Tương lai Brexit trắc trở giữa cuộc chơi quanh ngọn cờ 'no deal'

Bất kể người lên thay thế bà Theresa May là ai, tương lai chờ đón người dân Anh vẫn là một Brexit có rất nhiều bất trắc.

Boris Johnson hay Jeremy Hunt?

Ngày 7/6, bà Theresa May từ bỏ chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh nhưng Vương quốc Anh phải đợi đến ngày 20/7 mới có một vị Thủ tướng mới. Lí do là đến ngày đó đảng Bảo thủ cầm quyền mới có thể chọn ra người kế vị bà May trên cương vị lãnh đạo đảng, đồng nghĩa sẽ là người giữ chức Thủ tướng Vương quốc Anh.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Getty.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Getty.

Cuộc chạy đua làm chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing đã bắt đầu từ ngay buổi sáng mà bà May tuyên bố đầu hàng cuộc chơi trong nước mắt. Cái tên đầu tiên được nhắc đến và cũng được xem là ứng cử viên số 1 là Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng, cựu Thị trưởng London, lá cờ đầu vận động cho Brexit năm 2016. Một chính trị gia mang phong cách nhiều tranh cãi như Donald Trump tại Mỹ.

Để bước lên vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, Boris Johnson sẽ phải vượt qua 8 ứng cử viên khác, từ những gương mặt rất nổi bật như Ngoại trưởng Jeremy Hunt, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, cho đến những cái tên kín đáo hơn nhưng không ít tham vọng, như Amber Rudd, Andrea Leadsom, Dominic Raab hay Sajid Javid. Nhưng, xét trên tất cả các tiêu chí, cuộc đua nhiều khả năng chỉ là chuyện riêng của bộ đôi Johnson-Hunt.

Đây là hai đối thủ tự nhiên, từ phong cách cá nhân đến quan điểm chính trị. Boris Johnson cuốn hút nhưng hay gây thị phi, Jeremy Hunt kín đáo. Boris Johnson từ đầu đến cuối mang quan điểm Brexit cứng rắn, “muốn cắt đứt tất cả với EU” trong khi Jeremy Hunt ban đầu phản đối Brexit và chỉ thay đổi sau các cuộc đàm phán vì cảm thấy “Brussels quá kiêu ngạo”. Boris Johnson nhận được sự ủng hộ của tầng lớp đảng viên cơ sở của đảng Bảo thủ trong khi Jeremy Hunt là lựa chọn yêu thích của các nghị sĩ cũng như các lãnh đạo trong phe bảo thủ.

Theo quy trình bầu chọn lãnh đạo của đảng Bảo thủ, các nghị sĩ của đảng này sẽ chọn ra 2 ứng cử viên và khoảng 100.000 đảng viên đảng Bảo thủ sẽ bỏ lá phiếu cuối cùng quyết định ai là thủ lĩnh của đảng. Theo cách này, gần như chắc chắn Boris Johnson sẽ là người chiến thắng bởi đa số của 100.000 đảng viên cơ sở ủng hộ đường lối Brexit cứng rắn “no deal” của Boris Johnson. Cách duy nhất để chặn Boris Johnson tiến lên là ở bước đầu tiên, khi các nghị sĩ bảo thủ tiến cử ra 2 người để đảng viên lựa chọn, và Boris Johnson bị loại. Nhưng đây là một khả năng rất khó xảy ra. Về mặt lý thuyết, chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh dường như đã được đặt sẵn cho Boris Johnson. Nhưng, mọi việc lại không đơn giản như vậy

Ám ảnh sau bầu cử

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tháng 5/2019 đã tạo nên một bối cảnh chính trị mới rất phức tạp tại Anh. Sau cuộc bầu cử đó, bức tranh chính trị Anh hiện tại là: một Thủ tướng mất chức, hai chính đảng lớn nhất (Bảo thủ và Công đảng) bị cử tri trừng phạt qua lá phiếu và một đảng cực hữu - đảng Brexit- lấn át mọi đối thủ khác trên truyền thông.

