Tưng bừng Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc'

Đã thành thông lệ, mỗi độ Tết đến, Xuân về, hàng trăm người có uy tín trong cộng đồng đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước, lại hội tụ về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) để chung vui Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc', diễn ra từ ngày 12 đến 18-2-2016. Tết Bính Thân này, niềm vui ấy trong lòng đồng bào các dân tộc càng được nhân lên gấp bội, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, chúc Tết và tham dự Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng).

Sau nghi lễ Lồng Tồng, gia đình người Tày bắt đầu xuống đồng đi cày và đi bên cạnh người cha bao giờ cũng có cô con gái nhỏ, người được xem sẽ mang lại một vụ mùa bội thu cho gia đình. Ảnh: Hoa Hạ

Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm nay có khoảng 100 người của 9 dân tộc tham gia gồm: Dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); dân tộc Tày (tỉnh Thái Nguyên); dân tộc Giáy (tỉnh Hà Giang); 14 người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) dân tộc Chăm (Ninh Thuận), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), Khơ Me (Sóc Trăng), Giẻ Triêng (Kon Tum), Ê Đê (Đắk Lắk), Hoa (TP Hồ Chí Minh), Mường (Hòa Bình).

Về ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bà con các dân tộc đã mang đến ngày hội nhiều nội dung phong phú như: Chương trình bài ca mừng Đảng, mừng Xuân; Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng), Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giáy (Lễ hội múa trống), Lễ hội cầu an của dân tộc Thái… cùng hoạt động múa xòe, cồng chiêng, nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, giao lưu dân ca, dân vũ... như lời cầu chúc về một năm mới tốt lành, cây cối đâm chồi, nảy lộc, mùa màng tốt tươi, cuộc sống tươi đẹp sẽ đến với cộng đồng các dân tộc anh em, bạn bè và đất nước.

Có mặt từ ngày đầu diễn ra Lễ hội, ông Sử Văn Ngọc, nghệ nhân dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ niềm vui khi được về tham dự ngày hội. Ông bảo: Nhìn thấy ngôi nhà Chăm của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông vui lắm, vì đây chính là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm. Do vậy, khi trở về, ông sẽ đem những điều mắt thấy, tai nghe ở đây kể cho bà con để mọi người cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo gìn giữ văn hóa dân tộc mình.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hải, dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên về Thủ đô tham gia Lễ hội truyền thống, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến động viên đã bày tỏ niềm vui phấn khởi không thể diễn tả thành lời. Kết thúc phần lễ, tất cả các vật phẩm được bà con trong làng đem ra chia hết để mọi người có mặt cùng thụ lộc với mong muốn năm mới tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của người Tày trong bản làng của bà Hải nói chung và bà con các dân tộc anh em được ấm no, đầy đủ.

Để chung vui với bà con các dân tộc tại ngôi nhà chung này, ngày 18-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các kiều bào ở nước ngoài đại diện cho 14 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước đón Tết cổ truyền Bính Thân 2016, trong đó có cả học sinh nước bạn Lào và Cam-pu-chia đang học tập tại Việt Nam, đến thăm và chúc Tết đại diện các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trong không khí nồng ấm, chan hòa tình cảm của các dân tộc đại điện cho 54 dân tộc anh em đến từ các vùng miền của Tổ quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch báo cáo về công tác tổ chức, nội dung, chương trình hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thời gian qua, với lượng khách đổ về Làng đạt khoảng 250.000 lượt.

Đại diện cho bà con dân tộc, ông Sử Văn Ngọc, nghệ nhân dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận; ông A Bê, nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng đến từ Kon Tum; ông Lừ Văn Sủ, dân tộc Giáy đến từ tỉnh Hà Giang... đã bày tỏ tình cảm, tâm huyết và niềm tự hào khi được đem bản sắc văn hóa của dân tộc mình về Thủ đô Hà Nội, giao lưu với các dân tộc anh em và được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Bày tỏ nỗi niềm trăn trở của mình trước sự mai một bản sắc văn hóa của người Giáy ở Mèo Vạc, Hà Giang, ông Lừ Văn Sủ mong muốn Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như Nhà văn hóa thôn Nà Chào để các nghệ nhân hoạt động theo đúng phong tục tập quán của mình. Còn ông Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, lại mong muốn dân tộc mình trở thành một dân tộc độc lập trong danh sách 54 dân tộc Việt Nam chứ không nằm trong nhóm dân tộc Tà Ôi...

Thay mặt cho cộng đồng các dân tộc anh em, các nghệ nhân, người có uy tín cũng đã gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, địa phương lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất và hứa dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng, chung tay cùng Đảng, Nhà nước xây dựng đất nước ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Trò chuyện với bà con các dân tộc, Chủ tịch Trương Tấn Sang chúc mừng thành công của lễ hội và bày tỏ vui mừng khi được gặp, nghe bà con trò chuyện, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình về việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Chủ tịch nước mong muốn người dân trên khắp mọi miền biên cương Tổ quốc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch khẳng định: Chúng ta đón Tết Bính Thân trong niềm vui Đại hội Đảng XII đã thành công tốt đẹp với niềm tin đất nước ta ngày càng đổi mới mạnh mẽ, hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững hơn. Trong hàng nghìn năm lịch sử, 54 dân tộc anh em đã đồng cam cộng khổ, đoàn kết, gắn bó keo sơn đưa dân tộc ta vượt qua mọi thác ghềnh, thử thách, hun đúc nên khí phách, tinh thần Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để đất nước ta đổi mới mạnh mẽ, hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững.

Chủ tịch nước cũng đề cao tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động của các dân tộc anh em từ miền núi cao đến đồng bằng, từ biên cương đến hải đảo; đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam dù thuộc dân tộc nào đều nỗ lực phấn đấu hết sức mình, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh và giữ vững non sông gấm vóc Việt Nam, xứng đáng với công lao của các thế hệ cha ông và làm tròn trách nhiệm với các thế hệ con cháu mai sau.

Chủ tịch nước cho rằng, Đại hội XII của Đảng đã đề ra đường lối đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp phát triển của đất nước ta.

Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" đã khép lại trong lời ca, tiếng hát rộn ràng, tiếng cười trong trẻo của các chàng trai, cô gái vui hội ném còn tại Lễ hội Lồng Tồng ở làng dân tộc Tày, với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khiến nhiều người vẫn còn tiếc nuối. Những cái bắt tay thật chặt của dân tộc Giẻ Triêng với người dân tộc Giáy, cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân của người Tà Ôi với người Tày... tại ngày hội, đã thể hiện sự gắn kết, góp phần quan trọng tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tung-bung-ngay-hoi-sac-xuan-tren-moi-mien-to-quoc/