Tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến tự do cá nhân

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng Luật An ninh mạng không làm người dân bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động, luật can thiệp vào những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, không đi sâu vào cá nhân.

Trả lời bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội khẳng định vấn đề kiểm soát an ninh mạng là vấn đề quan trọng hiện nay.

"Tất cả quốc gia đều quản lý. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, không gian mạng, an ninh mạng, thông tin mạng chúng ta phải nắm. Mỗi quốc gia có cách làm, phương pháp làm riêng.

Vừa qua, trên lĩnh vực này, chúng ta đã làm nhưng chưa tốt, vẫn còn lỗ lọt, vẫn có hiện tượng lợi dụng mạng xã hội, hệ thống thông tin mạng để chống phá chế độ, chống phá lĩnh vực kinh tế, hàng không, kể cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Vấn đề này, chúng ta thấy được có những khiếm khuyết.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa phát biểu tại Quốc hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, đây là khâu yếu. Theo số liệu, chúng ta có trên 40 triệu công dân sử dụng mạng nhưng không thu được đồng thuế nào cả. Đây là sơ hở. Mới đây, châu Âu từng đánh thuế phạt Google hàng triệu USD.

Đây là về vấn đề quản lý nhà nước. Hiện Bộ Thông tin truyền thông có luật an toàn thông tin mạng. Luật An ninh mạng sẽ đi sâu vào những thông tin quan trọng của quốc gia, an ninh quốc gia. Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội phải làm tốt nội dung này. Dĩ nhiên, trong dự thảo luật, còn một số nội dung còn chồng chéo. Ví dụ hai bộ còn thẩm tra, giám sát, kiểm tra chung một số lĩnh vực. Cái này đề nghị cần phân rõ ra. Chính phủ phải là trọng tài. Cái này phải làm khẩn trương sau khi luật ra đời.

Với những lĩnh lực thông tin khác, trong luật, điều 24 quy định rõ, khi có yêu cầu của cơ quan chủ quản hoặc phát hiện thấy vi phạm thì chúng ta phải ngăn chặn, yêu cầu đơn vị chủ quản phải dừng ngay sai phạm hoặc bóc tách nội dung xấu ảnh hưởng đến chế độ.

Đồng thời, đề nghị, khuyến nghị các tổ chức nước ngoài đặt cơ quan đại diện hoặc văn phòng ở đây".

Trước những lo ngại luật An ninh mạng khiến cho thông tin người dùng dễ dàng bị quản lý, chi phối, Thiếu tướng Nghĩa nhấn mạnh: "Quyền công dân được Hiến định, người dân không bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động gì. Những thông tin quan trọng của an ninh quốc gia ở đây là của các chủ quản, như cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức kinh tế lớn như sân bay, ngân hàng..., không đi sâu vào cá nhân. Họ thẩm tra là để cảnh báo và có phương án xử lý.

Luật can thiệp vào những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Ví dụ doanh nghiệp A dùng hệ thống cơ sở hạ tầng để phát tán tài liệu chống phá, bôi nhọ, vi phạm nhân quyền... thì sẽ bị nhắc nhở. Hoặc chủ quản cơ quan A đề nghị cơ quan chuyên trách an ninh vào kiểm tra thiết bị, thì họ mới làm.

Từ những suy nghĩ trên, vị đại biểu Quốc hội nêu cao vai trò của thường vụ Quốc hội trong việc rà soát lại dự thảo Luật An ninh mạng, để bảo đảm được quyền của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi sử dụng hệ thống, làm sao để đảm bảo sự bình đẳng, tránh gây phiền hà. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát được thông tin ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có phương pháp dự báo được.

"Khi luật này ban hành chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn, có chế tài, làm lành mạnh hơn nữa không gian mạng. Nhưng tuyệt đối hóa thì không nói được", tướng Nghĩa khẳng định.

Phạm Thành - Phạm Thịnh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tuong-dang-ngoc-nghia-luat-an-ninh-mang-khong-anh-huong-den-tu-do-ca-nhan-d405695.html