Tướng Cương: Lấy phiếu tín nhiệm là thể hiện vai trò giám sát của người dân

Đó là ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an nói về việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn tại trường quay Báo Nghệ An. Ảnh: Đ.C

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh, thời gian chúng ta không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm là thời gian cán bộ tha hóa nhiều nhất.

Chúng ta không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm là người dân đã mất đi quyền giám sát của mình. Người dân trao quyền cho Quốc hội, nhưng chúng ta lại không thực hiện hết quyền giám sát, nên đã để xảy ra hàng loạt vụ tham nhũng; nhiều Bộ trưởng có sai phạm, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son...

Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh lần này là một bước tiến trong thực hiện quyền lực của người dân thông qua Quốc hội, đảm bảo quyền của người dân sẽ được thực hiện đầy đủ. Lấy phiếu tín nhiệm vừa là hoạt động thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội nhưng cũng vừa củng cố và thực hiện tốt nhất vai trò lãnh đạo của Đảng với nhà nước.

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với 48 chức danh sẽ là cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ. Đây cũng là dịp để những người đang giữ chức vụ nhìn lại quá trình làm việc của mình, nhắc nhở họ về tinh thần trách nhiệm đối với trọng trách được giao.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trong ảnh: Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Với tư cách là một công dân, tôi mong muốn Quốc hội công khai cho 95 triệu người dân Việt Nam được biết kết quả đợt bỏ phiếu tín nhiệm này. Bởi công khai, minh bạch là điều quan trọng nhất của cơ quan công quyền trong quá trình thực thi quyền lực của mình.

Những người có phiếu tín nhiệm thấp, Quốc hội phải đặt ra thời hạn cho họ sửa, nâng phẩm chất năng lực ngang tầm nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cần phải đặt ra yêu cầu, phải răn đe để họ sửa chữa, khắc phục.

Tại kỳ họp này, có 48 người được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ba mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.

Đức Chuyên (Thực hiện)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tuong-cuong-lay-phieu-tin-nhiem-la-the-hien-vai-tro-giam-sat-cua-nguoi-dan-220216.html