Từng là tâm dịch thế giới, Mỹ giờ ra sao?

Mỹ đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa trên diện rộng.

Tính tới chiều 7-6, Mỹ ghi nhận hơn 34,2 triệu ca nhiễm COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó gần 612.400 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.info.

Nếu tính theo số liệu thì Mỹ vẫn là nước bị dịch hoành hành nặng nhất thế giới. Nhìn lại đỉnh dịch hồi đầu năm nay, đã có ngày Mỹ phát hiện trên dưới 300.000 ca nhiễm mới, hay ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong vì COVID-19 trong chỉ 24 giờ. Tuy nhiên, một tháng qua, số ca nhiễm mới theo ngày đều không vượt quá 50.000, trong khi số ca tử vong mới có lúc giảm xuống gần mức 100.

Vaccine là chìa khóa chống dịch

Để đạt được thành quả này, Mỹ đã kết hợp các biện pháp như yêu cầu người dân đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… và đặc biệt đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, điều được chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Mỹ, TS Anthony Fauci coi là chìa khóa chống dịch.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cấp phép cho các loại vaccine được sản xuất trong nước, là sản phẩm của các hãng dược Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson. CDC còn cấp phép và khuyến khích tiêm vaccine của Pfizer cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.

Nhà hàng ở bang New York (Mỹ) đã được mở cửa đón khách dù vẫn duy trì hạn chế số lượng khách. Ảnh: NYT

Nhà hàng ở bang New York (Mỹ) đã được mở cửa đón khách dù vẫn duy trì hạn chế số lượng khách. Ảnh: NYT

Nhiều chính sách sáng tạo đã được triển khai để khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các công ty đặt xe như Uber, Lyft hay một số siêu thị đã tặng phiếu giảm giá cho người đã tiêm vaccine, theo tờ The New York Times (NYT).

Người đi tiêm chủng ở nhiều bang như Connecticut, Washington, New York… sẽ được tặng một ly bia hoặc đồ uống miễn phí, phiếu quà tặng hay nhiều phần quà nhỏ khác. Bang California chi tới 116,5 triệu USD (hơn 2.680 tỉ đồng) cho chương trình khuyến khích tiêm chủng. Kế hoạch này bao gồm 40 giải xổ số với tổng giá trị 16,5 triệu USD (hơn 380 tỉ đồng) và phiếu quà tặng 50 USD (hơn 1,15 triệu đồng) cho 2 triệu người đầu tiên tiêm vaccine.

Tương tự, bang Ohio cũng treo giải xổ số để khuyến khích người dân tiêm chủng và hôm 26-5, đã có người đầu tiên thắng giải 1 triệu USD (hơn 23 tỉ đồng). Một học sinh tại bang này cũng giành được học bổng toàn phần nhờ chương trình khuyến khích tiêm chủng của bang.

Theo thống kê của CDC, tính đến ngày 6-6, Mỹ đã triển khai hơn 301,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Gần 139 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 41,9% dân số. Nhờ đẩy mạnh tiêm chủng, nhiều bang đã dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch khác.

Các bang đã công bố lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng dịch căn cứ vào diễn biến dịch ở từng địa phương. Các cơ sở kinh tế dần hoạt động trở lại và ở nhiều bang như Massachusetts, Pennsylvania, Virginia…, giãn cách xã hội đã không còn là quy định bắt buộc. CDC cho phép người được tiêm chủng đầy đủ không cần tiếp tục đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội, trừ khi địa phương hay doanh nghiệp có quy định khác.

Tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt và thực hiện càng nhanh càng tốt.

TS ANTHONY FAUCI

>

Nỗ lực giải bài toán miễn dịch cộng đồng

Mỹ đang hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất ít nhất bao nhiêu phần trăm dân số cần được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng cần 60%-70% dân số được tiêm chủng nhưng quan điểm này đang bị lung lay. Nhiều nhà khoa học như TS Ali Mokdad đến từ ĐH Washington (Mỹ) cho rằng cần ít nhất 80%-85% dân số Mỹ được tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, theo chuyên trang y tế Medscape.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm vaccine trước ngày 4-7 nhưng mục tiêu trên có vẻ khó đạt được. Dù dự báo lạc quan hơn ông Mokdad, CDC cho rằng phải đến tháng 10, Mỹ mới đạt tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 như ông Biden yêu cầu. Trong khi đó, ông Mokdad cho rằng kịch bản khả quan nhất là chỉ 50%-60% dân số Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước mùa đông năm nay. Một trong những lý do là vì CDC chưa phê duyệt vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi (chiếm khoảng 15% dân số Mỹ) và các khảo sát cho thấy 30% người dân Mỹ vẫn phản đối vaccine.

Ông Mokdad và nhiều chuyên gia khác cho rằng nên “lạc quan một cách thận trọng” về diễn biến dịch COVID-19, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và linh hoạt trong các quyết sách chống dịch, đồng thời nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều vấn đề về COVID-19 mà con người chưa thể hiểu hết.

Đầu tháng 5, NYT đã tổng hợp nhận định của nhiều nhà dịch tễ học hàng đầu ở Mỹ, trong đó có TS Fauci, về miễn dịch cộng đồng. Theo đó, các chuyên gia này cho rằng Washington không nên cứng nhắc với khái niệm miễn dịch cộng đồng mà thay vào đó cần duy trì các chiến dịch tiêm chủng để COVID-19 trở thành “một mối đe dọa có thể kiểm soát được”.

Châu Âu dần trở lại cuộc sống bình thường

Cũng từng là tâm dịch giống Mỹ, châu Âu đã kiểm soát được tỉ lệ lây nhiễm và đang dần nối lại cuộc sống bình thường, theo hãng tin Reuters.

Các nhà hàng, quán cà phê ở nhiều nước đã được phép mở cửa đón khách ngồi ngoài trời. Rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, trung tâm thể thao… ở phần lớn các nước châu Âu đã hoạt động trở lại. Các cửa hàng ở một số vùng của Tây Ban Nha và tại Ý, Anh, Hà Lan… đã được phép đón khách trong nhà trong một số điều kiện hạn chế, trong khi Pháp, Thụy Sĩ cũng chuẩn bị cho phép nối lại dịch vụ này.

Lệnh giới nghiêm ban đêm tại Pháp và Ý đang được nới lỏng trước khi được dỡ bỏ trong nửa cuối tháng này. Tại Đức, người được tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã được chữa khỏi COVID-19 không còn bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng dịch từ ngày 9-5. Đức cho phép tổ chức đại nhạc hội nhưng vẫn thận trọng khi yêu cầu khán giả thực hiện giãn cách xã hội và có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Đức và nhiều nước khác đã lên kế hoạch cho phép một lượng giới hạn khán giả vào sân xem các trận đấu bóng đá quốc tế. Khoảng 9.500 người hâm mộ đã được vào sân Gdansk (Ba Lan) để theo dõi trận chung kết cúp C2 châu Âu hôm 26-5.

Tây Ban Nha hôm 7-6 tuyên bố nước này là “một điểm đến an toàn” và mở cửa biên giới với tất cả những ai đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 5 đã nhất trí cho phép nhập cảnh đối với người được tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19 mà EU hoặc Mỹ phê duyệt.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tung-la-tam-dich-the-gioi-my-gio-ra-sao-991088.html