Tưới ngập khô xen kẽ - giải pháp mới cho nông nghiệp hiện đại

Trong bối cảnh ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra thường xuyên thì kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ được xem là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng. Chỉ riêng việc giảm bơm nước từ kỹ thuật này, nông dân An Giang có thể tiết kiệm đến hàng chục tỷ đồng mỗi vụ.

Triển vọng mới

Tại Hội thảo “Sản xuất lúa phát thải khí carbon thấp ở ĐBSCL” do An Giang đăng cai tổ chức, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã bàn giao chính thức Bản đồ cấp tỉnh và cấp huyện về xác định khu vực phù hợp với kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD) trong sản xuất lúa cho Sở NN&PTNT An Giang và 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là bản đồ chi tiết cấp tỉnh, cấp huyện đầu tiên được bàn giao, mở ra triển vọng đẩy mạnh áp dụng AWD tại An Giang, từ đó nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL.

Bàn giao Bản đồ tưới ngập khô xen kẽ (AWD map) cấp tỉnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang

Theo TS Ole Sander Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam, với kỹ thuật trồng lúa hiện nay tại ĐBSCL, phải cần đến 2.000 lít nước để sản xuất ra 1kg lúa. Canh tác lúa nước cũng gây phát thải vào khí quyển một lượng lớn khí nhà kính. Đối với vụ đông xuân, hệ số phát thải khí Metan (CH4) là 2,65kg/ha/ngày, còn vụ hè thu là 2,3kg CH4/ha/ngày. Qua triển khai kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ cho thấy, kỹ thuật này giúp tiết kiệm 30% nước tưới, giảm 50% phát thải khí CH4 và tăng năng suất từ 9-15%. “Bản đồ AWD sẽ là công cụ cho Sở NN&PTNT An Giang xây dựng kế hoạch sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ NDC (chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của ngành NN&PTNT) giai đoạn 2021-2030. Kết quả này cũng sẽ là kinh nghiệm tốt để các tỉnh trồng lúa khu vực ĐBSCL xây dựng bản đồ AWD và nhân rộng việc thực hiện sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính” - TS Ole Sander nhấn mạnh.

Nhiều lợi ích

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, từ năm 2005, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” trên ruộng lúa của IRRI, An Giang đã triển khai công nghệ này và xây dựng Đề án “Tưới tiết kiệm nước trên lúa” nhằm giúp nông dân giảm chi phí tưới nước. Vụ thu đông 2005, 19 nông dân ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) là những người đầu tiên được Chi cục TT&BVTV mời làm thí nghiệm về biện pháp “tưới tiết kiệm nước cho cây lúa”. Bằng việc đặt ống theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, các nông dân tham gia thí nghiệm cho rằng: cây lúa cứng cáp hơn, bông lúa dài và nhiều hạt chắc hơn, kéo theo năng suất cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng đối chứng.

Từ kết quả này, ngay đầu vụ đông xuân 2006-2007, Chi cục BVTV đã phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp “tưới tiết kiệm nước” đến các trạm BVTV để tiến hành vận động nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, kỹ thuật này giúp tăng năng suất lúa từ 0,2-0,7 tấn/ha, giảm 20-50% số lần bơm nước, giảm tỷ lệ đổ ngã 10-20%. Đến vụ hè thu 2009, với sự hỗ trợ của IRRI, An Giang đẩy mạnh xây dựng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, tạo tiền đề để xây dựng mô hình “1 phải, 5 giảm” (giảm nước là 1 thành phần trong “5 giảm”). Từ 2005-2017, có 28.679 nông dân được tập huấn kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” trên ruộng lúa (kết hợp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”). Đến cuối năm 2018, đã có 334.531 lượt hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật này với tổng diện tích 303.205ha, chiếm 48,4% diện tích. Kết quả khảo sát cho thấy, kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” giúp giảm 1,3 số lần bơm nước trong vụ đông xuân (tiết kiệm 117.000 đồng/ha), giảm 1 lần bơm nước vụ hè thu (tiết kiệm 90.000 đồng/ha) nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hạn chế đổ ngã do rễ ăn sâu. Đối với các cánh đồng bơm điện, kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” giúp giảm 1 lần bơm/vụ, tương đương tiết kiệm gần 21,8 tỷ đồng cho 186.000ha phục vụ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Thị Lê cho rằng, đối với (AWD), nếu được áp dụng phổ biến trên đồng ruộng An Giang, chỉ riêng việc giảm bơm nước có thể giúp tiết kiệm 73 tỷ đồng/vụ đông xuân, 53 tỷ đồng/vụ hè thu. Đó là chưa kể những lợi ích như: tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm nguồn nước… “Thời gian tới, An Giang sẽ đưa bản đồ AWD vào ứng dụng trong thực tế của ngành tại các huyện, xã, làm cơ sở để bố trí, quy hoạch cơ cấu cây trồng và bố trí mùa vụ thật thích hợp. Bản đồ AWD sẽ được trang bị cho từng kỹ thuật viên dưới dạng file mềm, bản giấy, giúp dễ sử dụng. Bản đồ cũng được đưa lên trang web của Sở NN&PTNT để các địa phương có thể truy cập và tham khảo” - bà Lê thông tin.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tuoi-ngap-kho-xen-ke-giai-phap-moi-cho-nong-nghiep-hien-dai-a259950.html