Tương lai AI có thể làm ra các bản hit giỏi hơn nghệ sĩ?

'Nếu cái hay thực sự nằm ở tai người nghe, và nếu khách hàng luôn đúng, thì các thuật toán sinh trắc có cơ hội sản sinh ra loại nghệ thuật hay nhất trong lịch sử'.

Bạn có thể phản đối rằng AI sẽ giết chết những sự thú vị ngẫu nhiên và nhốt chúng ta trong một cái kén âm nhạc chật hẹp dệt bằng những cảm xúc yêu hay ghét trước đó của chúng ta. Thế còn khám phá các thị hiếu và phong cách âm nhạc mới thì sao? Không vấn đề.

 Sách 21 bài học cho thế kỷ 21.

Sách 21 bài học cho thế kỷ 21.

Đáp ứng thị hiếu nghệ thuật đơn giản

Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh thuật toán để 5% lựa chọn của nó là hoàn toàn ngẫu hứng, bất chợt phát một bản thu từ dàn nhạc gamelan của Indonesia, một bản opera của Rossini hay một bài K-pop đình đám mới nhất.

Dần dà, bằng cách theo dõi phản ứng của bạn, AI thậm chí có thể xác định được cả mức độ ngẫu nhiên lý tưởng, tối ưu hóa được khía cạnh khám phá mà vẫn tránh được sự khó chịu, có lẽ giảm mức ngẫu nhiên xuống 3% hay tăng lên 8%.

Một phản đối khả dĩ nữa là thuật toán có thể thiết lập mục tiêu cảm xúc của nó như thế nào. Nếu bạn vừa cãi nhau với bạn trai, thuật toán nên hướng đến việc làm bạn vui hay buồn đây? Liệu nó có mù quáng khư khư với một bộ cảm xúc “tốt” hay “xấu” cứng nhắc không? Có lẽ có những lúc trong đời mà cảm thấy buồn cũng tốt. Dĩ nhiên, vẫn câu hỏi đó có thể dành cho các nhạc công và các DJ con người. Thế nhưng với một thuật toán, có rất nhiều giải pháp thú vị cho vấn đề này.

Một phương án là cứ kệ theo khách hàng. Bạn có thể đánh giá cảm xúc của mình theo cách nào tùy thích và thuật toán sẽ đi theo mệnh lệnh của bạn. Bất kể bạn muốn gặm nhấm sự thương thân trách phận hay nhảy nhót vì vui mừng, thuật toán sẽ răm rắp theo chỉ dẫn đó. Sự thật là thuật toán có thể học được cách nhận ra các nhu cầu của bạn dù chính bạn cũng không ý thức một cách rõ ràng về chúng.

Hoặc giả bạn không tin tưởng bản thân, bạn có thể bảo thuật toán đi theo gợi ý của bất cứ nhà tâm lý học nổi tiếng nào bạn tin tưởng. Nếu cuối cùng bạn trai bạn vẫn đá bạn, thuật toán có thể đưa bạn qua năm giai đoạn đau buồn chính thức, đầu tiên là giúp bạn phủ nhận chuyện đã xảy ra bằng cách chơi bài Don’t Worry, Be Happy (tạm dịch: Đừng lo lắng, hãy vui lên) của Bobby McFerrin, rồi thổi bùng cơn giận dữ của bạn bằng bài You Oughta Know (tạm dịch: Hẳn là anh biết chứ) của Alanis Morissette, động viên bạn níu kéo bằng bài Ne Me Quitte Pas (tạm dịch: Đừng rời xa em) của Jacques Brel và bài Come Back and Stay (tạm dịch: Hãy quay về và ở lại) của Paul Young, đẩy bạn xuống hố sâu trầm cảm bằng Someone Like You (tạm dịch: Ai đó giống anh) và Hello (tạm dịch: Xin chào) của Adele, và cuối cùng giúp bạn chấp nhận tình thế bằng I Will Survive (tạm dịch: Tôi sẽ sống sót) của Gloria Gaynor.

