Từng kiếm bộn tiền ở Trung Quốc, các tập đoàn nước ngoài chật vật trước 'cuộc chiến giá'

Trong nhiều thập kỷ, các công ty phương Tây đã kiếm bộn tiền nhờ đặt cược vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, kinh tế suy thoái và cuộc chiến giá cả nổ ra đã khiến những vụ đặt cược trở nên mạo hiểm hơn bao giờ hết.

Các chương trình giảm giá và ưu đãi đặc biệt đang được áp dụng cho các thương hiệu tiêu dùng từ thực phẩm, quần áo đến điện tử tiêu dùng và ô tô, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành tại J Capital Research, cho biết: “Mọi người đều đã thay đổi cách nghĩ về Trung Quốc. Môi trường kinh doanh đã thay đổi hoàn toàn”.

Tesla có một khu phức hợp nhà máy rộng lớn ở Thượng Hải. Ảnh: Xiaolu Chu (Getty Images)

Tesla có một khu phức hợp nhà máy rộng lớn ở Thượng Hải. Ảnh: Xiaolu Chu (Getty Images)

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%. Ngoài những năm đại dịch, đó là tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm nhất kể từ năm 1990.

Người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu khi triển vọng công việc và thu nhập của họ trở nên tồi tệ hơn. Cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm 70% tài sản hộ gia đình, và sự suy thoái của thị trường chứng khoán đã làm tăng thêm nỗi đau của họ.

Theo bà Stevenson-Yang, vào những năm 1990, “mọi công ty ở phương Tây” đều thuê chuyên gia tư vấn và tổ chức các cuộc họp hội đồng quản trị về cách làm được nhiều việc hơn ở Trung Quốc. Nhưng giờ đây các nhà tư vấn đã rời đi và thay vì nói về cách tận dụng sự tăng trưởng nhanh chóng, các cuộc thảo luận của C-Suite đều xoay quanh việc “thoát ra, bảo vệ hoạt động của mình hoặc cân bằng nguồn cung giữa một số quốc gia”.

Cuộc chiến xe điện

Một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất về giá đang diễn ra trong ngành công nghiệp xe điện (EV), nơi một cuộc đua “sinh tử” diễn ra khiến các nhà sản xuất phải tranh giành nhau để sinh tồn.

Theo dữ liệu do Hiệp hội Xe khách Trung Quốc công bố cuối tuần trước, thị phần tại Trung Quốc của hãng xe điện Mỹ Tesla đã giảm xuống 4% trong tháng 4, giảm gần một nửa so với mức 7,7% trong tháng 3. Lượng giao hàng từ nhà máy Thượng Hải, nhà máy lớn nhất toàn cầu của hãng, đã giảm 18% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm sâu này trái ngược với doanh số bán hàng ngày càng tăng của đối thủ lớn nhất của hãng tại Trung Quốc là BYD khi báo cáo lượng giao xe điện hàng thuần tăng 29%.

Những khó khăn kinh tế của đất nước không chỉ giới hạn ở Tesla và ngành công nghiệp xe điện. Họ đang ảnh hưởng tới các tập đoàn khổng lồ khác của Mỹ như Apple và McDonald's, tất cả đều đang vật lộn để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp với một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

iPhone liên tục giảm giá

Ông Yang Wang, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research, cho biết những lo lắng về tương lai đã buộc người tiêu dùng Trung Quốc phải thận trọng hơn về ngân sách. Kết quả là, các giao dịch mua sắm liên quan đến các dòng sản phẩm cao cấp đã bị loại bỏ hoặc trì hoãn.

Ông nói: “Chắc chắn người tiêu dùng Trung Quốc đang trải qua tình trạng 'tiêu dùng giảm sút' nói chung".

Tổng doanh thu của Apple tại Trung Quốc, bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Macao, đã giảm 8% xuống còn 16,4 tỷ USD trong quý tài chính kết thúc vào ngày 30/3.

Trong khi đó, Huawei, ông lớn công nghệ Trung Quốc mà phương Tây từng cố gắng hạ bệ, đang phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu do Counterpoint Research tổng hợp, doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei đã tăng 70% trong quý đầu tiên của năm 2024, nhờ sự ra mắt thành công của dòng Mate 60.

Apple và Huawei đang trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)

Apple và Huawei đang trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)

“Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất trên thế giới”, ông Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple, cho biết tại cuộc họp báo thu nhập với các nhà phân tích hồi đầu tháng này. Ông nói thêm rằng ông tiếp tục đánh giá lạc quan về thị trường Trung Quốc trong dài hạn.

Theo dữ liệu được công bố vào tuần trước bởi Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, một công ty nghiên cứu được chính phủ hậu thuẫn, nhà sản xuất điện thoại thông minh Mỹ đã giảm giá iPhone bán ở Trung Quốc, điều này đã giúp lượng hàng xuất xưởng của họ tăng vọt trong tháng 3. Nó đánh dấu sự thay đổi so với hai tháng trước đó của năm 2024, khi Apple chứng kiến doanh số bán iPhone sụt giảm nghiêm trọng.

Việc giảm giá được dẫn đầu bởi Apple và các nền tảng bán lẻ của bên thứ ba, với một số mẫu iPhone 15 được giảm giá tới 20%.

Cuộc chiến ở thị trường đồ ăn sẵn

Các chuỗi cà phê cũng đua nhau giảm giá. Tháng 2 năm ngoái, Cotti Coffee, một công ty khởi nghiệp do hai cựu giám đốc của Luckin Coffee thành lập, đã bắt đầu chiến dịch giảm giá cà phê latte xuống mức thấp nhất là 9,9 nhân dân tệ (1,4 USD).

Động thái này đã thúc đẩy Luckin, chuỗi cà phê lớn nhất đất nước, phải khớp với mức giá đó. Cotti sau đó lại giảm giá cà phê xuống còn 8,8 nhân dân tệ (1,2 USD).

Các cửa hàng đồ ăn nhanh cũng không khá hơn, từ năm 2022, McDonald’s đã tung ra suất ăn cố định giá rẻ khoảng 13,9 nhân dân tệ. Các chuỗi thức ăn nhanh khác của phương Tây sau đó đã nhảy vào cuộc, tung ra các suất ăn cố định giá rẻ của riêng họ.

Nanchenxiang, một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh có trụ sở tại Bắc Kinh, thậm chí còn tung ra bữa sáng tự chọn cực rẻ với giá “3 nhân dân tệ (41 cent)”.

"Không dễ khắc phục"

Chuyên gua Yang từ Counterpoint Research cho rằng tâm lý “chán nản” của người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ tồn tại trong một thời gian, một số thương hiệu phương Tây “chắc chắn” sẽ buộc phải xem xét lại giá cả để bảo vệ thị phần.

Tuy nhiên, điều đó “không dễ khắc phục”, vì các thương hiệu nước ngoài đang gặp bất lợi so với các thương hiệu nội địa do chi phí vận hành cao hơn, ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông không nghĩ họ sẽ rút khỏi Trung Quốc. Trong trung và dài hạn, đất nước tỷ dân này vẫn có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đóng góp vào nhóm người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng lớn nhất.

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tung-kiem-bon-tien-o-trung-quoc-cac-tap-doan-nuoc-ngoai-chat-vat-truoc-cuoc-chien-gia-ca-d110764.html