Tục thờ Thành hoàng làng ở Nam Định

Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định là vùng đất cổ, có đời sống tín ngưỡng dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của cư dân lúa nước.

Từ xa xưa, mỗi khi lập làng, người dân Nam Định thường có tục xây ngôi đền (đình, miếu, chùa) thờ cúng thần linh, vị thần được chọn thờ gọi là Thành hoàng làng. Theo quan niệm của người dân, Thành hoàng làng luôn chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu hiền lành, giáng họa trừng phạt những kẻ vô luân độc ác... Vì vậy mỗi khi công to việc lớn, người dân đến cửa đền lễ bái cầu xin thần che chở. Có việc oan ức, người dân đến cửa đền thề thốt xin thần chứng giám.

Minh họa Trần Văn Thăng

Theo Địa chí Nam Định, trên địa bàn tỉnh ta có trên 800 điểm thờ Thành hoàng. Nguồn gốc Thành hoàng rất đa dạng, có các vị là thần thiên nhiên linh khí núi sông được nhân hóa ví như mây, mưa, sấm, chớp; những vị thần có “lý lịch” là những yếu tố thiên nhiên như thần cây, thần đá, thần nước, thần núi, thần biển, thần động vật; có các vị thần là các anh hùng lịch sử, những nhà khoa bảng tài danh, những người tiết nghĩa, người có công lập ấp, mở làng, dạy nghề... Tiêu biểu như Đền thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) thờ Rắn hổ mang với thần hiệu: “Đương cảnh Thành hoàng hổ mang Đại vương”; Đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không có công truyền nghề đúc kim loại; Đền Kiên Hành, xã Giao Hải (Giao Thủy) thờ 3 vị thủy tổ Đinh Khắc Chu (Lệnh Chu), Đinh Khắc Thành, Nguyễn Duy Hàm (Hàm Yên) cùng 16 dòng họ có công mở mang ruộng đất, tạo lập xóm làng; Đền thôn Dương A, xã Nam Thắng (Nam Trực) thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là người có trí thông minh, tài giỏi, đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, khi làm quan có nhiều kế sách phò vua, giúp nước, khi mất được Vua Trần cho lập đền thờ tại quê hương và phong là Thượng Đẳng Thần... Để tri ân các vị Thành hoàng, mỗi năm các xóm làng đều tổ chức lễ hội làng, thường là vào các ngày sinh, ngày kỵ hay ngày hiển linh của các Thành hoàng. Ngày nay do đời sống được nâng cao, vào dịp Tết đến, Xuân về, các điểm thờ Thành hoàng làng đều tổ chức tế lễ để người dân địa phương và khách thập phương đến sinh hoạt tín ngưỡng và tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng để thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã lập làng, truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cũng như các hội làng người Việt, lễ hội Thành hoàng làng ở tỉnh ta gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở trong thần điện của đình, đền, miếu, chùa, theo một trật tự gồm: cáo, hiến tế, cầu xin, tạ ơn. Tất cả được thể chế hóa cao, long trọng, nghiêm trang từ nhân sự, trang phục, màu sắc, vật dụng, cỗ thờ, vật hiến tế... đến âm nhạc. Trong một số hương ước cổ của làng xã Nam Định còn đưa vào những điều quy định, những thể chế hóa phần lễ của lễ hội làng. Chẳng hạn như ở lễ hội Đình Cả (thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc) thờ Dũng Dược Đại Vương, vị tướng thời Vua Hùng và phu nhân là Công chúa Quang Mỹ được tổ chức hàng năm vào cuối mùa Xuân, quy định có lễ rước lúa, rước “ông Bồ”. Trong đó ghi rõ: Cánh ruộng Quan ở phía đông đình làng tương truyền xưa kia là lộc điền của Vua Trần ban. Người trồng cấy cánh ruộng ấy phải chăm sóc cẩn thận. Trước khi vào lễ hội, chức sắc địa phương phải thân đến gặt lúa ở ruộng, lượm thành bó cho gọn ghẽ, đẹp mắt đưa lên kiệu rước về đình để tế thần... Mỗi giáp trong làng đều phải nuôi một con lợn để chuẩn bị cho lễ hội. Lợn khi mua về được gọi là "ông Bồ". Sáng ngày chính lễ, lợn được tắm rửa, đưa lên cũi có trang trí những dải lụa đỏ, theo đám rước kiệu của các giáp về đình, xếp theo hàng để chấm hơn thua, sau đó làm thịt để cúng thánh. Hay phần lễ ở Đình làng La Xuyên thờ Thành hoàng làng là ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng diễn ra đúng vào thời khắc giao thừa bước sang năm mới. Để chuẩn bị cho phần lễ, ngay từ tháng 11 âm lịch, người dân thôn La Xuyên cùng với Ban quản lý di tích Đình La Xuyên đã họp bàn chọn chủ Tế. Người được dân làng chọn làm Tế chủ và dâng nhang tại đình trong 3 ngày Tết phải là người đứng trong hàng lão, tâm tính khoan hòa, gia đình trong năm làm ăn thịnh đạt, không vướng việc tang chế và đặc biệt là phải giỏi nghề chạm khắc gỗ. Đến sau Tết ông Táo (23 tháng Chạp), Tế chủ phải có mặt tại đình để học các nghi lễ từ các bô lão trong làng. Chiều ba mươi Tết, Tế chủ cùng các đội tế nam quan, tế nữ quan và dân làng có mặt tại đình làm lễ tế, kính cáo với Thành hoàng làng để xin lửa thánh cầu may vào thời khắc Giao thừa. Sau lễ Tất niên, tại nhà Tế chủ đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, bày biện chu đáo, kiểu cách trên cỗ kiệu bát cống. Các đội trống cà rùng, đội bát âm, đội tế nam quan, nữ quan và dân làng cờ giong, trống mở tiến hành rước lễ vật ra đình tế lễ. Đúng thời khắc Giao thừa, Tế chủ mở cửa hậu cung làm lễ tâu với Thành hoàng làng xin phép cho dân làng được lấy lửa đón chào năm mới...

Hội làng xã Hải Anh (Hải Hậu). Ảnh: Đinh Cường Quang

Cùng với phần lễ, phần hội cũng mang nhiều nét văn hóa đặc sắc với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy, bơi chải, vật dân tộc, múa rồng, chọi gà, thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co, chơi cờ người, cờ đèn dưới nước, hát chầu văn, múa gậy, kéo chữ (Hoa trượng hội)... Đặc biệt, lễ hội làng Gạo (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước... Hay lễ hội Đình Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực) thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công diễn ra với phần hội độc đáo như rước kiệu, tế lễ, các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải, biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại Đình Xám còn diễn ra các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù… ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Hiện nay tại Đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) chú thích.

Cùng với phát huy các giá trị tốt đẹp từ các lễ hội, các di tích thờ Thành hoàng làng trên địa bàn tỉnh còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể bao gồm: kiến trúc nghệ thuật, cổ vật và các nghi thức tế thần. Điển hình như công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); tấm bia đá ở Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có niên đại 127 năm, lưu giữ nhiều tư liệu về tôn thất nhà Trần và kế sách đánh giặc ngoại xâm của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285); bộ đồ thờ tự gồm: sập thờ, kiệu long đình, bát cống ở Đền Đá thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực); bức chân dung vẽ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản); các nghi thức tế thần ở Đình làng Tân Cốc, xã Tân Thành (Vụ Bản)…

Lễ hội Thành hoàng làng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự; qua đó đã phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hiến, văn hóa lâu đời của quê hương Nam Định.

Trần Văn Trọng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuc-tho-thanh-hoang-lang-o-nam-dinh-74129