Bước tiếp theo có thể là cho thuật toán bắt đầu tự vá víu, sửa các bài hát và giai điệu, thay đổi chúng một chút thôi cho vừa với thị hiếu của bạn. Có lẽ bạn ghét một đoạn nào đó trong một bài hát nói chung là rất hay. Thuật toán biết điều đó vì tim bạn lỡ một nhịp và nồng độ oxytocin tụt một chút mỗi khi bạn nghe cái đoạn khó chịu đó. Thuật toán có thể viết lại hay bỏ hẳn đi những nốt chướng tai đó.

Về lâu dài, các thuật toán có thể học cách sáng tác toàn bộ giai điệu, chơi với các cảm xúc của con người như thể đó là những phím đàn. Sử dụng các dữ liệu sinh trắc của bạn, các thuật toán thậm chí có thể sản xuất những giai điệu được cá nhân hóa mà chỉ mình bạn trong cả vũ trụ này mới yêu thích.

Robot chơi nhạc ở Tokyo. Ảnh: japantraveladventures.

Facebook có thể sáng tác nhạc theo ý bạn

Người ta thường nói con người kết nối với nghệ thuật vì họ tìm thấy mình trong đó. Điều này có thể dẫn đến những kết quả bất ngờ, có phần ghê rợn, nếu có khi nào Facebook bắt đầu sáng tác nghệ thuật được cá nhân hóa dựa trên tất cả những gì nó biết về bạn.

Nếu bạn trai đá bạn, Facebook sẽ cho bạn nghe một bài hát viết riêng về thằng cha mắc dịch đó chứ không phải về gã cha căng chú kiết đã làm tan vỡ trái tim Adele hay Alanis Morissette. Bài hát thậm chí còn nhắc bạn nhớ lại những sự kiện có thực trong mối quan hệ của bạn mà chẳng ai khác trên thế giới biết tới.

Dĩ nhiên, nghệ thuật được cá nhân hóa có thể không bao giờ thành mốt vì người ta sẽ tiếp tục thích các bài hát đình đám thông thường mà ai cũng thích hơn. Làm sao bạn nhảy hay hát chung theo một bài mà không ai khác ngoài bạn biết? Nhưng các thuật toán thậm chí có thể chứng minh rằng nó lão luyện với việc sản xuất các bản hit toàn cầu hơn là các bài hát hiếm hoi được cá nhân hóa kia.

Bằng cách sử dụng các cơ sở dữ liệu sinh trắc đồ sộ thu thập từ hàng triệu người, thuật toán có thể biết nó nên bấm những nút sinh hóa nào để sản xuất ra một bản nhạc đình đám toàn cầu sẽ khiến mọi người “quẩy” theo như điên trên sàn nhảy.

Nếu nghệ thuật thực sự là nhằm khơi gợi (hay điều khiển) cảm xúc con người thì sẽ hiếm, nếu có, nhạc sĩ nào có thể cạnh tranh nổi với một thuật toán như vậy, vì họ không thể sánh được với nó về việc hiểu thứ nhạc cụ chủ chốt mà họ đang chơi: hệ thống sinh hóa của con người.

Liệu tất cả những điều này có đem đến nghệ thuật xuất sắc? Điều đó dựa vào định nghĩa của nghệ thuật. Nếu cái hay thực sự nằm ở tai người nghe, và nếu khách hàng luôn đúng, thì các thuật toán sinh trắc có cơ hội sản sinh ra loại nghệ thuật hay nhất trong lịch sử.

Nếu nghệ thuật là một cái gì đó sâu sắc hơn cảm xúc con người và nên thể hiện một chân lý nào đó vượt ra ngoài những rung động hóa học của chúng ta, thì các thuật toán sinh trắc có lẽ sẽ không thể trở thành những nghệ sĩ giỏi.

Nhưng hầu hết con người cũng vậy thôi. Để bước vào thị trường nghệ thuật và chiếm chỗ nhiều nhạc sĩ/nghệ sĩ người khác, các thuật toán đâu phải bắt đầu bằng cách vượt qua Tchaikovsky. Chỉ cần hay hơn Britney Spears là đủ rồi.

Trích sách "21 bài học cho thế kỷ 21"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-ai-co-the-lam-ra-cac-ban-hit-gioi-hon-nghe-si-post1101490.html