Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Dù kinh tế khá giả thậm chí là giàu có nhưng 2 nam nghệ sĩ đất Bắc vẫn chọn lối sống giản dị, hòa vào thiên nhiên.

Xuân Hinh giàu có nhưng sống giản dị

Xuân Hinh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh trong một gia đình đông anh em và nghèo khó. Chính vì thế mà tuổi thơ của ông rất vất vả, phải làm nhiều việc chân tay kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Năm 1977, Xuân Hinh trúng tuyển vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Năm 1983, ông thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, ngành hát dân ca. Xuân Hinh được giữ lại làm giảng viên trong trường, nhưng ông từ chối.

Năm 1988, ông tham gia diễn tiết mục nổi tiếng hề Cu Sứt trong Festival Cười, được khán giả khen ngợi. Năm 2016, ông tổ chức liveshow lớn “Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã” để kỷ niệm 40 năm làm nghề.

Ngoài diễn sân khấu, Xuân Hinh còn thực hiện nhiều tiểu phẩm hài đặc sắc, được khán giả yêu thích như: Xuân Hinh đi hỏi vợ, Xuân Hinh luyện thi hoa hậu...

Cuộc sống viên mãn, yên bình của Xuân Hinh.

Với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp, Xuân Hinh được mệnh danh là "Vua hài đất Bắc". Nhờ tài năng cùng sự cống hiến hết mình, cuộc sống của Xuân Hinh ngày càng khấm khá và giàu có. Nam nghệ sĩ sở hữu nhiều bất động sản trong đó nổi bật là căn nhà ở phố Hàng Bông với không gian sang trọng, tinh tế, nội thất toàn gỗ và có cả thang máy hiện đại.

Ngoài căn nhà này, Xuân Hinh còn sở hữu Bảo tàng Đạo Mẫu hơn 5.000m2 ở Sóc Sơn vừa được lọt top những công trình thế giới 2023. Xuân Hinh cũng không ngại khoe với đồng nghiệp, ông chả thiếu tiền "nhà không có gì ngoài tiền".

Thế nhưng dù giàu có là vậy nhưng Xuân Hinh lại có cuộc sống rất giản dị và đời thường, dân dã. Ông thường đăng tải trên Facebook cá nhân những bữa ăn đậm chất Việt gồm rau muống, đậu phụ, cá rán... Hay hình ảnh cắt rau, nhổ cỏ, câu cá không khác gì một nông dân chính hiệu.

Không chỉ có một sự nghiệp lẫy lừng, Xuân Hinh còn có cuộc sống gia đình hạnh phúc bên vợ và các con. Hiện con gái Xuân Hinh cũng là tiktoker có tiếng.

Việt Hoàn ở trang trại 10.000m2, thích chăm sóc cây trái

Ca sĩ Việt Hoàn sinh năm 1966 tại Thái Bình trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật về cải lương. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, Việt Hoàn đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca toàn tỉnh Thái Bình năm 1985. Sau đó, nam ca sĩ được tuyển về Đội Văn nghệ Công an TP Hải Phòng, nơi anh giành 2 HCV và 1 HCB trong các kì hội diễn sân khấu và cuộc thi.

Ca sĩ Việt Hoàn hài lòng với cuộc sống như một nông dân chính hiệu.

Năm 1997, Việt Hoàn thi đỗ hệ đại học Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội dưới sự dẫn dắt của cố NSND Lê Dung. Nam ca sĩ từng công tác ở Đội Văn nghệ Công an thành phố Hải Phòng, Đoàn Ca múa Hải Phòng, Nhà hát Ca múa Nhạc nhẹ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...

Trong sự nghiệp Việt Hoàn ra nhiều sản phẩm như các album: Tâm sự người ca sĩ, Tâm sự Trường Sơn, Khúc ca vắng từ quê mẹ... Anh và ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương còn từng là tam ca nhạc đỏ đình đám của showbiz Việt.

Về đời tư, Việt Hoàn từng kết hôn với ca sĩ Hoa Trần kém 18 tuổi. Tuy nhiên vào ngày 11/11/2023, Việt Hoàn bất ngờ tiết lộ đã ly hôn vợ sau 14 năm gắn bó dù có chung 3 mặt con.

Nhiều năm trở lại đây, Việt Hoàn bỏ phố lên đồi ở ngoại thành Hà Nội sinh sống. Anh xây dựng trang trại trên mảnh đất 10.000m2, hàng ngày chăm sóc cây trái, sống đời an yên. Và để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, anh còn xây dựng chuỗi chương trình "Đồi gió hát".

Việt Hoàn chia sẻ, từ năm 45 tuổi anh đã tính toán đến việc nghỉ hưu. Chính vì vậy mà những năm trước đó, anh đã tích lũy kinh tế để có thể có cuộc sống an nhàn.

Vào năm 2023, Việt Hoàn cũng thu hút sự chú ý khi tuyên bố sẽ giã từ sân khấu vào năm 60 tuổi. "Sau khi giã từ sân khấu, có thể tôi vẫn xuất hiện trên sân khấu, nhưng trong vai trò khách mời ở một chương trình đặc biệt nào đó thôi, chứ không chạy show lấy cát-xê như bây giờ", ca sĩ Việt Hoàn chia sẻ với báo giới.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tuoi-xe-chieu-cua-2-nghe-si-dat-bac-song-gian-di-thich-cham-soc-vuon-tuoc-du-khong-thieu-tien-172240328080314.htm