Đảng Brexit của Nigel Farage chỉ được thành lập 6 tuần trước cuộc bầu cử ngày 23/5. Đảng này không có cương lĩnh tranh cử mà chỉ có 1 khẩu hiệu “no deal - rời EU không thỏa thuận”, bất chấp hậu quả ra sao. Một khẩu hiệu đó là đủ để 31,6% cử tri Anh bỏ phiếu cho đảng Brexit, so với chỉ 9% cho đảng Bảo thủ và 14% cho Công đảng.

Kết quả này vừa là một cảnh báo nghiêm trọng, vừa là một ám ảnh, buộc hầu như tất cả các ứng cử viên cho chức lãnh đạo đảng Bảo thủ đều phải nâng cao khẩu hiệu “no deal” do lo ngại nếu đưa ra một quan điểm khác sẽ bị cử tri trong đảng (vốn đa số ủng hộ Brexit) trừng phạt, và xa hơn, là bị cử tri Anh bỏ rơi trong trường hợp một cuộc tuyển cử trước thời hạn vào mùa Thu tới, điều mà đảng Bảo thủ muốn tránh bằng mọi giá, buộc phải diễn ra.

Vấn đề nằm ở chỗ, tình huống “không thỏa thuận – no deal” lại là điều mà Hạ viện Anh đã tìm mọi cách để ngăn chặn suốt nhiều tháng qua và cũng là điều mà các tập đoàn kinh tế Anh không mong muốn nhất.

Chính vì thế, trong trường hợp bị dồn ép đến chân tường, Hạ viện Anh có thể sẽ phải giải tán để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, kịch bản mà Công đảng đối lập của Jeremy Corbyn và chính bản thân đảng Brexit của Nigel Farage luôn sẵn sàng ủng hộ bất cứ lúc nào.

Nói cách khác, bằng cách giương cao ngọn cờ “no deal”, phe Bảo thủ mong muốn giật lại ảnh hưởng đang lên rất nhanh của đảng Brexit nhưng điều trớ trêu là chính “ngọn cờ” đó lại có thể dẫn đến một sự tự sát chính trị của đảng Bảo thủ. Bởi nếu nước Anh phải tổ chức tuyển cử trước thời hạn trong năm nay, thay vì 2022 như lịch, nguy cơ đảng Bảo thủ bị tước bỏ quyền lực là cực kỳ lớn, sau cuộc khủng hoảng chính trị tệ hại nhất mà đảng này mang lại cho Vương quốc Anh trong hơn nửa thế kỷ qua.

“No deal” là khó tránh?

Trong trường hợp đảng Bảo thủ và cá nhân những nhân vật như Boris Johnson và Jeremy Hunt vượt qua được sóng gió để ngày 20/7 Vương quốc Anh có một Thủ tướng mới thay bà Theresa May, đâu là các bước đi tiếp theo?

Boris Johnson đã nhắc đi nhắc lại quan điểm của mình trong nhiều ngày qua rằng nếu lên làm Thủ tướng, ông sẽ lập tức yêu cầu đàm phán lại với Liên minh châu Âu về thỏa thuận Brexit, với xuất phát điểm ưu tiên là “no deal”. Nói cách khác, Boris Johnson muốn đàm phán để tìm một điều gì đó tốt hơn từ phía EU chỉ trong thời gian 3 tháng, điều mà bà Theresa May đã không thể làm được trong vòng 3 năm.

Trên phương diện EU, ngay cả việc đàm phán lại đã là việc không khả thi. Từ sau khi đạt được một thỏa thuận Brexit với chính phủ của bà Theresa May cuối tháng 11/2018 sau 17 tháng căng thẳng đến kiệt sức, EU đã coi việc đàm phán lại là điều không thể xảy ra. Đối với EU, hồ sơ Brexit đã kéo dài quá lâu và bắt đầu làm tổn hại đến khối này.

Tổn hại đầu tiên là thời gian: Brexit hút gần hết công sức của châu Âu trong vài năm qua, khiến các đại dự án cải tổ khác của khối đóng băng. