Tục trần nào ai tan hết niềm say

Phố Cửa Nam (Hoàn Kiếm - Hà Nội) là con đường khấp khểnh nhất Hà thành. Bên dãy nhà số lẻ kéo dài hết con phố chừng 250 mét. Nhưng bên số nhà chẵn lại cụt lủn độ mười lăm nhà (từ số 2 đến 30). Một nửa dẫy nhà còn lại thuộc phố Hàng Bông. Phố Cửa Nam rộng nhưng không cân đối, có đoạn phình rộng như quảng trường. Đầu phố là ngã sáu có vườn hoa. Phía cuối là chợ Cửa Nam nằm ngay ngã năm cắt ngang đường Lê Duẩn.

Phố chợ lắm chuyện

Xưa những chuyến tàu điện từ dưới nhà thương Bạch Mai lên phố đều phải qua chợ Cửa Nam rồi mới lên Bờ Hồ. Ngày ấy phố sầm uất và còn lắm thầy bói dạo quanh chợ. Cái đận năm 1908 xảy ra vụ Hà thành đầu độc giặc Pháp bắt nguồn từ quán cơm số nhà 20 Cửa Nam. Ông chủ quán nước chè chén bên cạnh Bưu điện kể rằng các thầy bói dạo đều là nghĩa quân đóng giả để tuyên truyền và nắm tình hình giặc Pháp trong thành Hà Nội.

Quán cơm nhà ông Sáu Tĩnh là nơi hội tụ bí mật của thầy tướng số Nguyễn Văn Phúc với các chiến sĩ do thám. Họ chuẩn bị kế hoạch đầu độc giặc Pháp cùng với những lính điệp viên nằm vùng trong thành. Khi ấy các dũng sĩ của Hoàng Hoa Thám đổ về hỗ trợ cùng với nhiều cánh quân từ các cửa ô khác sẵn sàng tấn công chiếm Thành. Các chiến sĩ bí mật chuẩn bị phương án hàng tháng trời nhưng sự phối hợp không ăn khớp từ bốn cửa thành.

Chuyện đã bị lộ khi bữa ăn tối hơi sớm làm 200 tên giặc đã bị đầu độc (20 giờ ngày 27/6/1908). Giặc đã bắt 13 lính và bồi bếp người Việt cùng vũ khí. Họ chưa kịp bắn pháo hiệu tấn công cho đồng đội phía ngoài. Hàng trăm nghĩa sĩ Hoàng Hoa Thám từ phố Cửa Nam vội tỏa đi bốn phía về lại Yên Thế. Cuối cùng 13 chiến sĩ cảm tử bị chết chém. Vụ án này gây chấn động toàn cõi Đông Dương thời đó.

Ngã năm Cửa Nam.

Nhiều người lớn tuổi còn nhớ đầu phố Cửa Nam xưa còn có nhà kèn ở vườn hoa. Cứ tối đến người kẻ chợ xúm đông xúm đỏ nghe hát xẩm và nghệ sĩ chơi ghi ta. Tầu điện leng keng chạy qua cùng tiếng còi ô tô inh ỏi từ Nguyễn Thái Học đổ về. Giọng hát ca sĩ vẫn cứ lả lướt theo điệu nhạc. Ai cũng nhớ câu hát của nhạc sĩ Thẩm Oánh luôn bay lên từ nhà kèn, rằng: “Tôi bán đường tơ/ Ca ca, hát hát, điên điên, rồ rồ/ Quên quên, nhớ nhớ, mơ mơ, hồ hồ… Tục trần nào ai tan hết niềm say/ Nhớ tiếc mơ màng luyến ái vô cùng” (Tôi bán đường tơ).

