Tưng bừng hội rước pháo Đồng Kỵ

Sau hai năm không tổ chức, hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2023 với bầu không khí lễ hội rộn ràng, tưng bừng.

Hội rước pháo Đồng Kỵ là một trong nhiều lễ hội đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ mỗi dịp Tết đến, xuân về và bởi sự độc đáo của lễ hội mà rước pháo Đồng Kỵ đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.

Cách đây 2 năm hội rước pháo Đồng Kỵ được tổ chức nhưng với quy mô hạn chế hơn về lễ và hội bởi đại dịch COVID-19. Đến năm nay, lễ hội được tổ chức hoành tráng hơn, đầy đủ hơn về cả phần lễ và hội. Hội rước pháo Đồng Kỵ gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ, lễ hội diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 4 đến hết mùng 7).

Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng.

Để nhớ ơn Thiên Cương, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cương làm thần hoàng làng tại đình và hằng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc.

Mỗi năm, làng sẽ chọn 4 người đến tuổi 50 ở mỗi giáp làm 4 vị tướng xuất quân đánh giặc (quan đám đỏ). Mỗi vị tướng sẽ có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra một quả pháo từ nhỏ đến to, quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5m, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể đến 15m, hình quả pháo là hình trụ tròn, đường kính có thể lên tới hơn 1m.

Ngày mùng 3 là lễ rước vua về làng. 20h đêm Giao thừa là lễ chạy quan đám, dựa theo cuộc tổng động viên quân lính đánh giặc xưa kia.

Theo quyết định của chính phủ về cấm đốt pháo năm 1994, các hình thức của lễ hội đã thay đổi ít nhiều, không còn hội đốt pháo nữa, pháo hiện tại cũng chỉ là pháo giả dùng cho lễ hội.

Theo quyết định của chính phủ về cấm đốt pháo năm 1994, các hình thức của lễ hội đã thay đổi ít nhiều, không còn hội đốt pháo nữa, pháo hiện tại cũng chỉ là pháo giả dùng cho lễ hội.

Sau hội đốt pháo sẽ là lễ xuất quân. Các ông đám sẽ được công trên vai bởi những chàng trai đang độ sung sức làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và như chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc. Đây là một phong tục vẫn đang được duy trì và phát huy.

Trước kia, khi mở hội, các gia đình trong làng thi nhau làm pháo. Pháo để thờ thần và thi đốt trong ngày hội nên được làm rất cẩn thận. Nguyên liệu làm pháo là tre, nứa, rơm, cót, giấy. Trước khi làm nguyên liệu và nơi làm pháo đều được tẩy uế bằng nước gừng. Người làm pháo phải là trai tinh (trai tân). Gia đình nào cũng muốn pháo của mình được giải để làng chọn rước và đốt nên trong qua trình làm pháo được mọi người giữ kín.

Các trưởng lão trong làng làm lễ báo cáo với tổ tiên, xin phép được rước pháo.

Rất đông người dân Bắc Ninh và các tỉnh lân cận đã tới xem lễ hội.

Toàn cảnh lễ chạy quan đám tại sân đình làng Đồng Kỵ.

Quan đám được kênh trên tay các thanh niên trai tráng trong làng, vừa đi diễu họ vừa hò reo tạo nên bầu không khí náo nhiệt, tái hiện lại cảnh xuất quân khi xưa.

P.Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/tung-bung-hoi-ruoc-phao-dong-ky-i681699/