Tưởng Giới Thạch và quẻ bói cứu mạng

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch là một kỳ nhân. Ra đi từ Khê Khẩu, Phụng Hóa, Chiết Giang, qua Nhật Bản lưu học, lang thang ở Thượng Hải, lên chiến hạm ở Quảng Châu, dạy học ở Hoàng Phố, chinh chiến Bắc phạt, chống Cộng, đánh bại Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn, thu phục quân phiệt Quảng Tây, kết giao Trương Tác Lâm, 'kháng Nhật' ở Trùng Khánh… trở thành 'vua trên vua' trong dân gian.

Một nhân vật phong vân như vậy trong truyền thống văn hóa thần bí, văn hóa phù thủy cũng như tư tưởng tướng số của Trung Quốc, đã khiến cho không ít người truy tìm nguồn gốc vận may và phúc khí của ông ta.

Có người nói do tử vi tốt, người khác cho rằng do ông cha đã tích ân đức, lại có người nói là tinh tú trên trời xuống trần, hoặc do bà mẹ Vương Thái Ngọc suốt đời niệm Phật mang lại, cũng có người nói phong thủy mộ tốt.

Các thuật sĩ chủ trương do phong thủy tốt đã có một chứng cứ “thép”, đó là địa lý Khê Khẩu, Phụng Hóa và mồ mả họ Tưởng đều cực quý, được đất quý huyệt rồng tổ phượng xưa nay hiếm thấy. Nếu nói về qui mô lớn thì đầu gối núi Tứ Minh, lưng dựa núi Thiên Đài, chân đạp vào núi Quát Thương, mặt đối với Biển Đông, tay xoa cảng Tượng Sơn, đúng là một “thần tượng” thực sự. Nếu nói về qui mô nhỏ thì núi Tuyết Đậu như rồng bơi đến Khê Khẩu, rồng mở miệng, mồm rồng ngậm ngọc, cực kỳ cát lợi, nhất định có quý nhân.

Phụng Hóa, Chiết Giang quê hương của Tưởng Giới Thạch

Mà quả thật trên thực tế đã thấy, mỗi khi trên đường đời gặp sự long đong, Tưởng Giới Thạch chỉ cần quay về Khê Khẩu, Phụng Hóa trú ở chùa Tuyết Đậu là hầu như đã thu hồi lại được phúc khí và vận may. Cuộc đời Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần mất quyền, nhưng chỉ cần trở lại Phụng Hóa thì địa vị giành được lần sắp tới đều cao hơn lần trước.

Tưởng Giới Thạch tin thần, tin quỷ, tin tiên, tin thượng đế, tin tướng số, tin mọi thế lực bên ngoài con người. Nhưng tin nhất là tướng số bói toán, bắt đầu từ câu chuyện dưới đây:

Năm 1926, quân Bắc phạt bao vây thành Nam Xương, đặt chỉ huy sở tại một ga xe lửa cách nam Xương khoảng 15km. Bên cạnh nhà ga này có một ngôi đền nhỏ, tuy chỉ có mấy hòa thượng nhưng hương khói không lúc nào ngớt. Người xung quanh đều tin rằng, việc xin quẻ ở đây rất linh nghiệm. Để thỏa mãn một chút khao khát về tâm lý, Tổng Tư lệnh Tưởng đã mời Tham mưu trưởng Bạch Sùng Hy cùng đến ngôi chùa đó xin quẻ.

Tưởng giới Thạch

Theo Mật Hy, người đã từng làm sĩ quan tùy tùng cho Tưởng Giới Thạch trong 20 năm thì chiều tối hôm đó, Mật Hy dẫn mấy vệ sĩ theo sau Tưởng Giới Thạch và Bạch Sùng Hy đi bộ tới ngôi đền. Đang lúc mọi người chuẩn bị bước vào thì một hòa thượng già xuất hiện tại cửa đền. Tưởng Giới Thạch đưa mắt một cái, các vệ sĩ dừng lại cả ở bên ngoài, chỉ còn một mình Mật Hy theo Tưởng Giới Thạch lặng lẽ cùng hòa thượng trụ trì tiến vào.

Tưởng Giới Thạch không nói câu nào, bước tới hương án, từ trong ống để quẻ lấy ra một thẻ tre, không hề nhìn, chỉ mỉm cười và vẫn không nói, thuận tay đưa cho hòa thượng già. Vị này sau khi xem xong cũng không nói, mà đưa lại cho Tưởng Giới Thạch xem. Tưởng Giới Thạch nhìn, thì thấy đó là bài thơ “Thanh Thạch đầu” của nhà thơ Lưu Vũ Tích đời Đường:

Sơn vì cố quốc chu tao tại,

Triều đả không thành tịch mịch hồi.

Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt.

Dạ thâm hàn quá nữ tường lai.

Dịch thơ là:

Núi vây thành cũ bốn bề.

Triều lên sóng vỗ, nước về, thành không.

Sông Hoài trăng cũ phía đông.

Đêm khuya thấp thoáng bóng lồng tường con.

Sau khi xem, Tưởng Giới Thạch không hiểu có ý nghĩa gì. Hòa thượng chủ trì hỏi: “Có phải ngài tới hỏi việc chiến tranh phải không?”. Tưởng Giới Thạch thấy câu hỏi của hòa thượng già đúng vào tâm trí của mình, rất tin phục trả lời: “Chính ta đang muốn hỏi thắng bại của cuộc chiến thế nào?”. Hòa thượng đột ngột hỏi: “Ngài có phải là Tưởng Tổng tư lệnh?”. Tưởng Giới Thạch thuận mồm đáp: Phải! Hòa thượng già không biết vì cớ gì đã đoán đúng thân phận Tưởng Giới Thạch, liền trang trọng nói: “Bài thơ này đã chỉ rõ trận này đánh này, với ngài thì đại cát đại lợi, với địch thì số trời chạy đâu cho thoát. Thế nhưng, đối với ngài trong cát có họa, phải đề phòng kéo đâm”.