Ngôi nhà số 5 và 7 Cửa Nam đối diện với nhà kèn hồi đó là cửa hàng thuốc Thẩm Hoàng Tín được mở từ năm 1937. Nhạc sĩ Thẩm Oánh (Thẩm Ngọc Oánh) là em họ của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1991). Ngày ấy ông Tín nổi tiếng ở phố Cửa Nam vì đã từng được cử làm thị trưởng Hà Nội (từ 2/1950 đến 8/1952). Gia đình ông ở kế bên hiệu thuốc tại số nhà 11 và 13. Cách đó dăm nhà là gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị (29 Cửa Nam).

Tuy chỉ là Thị trưởng Hà Nội có hai năm nhưng ông Thẩm Hoàng Tín làm được nhiều việc còn lưu lại đến nay. Đầu tiên phải nói đến tên đường phố cổ (trước 1954) ở Thủ đô được ông định danh về cơ bản không thay đổi gì. Đặc biệt cầu Thê Húc hiện nay vẫn giữ nguyên trạng từ thuở Tết 1952 do ông duyệt thiết kế xây lại sau khi cầu bị sập đổ. Cửa hàng bán thuốc Thẩm Hoàng Tín còn được ghi nhận là địa chỉ thường cấp thuốc gửi ra kháng chiến.

Sau hòa bình lập lại ông Thẩm Hoàng Tín đã hiến hiệu thuốc cho nhà nước và sinh sống tại nhà cũ nhìn sang vườn hoa Cửa Nam. Ông trở lại làm việc như một dược sĩ thuần túy ở bệnh viện Cu Ba và Việt Đức cho đến khi bị đau tim phải đi Pháp chữa bệnh (1979). Ngôi nhà số 11 và 13 vẫn còn lưu giữ hoa văn cửa sổ với hai chữ T (viết tắt tên Tín và Thành vợ ông) kết thành hình trái tim. Biểu tượng hạnh phúc do họa sĩ Lương Xuân Nhị thiết kế và vẽ tặng gia đình ông. Hình ảnh này đánh dấu một thời hòa bình và hạnh phúc trước vườn hoa Cửa Nam nơi hội tụ bốn phương đổ về.

Những giai nhân Cửa Nam

Cửa Nam có vị trí đặc biệt khi ngã năm có ngôi chợ nằm ngay trên trục đường quốc lộ số 1 đi về phương Nam. Con phố điển hình cho một đô thị thu nhỏ và nó cũng là đầu mối cho mọi tuyến tầu hỏa xuất phát từ ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Xưa từ thời nhà Lê, cổng phía Đông Nam là nơi duy nhất mọi người đi vào thành. Vườn hoa Cửa Nam hồi đó còn dựng ngôi đình để cho dân chúng tới đánh trống kêu oan và đòi quan lại xét xử. Dân bám dọc đường số một (từ cửa ô Đồng Lầm lên tới ngã năm Hai Bà Trưng) lập kế mưu sinh. Tầng lớp kẻ chợ tá túc quanh vùng tạo nên một quần cư ven thành cổ.

Ngõ Hàng Thịt đối diện chợ Cửa Nam thường ồn ã về đêm do cánh tẩm quất mù tụ về bấm huyệt cho khách hàng. Cửa Nam cùng các phố chung quanh như Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Đình Ngang, Hàng Bông, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu… tạo nên vùng sóng thương mại chật chội, đông vui. Chính vì thế hình ảnh các cô gái cùng phụ nữ quanh phố chợ tạo nên ấn tượng và cảm xúc trong tâm hồn chàng họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006) ở phố Cửa Nam. Đó là hình ảnh chợ quê cùng các cô gái làm thuê gánh mướn. Hoặc chân dung những thiếu nữ áo dài thấp thoáng dưới nắng sớm thu sang. Họ đã nhập vào tranh họa sĩ với sự chia sẻ thân thương.

Dấu tích cửa hàng thuốc Thẩm Hoàng Tín xưa.

