Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn giai đoạn 2 có nhiều điểm nhấn

Dự án xây dựng công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn giai đoạn 2 sẽ có nhiều hạng mục được điểu chỉnh, cải tạo lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Gia đình và Xã hội, dự án xây dựng công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được khánh thành năm 2000 vào dịp kỷ niệm 700 năm ngày hóa của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tượng Đài Trần Hưng Đạo được đặt tại quảng trường 3/2 bên hồ Vị Xuyên, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Mẫu tượng đồng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn do NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phác thảo, dự thi và đạt giải Nhất năm 1989, được chọn để thi công.

Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất với trọng lượng khoảng 21 tấn, có chiều cao 10,22m đặt trên bệ cao 6,5m. Để đưa được bức tượng lên độ cao như thế, nghệ nhân đã phải đúc tượng thành 9 khoanh (khoanh nặng nhất là 2,8 tấn, khoanh nhẹ nhất cũng nặng đến 1,8 tấn). Tượng đài được xây dựng với quy mô hoành tráng, cùng với chất liệu quý đã thể hiện tấm lòng tôn kính, luôn hướng về nguồn cội nhân dân Nam Định.

Tượng đài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương tại Quảng trường 3/2.

Theo thiết kế ban đầu, dự án xây dựng công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gồm 2 giai đoạn và đã khánh thành giai đoạn 1 năm 2000.

Dự án được phê duyệt thì quần thể tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng đồng bộ bao gồm các hạng mục: Tượng đài Trần Hưng Đạo; bức phù điêu; sân khánh tiết; sân nghi lễ; biểu tượng "cọc Bạch Đằng"; hệ thống điện chiếu sáng và vườn hoa, thảm cỏ.

Sau hơn 20 năm khánh thành tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, khu vực tượng đài đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh tiêu biểu. Đến nay, địa phương, các thế hệ con cháu nhà Trần và người dân Nam Định mong muốn tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại để khu vực Tượng đài đảm bảo uy nghiêm, bề thế hơn.

Theo thiết kế ban đầu, dự án xây dựng công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gồm 2 giai đoạn và đã khánh thành giai đoạn 1 năm 2000.

Ngày ngày 4/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Thông báo số 556-TB/TU về chủ trương triển khai một số hạng mục khu vực Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (giai đoạn 2).

Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Nam Định đã tổ chức thi tuyển và lựa chọn phương án kiến trúc cho công trình và được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại quyết định số 1585/QĐ-UBND ngày 15/8/2023.

Giai đoạn 2, ý tưởng thiết kế hình dáng bức phù điêu gồm 3 lớp cuốn tròn, tổng thể phù điêu được uốn cong với hình ảnh được lấy từ chiếc ngai, làm điểm tựa vững chãi phía sau tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Phối cảnh dự án xây dựng công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Quy mô bức phù điêu có chiều dài 59,8m, chiều cao 12m. Chất liệu lõi bằng bê tông cốt thép, bề mặt bằng đá tự nhiên sáng màu, có độ bền cao ở ngoài trời, phù hợp với điều kiện thi công và khí hậu các mùa tại Việt Nam. Vị trí đặt bức phù điêu ngay phía sau hàng cờ lễ hiện tại, đảm bảo không xâm lấn đến phần nền đặt Tượng đài và lòng hồ Vị Xuyên.

Cũng trong giai đoạn này, các hạng mục khác của dự án như: Hệ thống thảm cỏ; cây xanh ven hồ phía sau tượng đài sẽ được cải tạo, thu gọn lại để tạo đường đi lưu thông phía sau bức phù điêu (bề rộng đường khoảng 4m, diện tích cải tạo mặt đường khoảng 1.200m2). Các cây xanh do các lãnh đạo các thời kỳ trồng lưu niệm tại khu vực này sẽ được giữ, bố trí lại vị trí trồng trong khuôn viên khu vực Tượng đài.

Trong giai đoạn 2, các hạng mục khác của dự án như: Hệ thống thảm cỏ; cây xanh ven hồ phía sau tượng đài sẽ được cải tạo, thu gọn lại để tạo đường đi lưu thông phía sau bức phù điêu (bề rộng đường khoảng 4m, diện tích cải tạo mặt đường khoảng 1.200m2).

Bên cạnh đó, 14 lá cờ lễ phía sau tượng đài hiện tại, được coi là biểu trưng của 14 đời Vua nhà Trần sẽ được chuyển sang hai bên cánh phía trước Tượng đài.

Nhoài ra, trong giai đoạn này phương án thiết kế phù hợp với quy hoạch phân khu, xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng và các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành khác.

Dự kiến công trình hoàn thành ngày 6/10/2025, khánh thành vào dịp kỷ niệm 725 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Mới đây, ngày 17/2, ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Quốc Chỉnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã đi kiểm tra, duyệt phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng một số hạng mục khu vực tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở quảng trường 3/2.

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan ba cuộc xâm lược của quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII.

Ông sinh ra tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định) vốn xuất thân từ nghề chài lưới, mang trong mình dòng máu thượng võ của cha ông, rất giỏi nghề sông nước và thạo thủy chiến. Từ thuở nhỏ ông đã có tướng mạo phi thường, thông minh hơn người, được rèn đúc kỹ càng, ai cũng khen là bậc kỳ tài, ngày sau ắt kinh bang tế thế. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn, càng thông minh xuất chúng, đọc rộng biết nhiều, văn võ song toàn.

Trong sự nghiệp hiển hách của nhà Trần, Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là người có đạo đức tiêu biểu của một vị chủ tướng, luôn nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, tinh thần biết dựa vào sức mạnh của dân trong cả nước, biết gạt bỏ hiềm khích riêng tư, luôn lấy đại nghĩa làm trọng để đoàn kết tôn thất, triều đình và tướng lĩnh, nêu cao tinh thần "quyết chiến" không sợ kẻ thù hung bạo,…

Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là vị Anh hùng dân tộc, được nhân dân suy tôn là bậc Thánh (thường gọi là Đức Thánh Trần) nên tượng đài là một công trình văn hóa nghệ thuật tâm linh quan trọng; là niềm tự hào, thể hiện lòng tôn kính, tri ân của người dân quê hương đối với vị Anh hùng dân tộc theo đúng truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Bên trong đền Trần trước ngày hội khai ấn lớn nhất miền Bắc

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tuong-dai-hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-giai-doan-2-co-nhieu-diem-nhan-172240222155420899.htm