Tướng Khalifa đi vắng, máy bay Quân đội quốc gia Libya bị bắn hạ

Máy bay chiến đấu của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) bị lực lượng trung thành với Chính phủ Hòa giải Dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bắn hạ trong khi tướng Khalifa Haftar đang đi thăm Ai Cập.

Hiện trường máy bay bị bắn hạ. Ảnh: Twitter

Hiện trường máy bay bị bắn hạ. Ảnh: Twitter

Chiến đấu cơ của LNA bị bắn hạ hôm 14.4 ở phía nam thủ đô Tripoli - RT dẫn lời Đại tá Mohammed Gnunu, phát ngôn viên quân đội Tripoli cho biết. Hình ảnh và video xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy hậu quả vụ việc.

Một số người đăng tải những hình ảnh này cho rằng máy bay bị rơi ở vùng ngoại ô phía đông nam Ai Zara, trong khi những người khác nói rằng nó rơi ở thị trấn Qasr bin Ghasir, phía nam thủ đô và cách không xa sân bay quốc tế Tripoli.

Các bức ảnh và video cho thấy khói đen bốc lên cuồn cuộn ở một khu vực vắng vẻ. Tin tức cho hay, phi công đã cố gắng thoát khỏi máy bay trước khi gặp nạn, nhưng không rõ người này có bị lực lượng GNA bắt giữ hay không.

Hai phe phái chính đang nắm quyền song hành tại Libya hiện nay là Chính phủ Hòa giải dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj được Liên Hợp Quốc công nhận và Chính phủ thứ hai ở thành phố miền Đông Tobruk được Quốc hội Libya bầu và được Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo ủng hộ.

Sự cố bắn rơi máy bay diễn ra khi Tướng Haftar gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi để thảo luận về tình hình Libya.

Đây là máy bay quân sự thứ 2 bị bắn hạ ở Libya trong vòng chưa đầy 1 tuần. Trước đó, ngày 10.4, phát ngôn viên LNA nói rằng lực lượng của Tướng Haftar bắn hạ 1 máy bay quân sự của GNA ở Tripoli. Các báo cáo mâu thuẫn liên tục xuất hiện về các cuộc không kích từ cả 2 phía gần thủ đô.

Tuần trước các lực lượng của Tướng Haftar phát động một cuộc tấn công chống lại dân quân ủng hộ GNA ở phía tây Libya, gọi họ là “các nhóm vũ trang bất hợp pháp”.

Các cuộc đụng độ dẫn đến việc hủy bỏ một hội nghị hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ, nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Tướng Haftar và chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj được quốc tế công nhận nhưng kiểm soát chỉ chưa đến 8% lãnh thổ của Libya.

Libya đã phải vật lộn để tiến hành một quá trình chuyển đổi dân chủ trong bối cảnh bất an và hỗn loạn, kể từ khi chính phủ của cố Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Ngọc Vân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/tuong-khalifa-di-vang-may-bay-quan-doi-quoc-gia-libya-bi-ban-ha-727920.ldo