Từng có nhà báo Hàn Mạc Tử

Với bút danh Hàn Mặc Tử, Phong Trần, Lệ Thanh... gần một thế kỷ trước, nhà thơ tài hoa bạc mệnh này (tên thật là Nguyễn Trọng Trí) từng lăn xả với nghề báo.

Những định kiến như thoát ly hiện thực, đắm chìm trong thế giới điên cuồng chợt không còn đúng nữa. Hãy thử đọc một đoạn Hàn Mạc Tử viết về các chính trị gia lúc bấy giờ trong bài viết "Quan nghị... gật" trích trong cuốn "Thơ văn Hàn Mạc Tử - sưu tầm và khảo cứu" (DTBooks và NXB Văn học, 2018) của tác giả Trần Quang Chu: "Ai đã hân hạnh được hầu chuyện với ngài, mà không tấm tắc nức nở. Ấy chả phải nức nở... khóc quan nghị vì quan nghị đã dám hy sinh một phần gia tài để làm việc cho dân, cho nước. Trái lại, người ta nức nở khen ngài, vì ngài là một nhân vật phi thường, có một cái công nghiệp và một sự nghiệp vĩ đại nhứt trần ai" (trang 629).

Bìa cuốn sách “Thơ văn Hàn Mạc Tử - sưu tầm và khảo cứu”

Bìa cuốn sách “Thơ văn Hàn Mạc Tử - sưu tầm và khảo cứu”

Một giọng văn trào phúng mà nếu ai quen với thơ Hàn Mạc Tử chắc có phần lạ lẫm và ngạc nhiên, vì chàng thanh niên quằn quại trong cơn đau ốm triền miên ấy lại vẫn giữ cho mình tinh thần hài hước, đả kích trực diện vào cái thói hợm hĩnh của bọn quan lại đương thời trong buổi nước Việt Nam vẫn trong cảnh nửa phong kiến nửa thực dân. Đoản thiên vui này được đăng trên tập san "Nắng Xuân": "Sách chơi xuân năm Đinh Sửu - 1937". Dưới bài này, nhà thơ ký bút hiệu Trật Sên - ý chỉ cái oái oăm của chiếc xe đạp trật sên, không chạy được nữa. Sự "trật sên" đưa Hàn Mạc Tử không phải là từ địa hạt của thơ bước vào địa hạt của báo chí, mà là "trật sên" từ trữ tình, siêu thực sang hiện thực trào phúng. Có phải vì thế mà trên "Sài Gòn" số tháng 10-1935, với bút danh Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử đã có bài phỏng vấn nhà văn trào phúng có tiếng thời bấy giờ: Nguyễn Công Hoan?

Sự nghiệp báo chí của Hàn Mạc Tử tuy ngắn ngủi nhưng đủ để cho thấy những mối quan tâm của ông lúc sinh thời với tư cách nhà báo. Trong các bài báo của mình, ông cũng vận dụng sở trường, thể hiện kiến văn rộng như bài "Những câu hát phong tình của nước cổ Ai Cập" hay "Thử ngó qua nước Ái Nhĩ Lan: Một nhà thi hào được phần thưởng Nobel 1924"... Văn phong báo chí của Hàn Mạc Tử gãy gọn, trực diện, lại có những từ rất đắt, mang sắc thái nghĩa cao, tạo cho mỗi bài báo, tuy dung lượng không nhiều nhưng hàm lượng thông tin rộng.

Ta có thể thấy Hàn không bị lóa mắt bởi ánh hào quang phương Tây, bị xâm chiếm bởi tư tưởng "dĩ Âu vi trung" mà hướng đến những vùng văn học ngoại vi, như trong bài "Văn chương nước Á" viết về nền văn học Ethiopia nằm ở phía Đông châu Phi.

Mảng văn học lúc nào cũng là ưu tiên của Hàn Mạc Tử khi làm báo. Có thể thấy điều này ở các bài "Chết vì một cuốn sách" nói lên cái khí tiết của người cầm bút hay bài "Thi nhân Nhật Bản với phong trào Âu hóa" (1936). Bài viết ra đời vào thời điểm phong trào Thơ Mới đang ở chỗ cực thịnh với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi đầy hứa hẹn. Nhìn về phía Nhật Bản, nơi cuộc cách mạng thơ ca đã diễn ra trước đó, hé mở cho chúng ta phần nào về quan điểm thơ ca của Hàn. Ông đi xa hơn trong bài viết "Nghệ thuật là gì?", trình bày những quan điểm của ông về văn chương nghệ thuật, với kết luận: "Nhưng muốn tìm cái tính cách thiêng liêng của nó thì nên đóng vai nghệ sĩ quăng mình đi giữa vũ trụ mênh mang rượt theo những nguyện vọng cao xa thì sẽ thấy hình ảnh rõ rệt của nghệ thuật".

Cuộc đời Hàn Mạc Tử là minh chứng cho cái cuộc "quăng mình đi giữa vũ trụ" ấy. Sự nghiệp báo chí của Hàn Mạc Tử cũng giống như thơ văn của ông, đứt đoạn giữa chừng trong lúc đang hăng say miệt mài nhất.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tung-co-nha-bao-han-mac-tu-20190619215811664.htm