Tuổi thơ không thể mặc váy của người mẫu bị cắt chân do ung thư

Khi 9 tuổi, Jessica Quinn mắc bệnh ung thư xương và phải cắt bỏ một chân để ngăn di căn. Vượt qua hoàn cảnh, cô trở thành người mẫu truyền cảm hứng cho nhiều người.

Trước khi phát hiện căn bệnh ung thư quái ác, Jessica Quinn (New Zealand) là cô bé hiếu động với niềm đam mê thể thao mãnh liệt. Một ngày, khi đang chơi đá bóng với chị gái, cô bé cố đứng trên quả bóng nhưng lại mất thăng bằng, ngã xuống và bị gãy xương đùi. Jessica phải phẫu thuật và bó bột trong vòng 6 tháng.

Sau khi tháo bột, chân của Jessica không thực sự lành lại. Cô bé có thể đi bộ nhưng rất đau. Cô buộc phải tới bệnh viện để thực hiện nhiều xét nghiệm kiểm tra sâu. Cuối cùng, các bác sĩ phát hiện và chẩn đoán Jessica bị căn bệnh Osteosarcoma, một dạng ung thư xương ác tính. Khi đó, cô bé mới 9 tuổi.

Ngay lập tức, Jessica được tiến hành hóa trị để loại bỏ tế bào ung thư nhưng không hiệu quả. Các bác sĩ thông báo tế bào ung thư đang ngày càng lan rộng và để ngăn ngừa căn bệnh lây lan, cô bé buộc phải cắt bỏ một chân của mình. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 14 giờ, cô bé 9 tuổi bắt đầu cuộc sống với một chân và phải trải qua hàng loạt lần hóa trị để đẩy lùi bệnh.

Khi mới 9 tuổi, Jessica đã phải cắt bỏ một chân để ngăn ngừa di căn ung thư xương. Ảnh: Dailymail.

Khi mới 9 tuổi, Jessica đã phải cắt bỏ một chân để ngăn ngừa di căn ung thư xương. Ảnh: Dailymail.

Jessica nhớ lại: “Tôi phải thực hiện hóa trị trong khoảng 5-6 tháng và cắt bỏ chân. Vào Giáng sinh năm đó, cơ thể tôi rất yếu và bị suy nhược. Đó là thời điểm tôi bi quan nhất trong cuộc chiến bệnh tật này". Lúc đó, cô bé thậm chí còn cận kề với "tử thần" khi chỉ còn 18 kg. Rất may sau đó, em đã chống lại được căn bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh và không tái phát ung thư xương suốt 18 năm qua.

Tuổi thơ không thể mặc váy

Khi nhận được chiếc chân giả đầu tiên, với tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ, Jessica nghĩ rằng: "Ồ, tôi đã mất cái chân đó nhưng tôi lại có cái mới. Tôi có thể đi lại và tiếp tục chơi thể thao thoải mái".

Tuy nhiên, sự thật thì không như vậy. Jessica phải dùng nạng một vài năm khi đang học cách đi bộ trở lại. Trong vòng 3-5 năm đầu tiên, chân của cô bé bị đau đớn, phồng rộp liên tục. "Trong thời gian đó, tôi không thể chơi bất kỳ môn thể thao nào. Với tôi, để đi lại bình thường đã là điều rất khó khăn", Jessica nói.

Ở trường, cô bé nhận thấy mọi người đối xử quá tốt với mình và nhận được nhiều sự "cảm thông" quá mức cần thiết.

Lớn hơn một chút, Jessica bắt đầu tự ti với cơ thể bị khuyết thiếu của mình và không muốn ra khỏi nhà. Cô luôn mặc quần dài và tránh mặc bất cứ thứ gì ngắn trên đầu gối. Thậm chí còn sử dụng áo phông quấn quanh đùi để cho nó có cùng kích thước với chân bên kia.

Jessica không ngại khi đăng tải những bức ảnh khoe đôi chân khiếm khuyết của mình. Ảnh: Medium.

Nhưng sau đó, cô gái nhận ra mình không thể sống mãi với việc quấn áo quanh chân. Vào năm 17 tuổi, lần đầu tiên Jesscia dũng cảm mặc quần ngắn đến trường, để lộ ra chiếc chân giả. Cô gái trẻ cho biết cô cũng tìm thấy sức mạnh để đối phó với những tổn thương của mình.

Jessica chia sẻ mình đã quá mệt mỏi khi để khiếm khuyết đó kiểm soát tâm hồn và cuộc sống của mình. Lúc này cô nhận ra rằng thay vì nhìn chằm chằm vào gương và hy vọng một ngày nào đó phần chân bị thiếu sẽ xuất hiện một cách kỳ diệu, cô nên quyết định sự thiếu hụt đó có thể làm cho bạn được những gì.

“Không cần phải che đậy, giấu giếm, tôi yêu điều đó. Đôi khi bạn chỉ đơn giản là muốn cảm thấy được như một người bình thường”, Jessica cho biết.

Đặc biệt, Jessica cho biết chính những người bạn của cô đã ủng hộ quyết định này. “Bạn tôi khuyến khích tôi mặc quần ngắn đến trường. Tôi luôn có những người bạn tốt bên mình. Tôi vẫn nhớ cảm giác tuyệt vời khi mặc chúng”, Jesscia chia sẻ.

