'Từng bị can ngăn vì ở lại TQ, giờ tôi trấn an gia đình tại Italy'

Người Italy tháo chạy khỏi Trung Quốc khi dịch bùng phát bỗng rơi vào hoàn cảnh oái ăm. Tại quê nhà họ, các biện pháp thắt chặt tương tự đang được ráo riết tiến hành.

Mới cuối tháng 1, mẹ của Sara Platto vẫn gọi con gái mình là “điên” khi ở lại Vũ Hán (Trung Quốc) vào thời điểm nơi này bị phong tỏa.

Giờ đây, cô lại là người gọi điện về nhà mỗi ngày, an ủi người thân - những người đang ở vùng dịch bên trong Italy - vượt qua nỗi sợ bệnh dịch.

Platto, cùng với người con trai 12 tuổi, đã từ chối 4 lần đề nghị của chính phủ Italy nhằm sơ tán công dân khỏi tâm dịch Hồ Bắc. Lý do đằng sau là cô không nỡ bỏ lại hai chú mèo đang nuôi và vẫn cảm thấy tình hình an toàn, chưa đến mức cần rời khỏi Trung Quốc.

Trong suốt quãng thời gian thành phố áp đặt lệnh cách ly, Platto trải qua 50 ngày ở trong nhà, sử dụng máy tính để tiếp tục công việc giảng dạy online.

Sara Platto quyết định ở lại Vũ Hán, không quay về quê nhà Italy khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc.

Sara Platto quyết định ở lại Vũ Hán, không quay về quê nhà Italy khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc.

Những người Italy ở Trung Quốc đã đối mặt với khủng hoảng y tế và các biện pháp phong tỏa khắt khe khiến họ không thể ra ngoài trong nhiều tuần. Giờ đây, họ chứng kiến cảnh tương tự diễn ra tại quê nhà.

Italy giờ là nơi có số ca nhiễm virus cao thứ hai thế giới với gần 25.000 bệnh nhân và hơn 1.800 ca tử vong. Lệnh phong tỏa toàn quốc được đưa ra, điều chưa có tiền lệ ở Tây Âu.

Tất cả cửa hàng - ngoại trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm - đều đã đóng cửa. Người dân nhận lệnh ở trong nhà, hạn chế ra đường trừ khi đi làm, mua nhu yếu phẩm hay đến các cơ sở y tế.

“Họ đang hoảng loạn, bởi đây là điều chưa ai từng chứng kiến trước đó”, Platto nói về những người dân ở thành phố Brescia, quê nhà cô ở vùng Lombardy. Vùng đất phía bắc quốc gia hình chiếc ủng giờ gắn liền với hai chữ tâm dịch, nơi hầu hết số bệnh nhân mắc bệnh ở Italy đều ở đó.

“Tôi cố gắng trấn tĩnh mọi người đừng hoảng sợ, bởi đó là thứ còn tồi tệ hơn virus”, Platto cho hay.

Những người dân Italy tháo chạy khỏi Trung Quốc, giờ chứng kiến đất nước của mình ở vào tình cảnh hoảng loạn tương tự. Ảnh: Reuters.

Hàng xóm người Trung Quốc của Platto đã cảm động trước quyết định ở lại thành phố của cô.

“Họ mang cho tôi túi mì spaghetti lớn và dòng chữ ghi ‘Sara, hãy mạnh mẽ’ sau khi biết tôi đến từ Italy”, cô kể lại.

Trong khi số ca ở Trung Quốc đã giảm nhiều ở thời điểm hiện tại, bên ngoài đất nước tỷ dân, dịch bệnh đang khiến một loạt các quốc gia lao đao.

Ngày 11/3, chính phủ Trung Quốc ra quy định tất cả khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này phải trải qua 14 ngày cách ly.

Tại một quận trung tâm ở Bắc Kinh, các tình nguyện viên và cảnh sát khu phố liên tục yêu cầu người dân Italy sinh sống ở khu này khai báo thông tin, ngay cả với những người không rời khỏi Trung Quốc gần đây.

Francesco Abbonizio, một huấn luyện viên bóng đá, đã trải qua hai tuần cách ly khi bay về Italy từ Trung Quốc. Giờ đây, anh tiếp tục những ngày tương tự khi từ Italy về lại đất nước tỷ dân.

“Một người họ hàng từ chối gặp mặt vì lo sợ tôi mang theo virus. Giờ đây, tất cả họ đều đang chôn chân trong nhà”, Abbonizio nói.

Du khách đến từ Italy tiến hành kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: AP.

Marco, một người Italy sống ở Bắc Kinh, cũng chọn ở lại Trung Quốc khi dịch bùng phát. Lần đầu tiên sau hơn hai năm xa nhà, anh hủy kế hoạch trở về Italy thăm gia đình.

Tại quê nhà Tuscan của Marco, chỉ có hơn 16.000 người dân sinh sống. Việc anh từ vùng khởi phát dịch về, cùng với người vợ Trung Quốc, có thể tạo ra sự hoảng loạn không nhỏ với cư dân.

“Mọi người không phải lúc nào cũng hiểu rõ ngọn ngành tình hình. Tôi không muốn gia đình chịu bất kỳ thái độ tiêu cực nào từ những người ở quê nhà”, anh giải thích.

Trước khi Italy xác nhận các trường hợp nhiễm virus đầu tiên, cộng đồng người Trung Quốc tại nước này đối mặt với không ít hành vi phân biệt chủng tộc.

Khách du lịch Trung Quốc bị nhổ nước bọt vào người ở Venice. Một gia đình ở Turin bị buộc tội mang theo mầm bệnh. Các bà mẹ ở Milan kêu gọi trên mạng xã hội rằng những đứa trẻ cần tách riêng, tránh xa khỏi bạn học người Trung Quốc.

“Tôi lo lắng cho gia đình mình hơn và cả về ý thức cộng đồng yếu kém tại quê nhà thời gian này”, Marco cho biết.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tung-bi-goi-la-dien-vi-o-lai-tq-gio-toi-tran-an-gia-dinh-tai-italy-post1060195.html