. Thổ Địa, đặc biệt là thuộc tính sinh sản của đất là “lý”, còn thần Tài là “sự”. Đất sản sinh ra sản vật nông nghiệp và sản vật này nếu đem trao đổi sẽ thành vàng bạc, tiền tài, sự phú quý ở đời. “Lý sự” này khiến cho bộ gia thần “ông Địa - thần Tài” thích hợp với nếp nghĩ của đa số dân chúng và được thờ phổ biến trong giới buôn bán trong vùng đô thị, thị tứ.

Về lai lịch của thần Tài, nhà nghiên cứu Toan Ánh giải thích nhằm lý giải tục kiêng đổ rác trong 3 ngày Tết. Trong thực tế, ít ai nghĩ đến Như Nguyện là thần Tài. Thần Tài trong tín ngưỡng dân gian là một nam thần với phẩm phục đường hoàng gần với Tài Bạch tinh quân của người Hoa hơn.

Dù có lai lịch thế nào thì thần Tài cũng là vị thần bản gia cộng tồn với ông Địa bảo hộ cho việc làm ăn, sinh lợi của cư dân Việt, được cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ thờ cúng rất thành tâm. Cách thờ cúng thần Tài cũng giống như Thổ Công, ông Địa; lệ cúng vào ngày mùng 2 và 16 hàng tháng theo âm lịch. Trong nhịp độ phát triển xã hội hiện nay, nhu cầu làm ăn sinh lợi càng lớn, ông Địa - thần Tài càng có chỗ đứng trong tâm linh cư dân Việt, tỏa rộng khắp cả nước, có xu thế chiếm lĩnh lòng tin của phật tử, giáo dân, nhất là giới buôn bán ở đô thị.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/tuc-tho-than-tai-3bd401c/