Từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tỉnh Bắc Ninh định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), coi đây là ngành chủ lực để phát triển công nghiệp tại địa phương. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành CNHT Bắc Ninh được hình thành và phát triển từ năm 2008, khi các dự án của Tập đoàn Samsung đầu tư trên địa bàn đi vào hoạt động. Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, cùng với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Bắc Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Nokia, Foxconn, PepsiCo… Nhờ đó, ngành CNHT Bắc Ninh ngày càng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh tạo việc làm cho 80.000 lao động

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có trên 400 doanh nghiệp (DN) CNHT. Trong đó có gần 300 DN FDI với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD. Đặc biệt, sau thời gian tập trung phát triển CNHT, đến nay Bắc Ninh đã hình thành ba ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm: Công nghiệp điện tử - tin học; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống. Hiện giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của 3 ngành này chiếm trên 96% giá trị SXCN của toàn tỉnh. Trong đó, ngành điện tử, tin học chiếm 85,73%; công nghiệp cơ khí, chế tạo chiếm 4,52%; công nghiệp chế biến nông-lâm sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 5,90 %.

Tuy nhiên, những kết quả ngành CNHT Bắc Ninh đạt được chủ yếu do khối FDI thực hiện; khối DN trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, năng lực đầu tư còn nhiều hạn chế... Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chủ trương, chính sách về hỗ trợ phát triển CNHT nói chung và hỗ trợ các DN trong nước phát triển CNHT nói riêng còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT. Trong đó, tỉnh đã thành lập 2 cụm CNHT gồm: Cụm công nghiệp Tân Chi 2 (huyện Tiên Du) và Cụm công nghiệp Cách Bi (huyện Quế Võ), với tổng diện tích khoảng 122 ha, có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển CNHT.

Tỉnh đã ban hành "Quy chế quản lý kinh phí và phát triển CNHT và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh", đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia vào lĩnh vực CNHT. Đồng thời, tỉnh định hướng thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển CNHT làm đầu mối tổ chức, kết nối, thực hiện các hoạt động phát triển CNHT của địa phương…

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay ngành công nghiệp tại địa phương không chỉ tập trung bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống mà còn mở rộng nhiều sản phẩm mới. Đáng chú ý là ngành điện - điện tử, nhờ thu hút được những tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư như: Samsung, Canon, Sumitomo, Foxconn… đã làm thay đổi và tạo đột phá ngành công nghiệp địa phương. Năm 2019, giá trị SXCN của tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng, duy trì vững chắc vị trí đứng đầu cả nước.

Thời gian tới, để tiếp tục tạo sức bật phát triển công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh sẽ có thêm những chính sách khuyến khích các DN, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Đặc biệt, ưu tiên các ngành CNHT có tính tiên phong thuộc các lĩnh vực: Điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa.

Các DN CNHT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động trong và ngoài tỉnh, trong đó khối DN FDI thu hút trên 70.000 lao động.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tung-buoc-tham-gia-chuo-i-gia-tri-toan-cau-139121.html