Tuổi nghỉ hưu quá cao

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, cơ quan soạn thảo luật nên chia ra người lao động khối doanh nghiệp và khối nhà nước riêng để quy định số tuổi được hưởng lương hưu.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Trên các diễn đàn, nhiều người lao động cho rằng đề xuất này khó khả thi bởi điều kiện sống, làm việc ở các ngành, nghề có sự khu biệt khá lớn. Bạn đọc Vũ Hiền đặt câu hỏi: "Như tôi, BHXH đã đóng 17 năm, năm nay mới 43 tuổi. Nếu chờ được lãnh lương hưu thì phải chờ hơn 10 năm không có tiền để lo cuộc sống hiện tại?".

Một bạn đọc tên Danh bày tỏ: "Cần lấy ý kiến người lao đông trong toàn quốc về luật BHXH sửa chữa kỳ này. Lập tức đưa tuổi hưu về lại nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi đối với người lao động không thuộc khối văn phòng. Người lao động đã đóng BHXH đủ 30 năm mặc định được quyền hưởng lương hưu nếu có nhu cầu". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn góp ý: "Trong đợt sửa Luật BHXH này thì nên giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây, cụ thể là nam 60 tuổi, nữ 55 đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên thì được nghỉ để hưởng lương hưu đối với người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước".

Theo nhiều bạn đọc, người lao động rút một lần là do không chờ đợi được đến tuổi nghỉ hưu. Để người lao động không rút một lần thì nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu thay vào đó là quy định số năm đóng BHXH để được lĩnh lương hưu. Khi tham gia BHXH phải đóng tối thiểu bằng số đó và không được rút một lần. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng lâu, đóng ít hưởng ngắn. Người lao động tự quyết định. Đóng bao nhiêu %, bao nhiêu năm được lĩnh lương hưu, lĩnh bao nhiêu % trong bao nhiêu năm thì BHXH nghiên cứu thiết kế.

Bạn đọc Trần Đạt đặt vấn đề: "Cứ đóng đủ năm là hưởng hưu, không nên quy định 60 hay 62 tuổi. Một người 18 tuổi đi làm và bắt buộc phải đóng BHXH. Đến 53 tuổi đã đủ 35 năm đóng và phải ngồi chờ 9 năm nữa mới được hưởng hưu (75%), thật sự không ai mong muốn điều này. Với người lao động ở khu công nghiệp thì tới tuổi đó có còn sống mà hưởng hưu?". Theo bạn đọc Võ Hồng Minh, cơ quan soạn thảo luật nên chia ra người lao động khối doanh nghiệp và khối nhà nước riêng để quy định số tuổi được hưởng lương hưu. Còn theo bạn đọc Thân Thế Thành, người lao đông không quan tâm số năm đóng bảo hiểm mà chỉ quan tâm tuổi nghỉ hưu quá cao.

Không giảm tuổi nghỉ hưu mà đi giảm năm đóng bảo hiểm

Bạn đọc Nguyễn Đắc Thời đặt câu hỏi: "Nếu muốn người lao động lãnh lương hưu thì tại sao không giảm tuổi nghỉ hưu mà đi giảm năm đóng bảo hiểm?". Bạn đọc Nguyễn Học phân tích thêm: "Tôi thấy quy định đủ 35 năm công tác và đóng BHXH mới đủ năm công tác và lĩnh 75% lúc về hưu áp dụng cho tất cả các đối tượng là không phù hợp. Với người lao động bình thường, 62 tuổi về hưu thì có thể làm đủ 35 năm, người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại 57 tuổi về hưu thì mấy ai đủ 35 năm công tác. Về hưu sớm do công việc và sức khỏe, thiếu năm công tác lại bị trừ 2%/năm nên lương hưu thấp. Theo tôi, phải điều chỉnh năm công tác đủ 30 năm là phù hợp với người lao động nặng nhọc độc hại chứ không áp dụng chung 35 năm cho tất cả các đối tượng được".

A.Chi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/tuoi-nghi-huu-qua-cao-20230412091317768.htm