Tương lai Brexit mù mịt, ghế Thủ tướng Anh lung lay?

4 Bộ trưởng Anh đồng loạt từ chức, Chính phủ Theresa May lung lay, thỏa thuận Brexit có nguy cơ tan vỡ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, một hội nghị thượng đỉnh của EU dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 tới sẽ thông qua lần cuối và chính thức hóa dự thảo hôm 14/11 về thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit.

Thỏa thuận Brexit đang được tất cả các nước thành viên EU phân tích. Dự kiến đến cuối tuần, các đại sứ 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp nhằm đánh giá về thỏa thuận.

EU và Anh có thể sẽ chính thức ly hôn vào ngày 25/11.

Họ cũng sẽ thảo luận về việc ủy quyền cho Hội đồng châu Âu hoàn tất Tuyên bố chính trị chung về tương lại quan hệ giữa Anh và EU. Các bộ trưởng của EU cũng sẽ tham gia tiến trình này. Hội đồng châu Âu có kế hoạch nhất trí với Anh về tuyên bố này trước ngày 20/11 tới.

Bên cạnh đó, ông Donald Tusk cũng đánh giá cao nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier vì đã "đạt được 2 mục tiêu quan trọng nhất" là hạn chế thiệt hại do Anh rời khối và giữ được lợi ích của 27 quốc gia vẫn ở trong khối hậu Brexit.

Hai mục tiêu này lại là vấn đề đang gây tranh cãi tại Anh.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố các nghị sĩ nước này đang đối mặt với khả năng xảy ra "cuộc ly hôn" mà không đạt được thỏa thuận nào, hoặc sẽ không có Brexit nếu Quốc hội không thông qua dự thảo thỏa thuận vừa đạt được với EU.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các Anh, bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội nước này thông qua, song đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn.

Bà Theresa May đang gặp rắc rối với nội các

Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận trên. Để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.

Điều đáng nói là ngay cả trong Chính phủ Anh cũng đang rất lục đục. Liên tiếp 4 lãnh đạo cấp Bộ đã từ chức khỏi Chính phủ bà Theresa May vì thỏa thuận nói trên.

Trong số các bộ trưởng từ chức có Bộ trưởng các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman và Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther McVey.

Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther viết trong đơn từ chức gửi bà May nêu rõ lý do: "Bản dự thảo được trình trước nội các sẽ sớm được người dân cả nước phán xét. Dự thảo này đồng nghĩa chúng ta sẽ đưa cho EU 39 tỷ bảng (hơn 49 tỷ USD) cho EU mà không nhận lại được gì. Chúng ta sẽ kẹt lại trong một liên minh thuế quan, dù thủ tướng đã hứa hẹn với nhân dân Anh chúng ta sẽ không rơi vào tình cảnh đó.

Không chỉ bị trói buộc về khía cạnh này, các chính phủ trong tương lai cũng không thể theo đổi chính sách thương mại thật sự tự do. Chúng ta không lấy lại quyền kiểm soát, thay vào đó chúng ta trao quyền kiểm soát cho EU hay thậm chí một nước thứ 3. Từ chỗ thà không có thỏa thuận còn hơn có một thỏa thuận xấu, chúng ta đã đi đến vị thế thỏa thuận nào cũng được miễn không phải không có thỏa thuận".

Anh không muốn "dây dưa" với EU nhưng chính quyền bà Theresa May khó đạt được thỏa thuận như ý.

Trước đó, Bộ trưởng Bắc Ireland Shailesh Vara khi nộp đơn từ chức cũng chỉ trích thỏa thuận rút khỏi EU của bà May đẩy nước Anh vào tình cảnh bất định, "không có thời hạn rõ ràng khi nào chúng ta chính thức trở thành một quốc gia độc lập".

Theo dự thảo của bà Theresa May, Anh và EU sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. EU và Anh cũng có thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không nói cụ thể là trong bao lâu.

Trong trường hợp đàm phán không thành công, Ireland và Bắc Ireland sẽ áp dụng giải pháp "chốt chặn cuối" nhằm ngăn hình thành biên giới cứng và đe dọa thành quả tiến trình hòa bình Belfast 1998. Theo đó, Anh và EU sẽ hình thành "một vùng lãnh thổ đơn nhất về thuế quan", có hiệu lực từ cuối giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các bên đạt được một hiệp định thương mại.

Khi một bên muốn chấm dứt "chốt chặn cuối", họ phải thông báo với bên còn lại và trình bày rõ nguyên nhân. Các bên cùng thành lập một ủy ban đặc biệt, đàm phán trong 6 tháng. Bắc Ireland chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh lẫn EU đều chấp nhận.

Chính việc nước Anh không có quyền tự quyết về Bắc Ireland đã khiến những thành viên của nhóm Brexit phẫn nộ.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từ chức hồi tháng 7 do bất đồng với bà May trong vấn đề Brexit, cho rằng với thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan và trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu. Ông cho rằng điều đó sẽ biến nước Anh trở thành một "chư hầu" của EU vì họ không còn được tham gia vào quá trình ra quyết định của khối.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tuong-lai-brexit-mu-mit-ghe-thu-tuong-anh-lung-lay-3369285/