Túi tiền ngành tài chính ASEAN dễ bị 'tổn thương' bởi rủi ro về môi trường

Ngân hàng ASEAN cần tăng cường vai trò thúc đẩy xây dựng nền kinh tế bền vững và có khả năng hồi phục cao...

Đây là một trong các kết luận của Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính năm 2019 (*) do WWF thực hiện, được công bố mới đây.

Theo báo cáo này, việc các ngân hàng khối ASEAN thiếu đồng bộ và kịp thời tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững của toàn khu vực.

Dễ bị tác động bởi rủi ro môi trường

Báo cáo cho thấy, các nền kinh tế của ASEAN phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch – nguồn nguyên liệu góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Khoảng 91% ngân hàng ASEAN tiếp tục cho vay các nhà máy điện than, do vậy các ngân hàng này ngày càng chịu nhiều rủi ro chuyển đổi liên quan tới khí hậu như thuế carbon và những cải thiện đáng kể về công nghệ năng lượng tái tạo.

Mất rừng trên diện rộng khiến biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học thêm trầm trọng. Hiện nay, Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính của WWF cho thấy: chỉ khoảng 9% ngân hàng các nước ASEAN có chính sách không phá rừng. Trong ảnh: Vụ cháy rừng trên diện rộng tại Hà Tĩnh cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Báo Thanh Niên

Tuy nhiên than lại không phải là vấn đề duy nhất. Mất rừng trên diện rộng khiến biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học thêm trầm trọng.

Đa dạng sinh học với đất, sông ngòi, rừng và đại dương là những nguồn vốn tự nhiên cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái để duy trì sự sống, điều tiết khí hậu và không khí, cũng như lương thực, các nguyên liệu thô và nguồn nước ngọt.

Báo cáo đặc biệt gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) về sử dụng đất và khí hậu đã nhấn mạnh: quản lý đất bền vững cùng với việc giảm khí phát thải carbon của ngành năng lượng sẽ là những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính của WWF cho thấy: chỉ khoảng 9% các ngân hàng có chính sách không phá rừng. Mặc dù ASEAN là ngôi nhà của những điểm nóng phá rừng lớn nhất thế giới như Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, Sumatra và Borneo.

Bất chấp biến đổi khí hậu khiến khu vực Đông Nam Á hứng chịu liên tiếp các thảm họa liên quan đến nước, các ngân hàng ASEAN chưa quản lý đầy đủ các rủi ro liên quan đến tài nguyên này.

Chỉ 17% ngân hàng nhìn nhận rủi ro liên quan đến nước nhưng không ngân hàng nào yêu cầu khách hàng đánh giá rủi ro liên quan đến nước.

Ví dụ, Thái Lan phải đối mặt với thiệt hại kinh tế 42 tỷ USD từ trận lụt năm 2011, và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn với 40% diện tích của Bangkok có nguy cơ bị ngập lụt vào năm 2030. Còn tài nguyên nước Malaysia dự kiến sẽ cạn kiệt tới 25% vào năm 2030.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính, Ngân hàng Việt Nam tiến bộ chưa đủ nhanh so với đa số các ngân hàng trong khối ASEAN.

BIDV là ngân hàng được đánh giá là tiến triển tốt nhất khi đáp ứng được 24% các tiêu chí, trong khi đó các ngân hàng còn lại chỉ đạt được khoảng 11% các tiêu chí.

Chỉ 9% ngân hàng có chiến lược quản lý rủi ro liên quan tới khí hậu

Khu vực ASEAN đang đối mặt với những mối đe dọa sống còn như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Đây là những yếu tố có thể dẫn tới sự bất ổn tài chính và xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo của WWF cho thấy: 35 ngân hàng trong khối ASEAN được đánh giá đã phản ứng không đủ nhanh đối với các mối đe dọa này.

Theo báo cáo, trong số 35 ngân hàng được đánh giá, chỉ có 4 ngân hàng của Singapore và Thái Lan hoàn thành được ít nhất hơn một nửa trong số 70 tiêu chí, và 51% các ngân hàng hoàn thành ít hơn 1/4 tiêu chí.