Đúng năm dược sĩ Thẩm Hoàng Tín mở cửa hàng thuốc ở phố cũng là lúc họa sĩ Lương Xuân Nhị tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương (1937). Ngày đó họa sĩ nổi tiếng với bức “Làng An Nam” được một nhà sưu tầm người Mỹ tìm mọi cách mua về (1939). Sống ở 29 Cửa Nam họa sĩ luôn gặp gỡ những người lao động quê mùa và kẻ chợ bươn chải tụ về. Họa sĩ đã vẽ những cô gái Hà Nội bắt đầu như thế. Đề tài tập trung của Lương Xuân Nhị chính là chợ và thiếu nữ. Họ chính là người mẫu mà họa sĩ thuê hoặc hay bạn bè nhờ vẽ. Có cô gái đi chợ với gương mặt trái xoan đã được ông thuê vẽ hàng tháng trời tại nhà.

Tiếng tăm đồn thổi về tranh vẽ những người con gái đẹp với sắc hương chân quê làm nhiều người tìm tới ngắm nhìn. Đó còn là chân dung phụ nữ đằm thắm trong tà áo tứ thân mang âm hưởng kinh kỳ ngàn năm. Nhiều khách hàng tìm tới mua ngay từ khi họa sĩ mới phác thảo hình tượng. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như: “Thiếu nữ áo lam”, “Mùa thu”. “Mùa hạ”, “Mùa đông”. Hay còn đó sự vang vọng của “Thiếu nữ Thăng Long”, “Thiếu nữ áo dài xanh”, “Người đan len”…

Hình tượng người đẹp Thăng Long đi vào tranh Lương Xuân Nhị tạo dấu ấn nhuần nhị thân thương. Mỗi tác phẩm của ông đều thể hiện như một bài thơ với cảm xúc dịu dàng. Người yêu tranh vẫn nhớ mãi bức “Mùa Hạ” với hình ảnh cô gái mặc áo trắng của ông. Chi tiết cô gái cầm quạt nổi bật từ nền phía sau là những bông hoa kèn tạo nên cảm xúc xao xuyến như một áng thi cảm thanh tao. Rồi sau đó là hàng loạt tranh thiếu nữ khác ra đời trong những năm tháng sau này: “Thiếu nữ chơi xuân”, “Thiếu nữ đi kháng chiến”, “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Gia đình thuyền chài”… Dường như chân dung thiếu nữ Thủ đô đã ngự trị trong những phiên chợ Cửa Nam từ thuở ấu thơ. Ông vẽ nhiều thiếu nữ đến nỗi mọi người đã có câu ngạn ngữ “Phố Phái-Gái Nhị” vì lẽ đó.

Nỗi nhớ xẩm chợ

Nay chợ Cửa Nam đã trở thành trung tâm thương mại lớn. Ngã năm Cửa Nam-Lê Duẩn vẫn sầm sập xe cộ ngày đêm. Rạp chiếu bóng Kinh Đô (57 Cửa Nam) một thuở giờ không còn nữa nhưng giai điệu âm nhạc luôn vang vọng đâu đây. Nó vẳng lên từ nhà kèn năm xưa hay từ những chuyến tàu điện leng keng rộn rã. Đó còn là tiếng hát xẩm nỉ non từ phố Đình Ngang giải sầu cho dân kẻ chợ. Đầu phố vẫn còn đó người vá xe đạp dưới bóng những Ma nơ canh đờ đẫn.

Lời ca “Tôi bán đường tơ” e ấp thuở nào vọng lại như hồn phố lắng đọng bên những chiếc lá bàng rụng vàng bên gốc rêu. Còi tàu hỏa rúc lên từ phía chợ. Lại một chuyến tàu đi lên phương Bắc rời ga. Giọng người hát xẩm mù mê mải với tiếng nhị buồn tê tái. Tiếng đồng xu ngày ấy rơi tõm trong chiếc chậu đồng làm nhói lên những ký ức thấp thỏm trong tâm hồn tôi.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tuc-tran-nao-ai-tan-het-niem-say-i670823/