“Lúc đó, tôi tự nhủ với bản thân, hoặc tôi chết vì ung thư xương, để nó kiểm soát cuộc sống của tôi, hoặc tôi chọn tìm kiếm những mặt tốt của bản thân, sống thoải mái hơn. Ung thư đã lấy đi của tôi quá nhiều, tôi chưa sẵn sàng để nó lấy đi cả niềm tin của tôi một lần nữa.”

Mỗi bức ảnh cô chia sẻ đều truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Ảnh: Instagram.

Nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những người mang chân giả

Sau khi được tư vấn, Jessica đã quyết định mua 3 chiếc chân giả để có thể thoải mái hơn. Cô sử dụng một chân để bơi, một chân cho cuộc sống hàng ngày và một chân kiểu lưỡi dao bẻ cong để chạy bộ. Jessica cho biết mỗi đôi chân đều có một cá tính khác nhau, vì nó cho phép cô trở thành một người khác khi thay đổi chúng.

“Đôi chân thường ngày của tôi là cái chân giả sống động như thật, nó có thể giúp tôi đi từ chỗ này đến chỗ khác hết sức dễ dàng và giúp tôi hòa nhập với đám đông. Với đôi chân chạy, tôi thích gọi nó là lưỡi. Tôi chỉ sử dụng nó khi tập luyện. Kể từ khi có 'chiếc lưỡi' này, tôi phát hiện thêm sự tự do cho bản thân mình", Jessica trả lời phỏng vấn trên DailyMail.

Jessica còn để ý thấy ngày càng có nhiều người xem mình như một nguồn cảm hứng. Đó chính là lý do cô trở thành người mẫu nghiệp dư để truyền cảm hứng cho những người mang chân giả. Thông điệp của cô là khuyết tật không thể nào giới hạn được những khả năng đang chờ đợi họ. Cô muốn họ thấy rằng sự khiếm khuyết về mặt cơ thể không nên là rào cản hạn chế khả năng hay khiến bạn phải chờ đợi dù theo cách này hay cách khác.

Cô thường xuyên chia sẻ những bức ảnh cá nhân của mình và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. "Tôi không hoàn hảo nhưng tôi muốn bình thường hóa nó, cho mọi người thấy rằng dù cho bạn trải qua điều gì, hãy đi đến kế hoạch B và làm cho nó trở nên tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều có những bất an nhưng bạn cần phải tự tin vào chỗ đứng của mình”, Jessica khẳng định.

Nếu thời gian có quay trở lại, Jessica không mong muốn sẽ thay đổi bất cứ điều gì. Cô cảm thấy hài lòng và tự hào về cuộc sống hiện tại bởi đó là sự nỗ lực của chính mình. "Đừng bao giờ bỏ cuộc" là thông điệp ý nghĩa mà cô gái này muốn gửi đến những người có hoàn cảnh tương tự như mình.

Bệnh ung thư xương Osteosarcoma là gì?

Osteosarcoma là loại ung thư xương ác tính phổ biến nhất, thường xảy ra với người từ 10 đến 30 tuổi. Nó xảy ra khi các tế bào tạo ra khối u ác tính thay vì phát triển xương mới.

Nguyên nhân gây bệnh là các tế bào tạo xương phân chia bất thường, dẫn đến hình thành các khối u ác tính.

Không bao giờ bỏ cuộc là thông điệp ý nghĩa của Jessica. Ảnh: Dailymail.

Bất kỳ xương nào trong cơ thể bạn cũng có nguy cơ mắc u xương ác tính. Tuy nhiên, hầu hết khối u thường phát triển xung quanh đầu gối, ở phần dưới xương đùi hoặc phần trên của xương ống chân.

Nếu ung thư chưa di căn, tỷ lệ sống sót rất cao, 70-75%. Nếu bệnh đã di căn khi phát hiện, chẳng hạn sang phổi hoặc các vùng xương khác, tỷ lệ sống sót chỉ có 30%.

Triệu chứng của Osteosarcoma:

- Đau xương (khi vận động, khi nâng vật hoặc khi nghỉ ngơi)

- Gãy xương không có nguyên nhân cụ thể

- Đỏ, sưng ở khu vực bị ảnh hưởng

- Đi khập khiễng

- Hạn chế chuyển động của khớp

Một số phương pháp điều trị bệnh đang được áp dụng:

- Hóa trị: Thường được thực hiện trước khi phẫu thuật, hóa trị sử dụng các loại thuốc thu nhỏ và tiêu diệt các tế bào ung thư. Thời gian điều trị khác nhau và phụ thuộc vào việc ung thư đã di căn sang các bộ phận khác hay chưa.

- Phẫu thuật: Trong hầu hết trường hợp, khối u và phần xương xung quanh bị loại bỏ và xương bị mất được thay thế bằng xương nhân tạo.

- Phẫu thuật chỉnh hình đầu gối: Đây là thủ thuật trong đó đáy xương đùi, đầu gối và xương chày trên được phẫu thuật cắt bỏ. Chân dưới sau đó được xoay 180 độ và gắn vào xương đùi.

Liệu pháp Car-T, hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư Car-T, một liệu pháp tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư, đang cho thấy hiệu quả trong việc phát hiện các khối u chết người.

Phương Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuoi-tho-khong-the-mac-vay-cua-nguoi-mau-bi-cat-chan-do-ung-thu-post946438.html