Theo Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính năm 2019 của WWF, chỉ 9% ngân hàng các nước ASEAN có chiến lược quản lý hoặc đánh giá các rủi ro liên quan tới khí hậu khi cho các nhà đầu tư vay vốn. Trong ảnh: Ghe chạy trên một con sông khô cạn ở Chiang Rai, Thái Lan (ảnh chụp ngày 21.7) - Ảnh: TTO/Bangkok Post

Các ngân hàng ASEAN đang đánh mất nguồn lợi nhuận của mình, khi không tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi khẩn cấp sang một nền kinh tế bền vững và phát thải carbon thấp.

Một nghiên cứu của DBS và UNEPFI ước tính, nhu cầu đối với phát triển xanh là khoảng 3 nghìn tỷ USD từ năm 2016 – 2030, trong các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả, thực phẩm, nông nghiệp và sử dụng đất.

Khoảng 51% ngân hàng có các sản phẩm tài chính xanh, nhưng chỉ chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng bền vững. Điều này đang tạo ra một khoảng trống tài chính lớn trong cách lĩnh vực khác.

Để quản lý hiệu quả các rủi ro về Môi trường, Xã hội và Quản trị, các ngân hàng phải tạo ra những khung chính sách mạnh mẽ với các tiêu chuẩn dựa trên khoa học.

Hiện chỉ có 14% các ngân hàng yêu cầu khách hàng của mình cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững quốc tế trong các chính sách ngành của họ.

Theo Báo cáo Đánh giá sự Bền vững của ngành Tài chính, các cơ quan quản lý ngày càng yêu cầu các ngân hàng đánh giá khả năng phục hồi của các danh mục vay đối với rủi ro khí hậu và công bố kết quả.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 9% các ngân hàng có chiến lược quản lý các rủi ro liên quan tới khí hậu, hoặc thực hiện các đánh giá về rủi ro khí hậu.

“Tài nguyên thiên nhiên là nguồn vốn đảm bảo sự thịnh vượng nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Để đảm bảo sự phát triển của các nền kinh tế ASEAN, chúng ta phải bảo vệ và đầu tư vào các nguồn tài nguyên này.

Sáng kiến Tài chính Bền vững châu Á có thể hỗ trợ các ngân hàng đạt được mục tiêu này thông qua các công cụ dựa trên nền tảng khoa học, các nghiên cứu và các chuẩn mực.”, bà Jeanne Stampe Giám đốc Chương trình Tài chính Bền vững châu Á của WWF nhận định.

Hiện nay các ngân hàng trung ương của Malaysia, Singapore và Thái Lan đã tham gia Mạng lưới Xanh hóa Hệ thống Tài chính. Mạng lưới này khuyến nghị các ngân hàng và giám sát viên nên tích hợp các rủi ro về khí hậu trong chương trình giám sát tài chính bền vững.

Dự kiến đến cuối năm 2019, 7 hiệp hội ngân hàng hoặc các cơ quan quản lý trong khối ASEAN sẽ công bố những hướng dẫn về tài chính bền vững.

Lê Quỳnh

(*) Đây là bản cập nhật của báo cáo “Tài chính Bền vững tại khu vực ASEAN” của WWF công bố cho năm 2018.

Báo cáo đánh giá 35 ngân hàng của khu vực ASEAN tại 6 quốc gia; đánh giá tính hiệu quả của việc tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội & Quản trị trong 6 lĩnh vực hoạt động quan trọng của ngân hàng (gồm: Mục đích, Chính sách, Quy trình, Con người, Sản phẩm, Danh mục Đầu tư).

Báo cáo theo dõi sự tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị trong khu vực từ năm 2017.

Công cụ này được thiết kế để theo dõi mức độ cam kết của các ngân hàng đối với phát triển bền vững thông qua các chính sách cho vay, quy trình giám sát và phê duyệt giao dịch/khách hàng, và quản lý rủi ro về khí hậu và môi trường trên các danh mục cho vay.

Những kết quả đánh giá được công bố trên một diễn đàn tương tác trực tuyến (www.susba.org) trong đó cho phép người sử dụng chọn các ngân hàng để so sánh và chọn các tiêu chí để so sánh tùy theo nhu cầu của người sử dụng.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tui-tien-nganh-tai-chinh-asean-de-bi-ton-thuong-boi-rui-ro-ve-moi-truong-20433.html