Từng từ chối làm Hiệu trưởng, người thầy say mê toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

Ít người biết rằng, công trình đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 của PGS.TS. Nguyễn Sum được thực hiện hoàn toàn tại Trường ĐH Quy Nhơn.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 vinh danh nhà toán học, PGS.TS. Nguyễn Sum - giảng viên khoa Toán (Trường ĐH Quy Nhơn). Tuy nhiên ít người biết rằng, công trình này được thực hiện hoàn toàn tại Trường ĐH Quy Nhơn, không liên quan đến yếu tố “nước ngoài”, như cách nói vui của ông là hoàn toàn “thuần Việt”.

Công trình đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

Như GS.TSKH Đinh Dũng, phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng đánh giá về Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017: Đây là lần đầu tiên, giải thưởng “rời xa” Hà Nội, trung tâm lớn nhất của cả nước về nghiên cứu cơ bản. Điều này một lần nữa khẳng định tính công bằng và minh bạch của giải thưởng, phản ánh sự phát triển đồng đều hơn của nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên ở nước ta.

Xúc động phát biểu tại lễ trao giải, PGS.TS Nguyễn Sum chia sẻ: “Việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho tôi, một người đang làm việc tại một trường đại học ở một thành phố nhỏ, Quy Nhơn, là một sự khích lệ, động viên lớn không những cho cá nhân tôi mà còn cho tất cả giảng viên ở trường Đại học Quy nhơn nói riêng và các trường đại học ở các địa phương nói chung, có thể tự tin nhiều hơn để phấn đấu trên con đường nghiên cứu khoa học, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp chung, phát triển khoa học công nghệ và xây dựng đất nước”.

PGS.TS Nguyễn Sum tại Lễ trao giải.

Công trình mà PGS.TS. Nguyễn Sum đi sâu nghiên cứu và đoạt giải là “Bài toán hit của Peterson”- một bài toán mở rất nổi tiếng và rất khó trong chuyên ngành Tôpô Đại số của Toán học, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà toán học quốc tế và trong nước, nhưng mãi vẫn chưa được giải trọn vẹn.

Theo đánh giá của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Quốc gia Hà Nội), người thầy có tầm ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Sum thì: “Bài toán này đòi hỏi một khối lượng tính toán khổng lồ, bù lại nó không cần quá nhiều sự cọ xát thường xuyên với những ý tưởng mới, điều không thể có ở Quy Nhơn; nó cơ bản đến mức không ai có quyền chối bỏ, và nó phức tạp đến mức ở những nơi có nhiều lựa chọn hơn thì những người làm toán thường “kính nhi viễn chi”, không đủ can đảm để nghiên cứu nó”.

Đầu năm 2005, ông chính thức nghiên cứu bài toán hit được nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm. Ngoài thời gian giảng dạy, ông chỉ tập trung nghiên cứu bài toán này.

Năm 2010, ông công bố bài báo đầu tiên về bài toán hit trên tạp chí Toán học hàng đầu thế giới Advances in Mathematics.

Trong bài báo dài 26 trang, ông phủ nhận giả thuyết Kameko, ra đời từ năm 1990. Giả thuyết này đưa ra một cận trên chính xác cho số phần tử sinh của đại số đa thức xem như một mô đun trên đại số Steenrod. Giả thuyết Kameko luôn chiếm được niềm tin gần như tuyệt đối của các chuyên gia trong Tôpô đại số cho đến khi PGS Sum công bố bài báo.

Năm 2015, PGS.TS Nguyễn Sum có bài báo thứ hai trên tạp chí Advances in Mathematics. Lần này, ông giải quyết trọn vẹn bài toán hit cho đại số đa thức bốn biến, trên cở sở một công thức truy toán cho số phần tử sinh của đại số đa thức, phụ thuộc vào biến của đại số ấy, xem như một mô đun trên đại số Steenrod.

Bản thảo công trình rất công phu với 240 trang, được ông hoàn thành từ năm 2007. “Bản thảo này có vai trò quan trọng về chi tiết”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, không thể đưa một bài báo dài như vậy lên một tạp chí quốc tế uy tín.

PGS.TS Nguyễn Sum

Không đầu hàng trước khó khăn, trên cơ sở hiểu biết mới do sự phủ nhận giả thuyết Kameko đem lại, ông đã thu gọn công trình còn 58 trang để được đồng ý in ra. Phần bản thảo 240 trang được đăng tải online như một phần gắn liền với công trình được công bố chính thức.

“Tôi rất vui khi công trình nhận được 26 trích dẫn, trong đó nhiều trích dẫn trên các bài báo của chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành Tôpô đại số”, ông Sum chia sẻ. Chính bài báo dài 58 trang được công bố năm 2015 này đã giúp ông Sum giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Nhà toán học được đào tạo hoàn toàn trong nước

“Quá trình học tập và công tác của tôi là một chuỗi tháng, năm đầy khó khăn và vất vả. Tôi học 8 lớp học đầu tiên vào những năm chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam (1967-1975), hầu như không có năm nào được học hành trọn vẹn, năm sau phải tự học để bù đắp những kiến thức bị mất ở năm trước” - PGS.TS Nguyễn Sum bồi hồi nhớ lại.

Sau ngày Miền Nam được giải phóng, vào năm 1979, chàng sinh viên Nguyễn Sum được vào học ở Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn trong niềm vui lớn lao của cả gia đình, mặc dù lúc đó Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn mới vừa tròn 2 tuổi.

“Giảng viên giảng dạy tôi là các cử nhân mới tốt nghiệp, được điều động từ các trường Đại học ở Miền Bắc vào công tác tại Trường. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những người thầy của tôi đã trang bị cho tôi một nền tảng kiến thức đủ vững chắc để có thể hoàn thành các khóa học sau đại học sau đó tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội)” - PGS Sum cho biết.

Có thể nói, Quy Nhơn là mảnh đất gắn bó với PGS Sum từ ngày đi học đến bây giờ. Một thông tin khá thu vị, PGS.TS Nguyễn Sum là một nhà toán học được đào tạo hoàn toàn ở trong nước. Anh thuộc số những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn.

Câu chuyện về việc ông từ chối chức chức vụ Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì thuyết phục đã được nhiều người biết đến như một câu chuyện bất ngờ và kỳ lạ.

Chính PGS.TS Nguyễn Sum trong phát biểu tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cũng đã nói: “Điều may mắn thứ hai tôi có được là vào năm 2009, sau khi tôi được nghỉ làm công tác quản lý để có thể tập trung trọn vẹn thời gian vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.

Ông không quên cảm ơn và ghi nhận sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

“Chính nhờ sự tài trợ của Quỹ với cơ chế xét duyệt minh bạch, dân chủ và công bằng, cùng với việc đánh giá khắt khe và yêu cầu cao đối với chất lượng của các sản phẩm nên đã giúp cho tôi cũng như các đồng nghiệp thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc nhất, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao nhất. Điều đó cũng giúp cho tôi trở lại mạnh mẽ với việc nghiên cứu khoa học sau một thời gian dài (15 năm) làm công tác quản lý, và giúp cho tôi đạt được một số thành công như hiện nay” - PGS.Nguyễn Sum chia sẻ.

Liên Cơ

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tung-tu-choi-lam-hieu-truong-nguoi-thay-say-me-toan-hoc-dat-giai-thuong-ta-quang-buu-2017-c7a530032.html