Tung mọi chiêu thức, Mỹ vẫn không thể 'hóa giải' được đòn S-400 của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ký một thỏa thuận mua các hệ thống phòng không tối tân Patriot của Mỹ nếu Mỹ gắn điều này với điều kiện Ankara phải xé bỏ hợp đồng vũ khí đã ký với Moscow. Đây là tuyên bố vừa được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra ngày hôm qua (10/1) và phát biểu này một lần nữa cho thấy lập trường cứng rắn, quyết liệt của Ankara trong việc theo đuổi hợp đồng mua các hệ thống S-400 của Nga.

 Hệ thống tên lửa S-400 của Nga

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga

“Hợp đồng S-400 đã được ký kết. Chúng tôi có thể thỏa thuận với Mỹ về hợp đồng mua bán các hệ thống Patriot nhưng không có bất kỳ điều kiện nào liên quan đến việc hủy bỏ hợp đồng S-400,” hãng tin NTV dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đưa tin, hợp đồng mà Mỹ đưa ra để bán các hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ có điều khoản quy định Mỹ sẽ chỉ bàn giao các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này từ bỏ hợp đồng mua S-400 của Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng trước đã bất ngờ chấp thuận việc bán 80 tên lửa Patriot và 60 tên lửa đánh chặn PAC-3 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Cavusoglu xác nhận, Ankara đã nhận được lời đề nghị chính thức về việc mua các vũ khí của Mỹ và sẽ cân nhắc các điều khoản. Nhưng dù thế nào Washington cũng không nên tìm cách can thiệp vào hợp đồng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác khác, Ngoại trưởng Cavusoglu cảnh báo.

Ankara hồi năm ngoái đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Lô tên lửa S-400 đầu tiên dự kiến sẽ được Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh NATO. Mỹ thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35. Giới nghị sĩ Mỹ liên tục nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đối với Mỹ và NATO.

Giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ cũng tìm mọi cách để gây áp lực nhằm ép Ấn Độ hủy bỏ hợp đồng mua S-400 của Nga.

Bất chấp áp lực của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đều nhấn mạnh, họ có thể tự do lựa chọn các đối tác trong giao dịch vũ khí mà không muốn và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ Washington hay bất kỳ ai khác. “Chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai” để mua các hệ thống S-400, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tháng 9 năm ngoái từng phát biểu cứng rắn như vậy.

Phát biểu mới nhất nói trên của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ thông qua việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỉ USD. Trong một thời gian dài, Mỹ không chấp nhận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara liên tục bày tỏ mong muốn có được thứ vũ khí thiện chiến này. Washington đưa ra rất nhiều lý do để từ chối bán Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Mỹ bất ngờ thông qua thỏa thuận bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một sự thay đổi hoàn toàn trong lập trường của nước này và giới phân tích tin rằng đằng sau sự thay đổi đó có liên quan đến việc Ankara mua các hệ thống S-400 của Nga.

Có thể hiểu rằng, Mỹ muốn bán các tên lửa Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế với mục đích cao nhất là để thuyết phục Ankara hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga. Như vậy, Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách phá hợp đồng S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Mỹ từng đề nghị Ankara mua Patriot thay vì mua S-400.

Tuy nhiên, xem ra Mỹ không thể thay đổi được tình thế bởi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, họ không có ý định hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201901/tung-moi-chieu-thuc-my-van-khong-the-hoa-giai-duoc-don-s-400-cua-nga-624430/