Tưởng Giới Thạch mừng trước, lo sau, vội hỏi: “Thưa lão sư phụ, không biết giải bài thơ này như thế nào, vì sao tôi cát địch hung, rồi lại trong cát có họa?”. Hòa thượng già liền giải thích tường tận: “Xin thí chủ Tưởng Tổng tư lệnh xem câu thứ nhất: Núi vây thành cũ bốn bề, căn cứ vào tình hình hiện nay chẳng phải là quân Bắc phạt đang vũng chắc như núi vây chặt Nam Xương ư? Câu thứ hai: Triều lên sóng vỗ, nước về, thành không có ý là kẻ địch vốn là quân phiệt Bắc Dương và sông Trường Giang, nghĩa là để thành cho người ta chiếm, tự mình thất bại mà trở về. Vì vậy trận đánh này nhất định ngài thắng lợi, kẻ địch nhất định bỏ chạy. Thế nhưng câu thứ ba: Sông Hoài trăng cũ phía đông là chỉ kẻ địch không cam chịu thất bại, còn giãy giụa; sông Hoài và Trường Giang giao nhau như cái kéo, vì vậy phải đề phòng cái kéo nhọn này đâm. Câu thứ tư: Đêm khuya thấp thoáng bóng lồng tường con, quẻ này này nói nửa đêm có họa, cần phòng ngừa bị cắt đường sau. Câu cuối cùng là quan trọng nhất, không thể xem thường. Xin nhớ lấy! Nhớ lấy!”.

Sau khi nghe xong, Tưởng Giới Thạch cảm thấy có lý, khẽ gật đầu, bảo phó võ quan tùy tùng đưa ra hai trăm đồng, gọi là nộp tiền đoán quẻ cho hòa thượng già, rồi cùng Bạch Sùng Hy và các vệ sĩ về dinh. Vừa về đến chỉ huy sở đã bảo Bạch Sùng Hy gọi điện thoai điều hai trung đoàn từ đội dự bị đến canh giữ ngay vùng gần sở chỉ huy. Tuy đã có sự phòng bị như vậy, Tưởng Giới Thạch vẫn cảm thấy quẻ xin được ở ngôi đền và những lời giải thích quẻ của hòa thượng già là linh nghiệm nên đã lệnh cho Mật Hy tăng thêm lực lượng cho đội vệ sĩ.

Nam Xương ngày nay

Không biết vì hòa thượng già thực sự bói được việc sẽ xảy ra hay là do Tưởng Giới Thạch đã biết trước việc quân đội Bắc Dương sẽ đánh lén, mà tối hôm đó, tức là sau khi Tưởng Giới Thạch đã bố trí xong xuôi mọi việc, vào lúc 12 giờ khuya, bộ tướng của Tôn Truyền Phương đang bị vây chặt trong thành Nam Xương là Sư trưởng Lư Hương Đình đã cử hai trung đoàn, từ đường ngầm bò ra khỏi thành Nam Xương, đến đánh lén vào ga xe lửa - sở chỉ huy của Quốc dân đảng.

Do đã có sự phòng bị bố trí tốt, nên hai cánh quân bảo vệ của Tưởng Giới Thạch và Bạch Sùng Hy đã giữ vững phòng tuyến, chiến đấu hăng hái, chắn đứng được kẻ địch. Sau đó hai trung đoàn tăng viện đến bao vây, quân Bắc Dương bị chết hơn một ngàn, bị bắt sống hơn một ngàn, còn lại bỏ chạy tán loạn. Tuy đã có sự bố phòng trước nhưng cuộc chiến đấu đã diễn ra rất dữ dội; nếu không có sự chuẩn bị trước thì chắc chắn toàn bộ Bộ tư lệnh của Quốc dân đảng đã bị tiêu diệt. Để chứng thực linh nghiệm của quẻ xin trong đền, Bạch Sùng Hy đã thẩm vấn ngay hai Trung đoàn trưởng của Lư Hương Đình vừa bị bắt sống:

- Chúng mày thuộc bộ đội nào?

- Thuộc Sư đoàn phòng thủ Lư Hương Đình của bộ đội Tôn Truyền Phương trong thành Nam Xương.

- Vì sao chúng mày bò theo đường hầm? Với mục đích gì? Muốn làm gì?

- Cấp trên ra lệnh, để phòng thủ tốt thành Nam Xương, chuẩn bị phản kích đại qui mô, chúng tôi phải ra ngoài thành cắt đứt đường sau của các ngài.

Sau khi xem biên bản thẩm vấn, Tưởng Giới Thạch im lặng hồi lâu không nói. Sau khi hạ được thành Nam Xương, Tưởng Giới Thạch đã đặc biệt hạ lệnh cho Du Phi Bằng - quân nhu trưởng, mang đến tặng ngôi đền nhỏ này một khoản tiền rất lớn dùng để sửa sang lại. Trong thời kỳ Trung Hoa Dân quốc, Tưởng Giới Thạch thường đến Nam Xương, có người nói ông ta rất tin thuật số của vị hòa thượng già chủ trì ngôi đền nhỏ ấy, mỗi khi gặp việc lớn đều đến xin quẻ, nghe giải thích.

V.H

(Theo sách Trung Quốc)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tuong-gioi-thach-va-que-boi-cuu-mang-270941.html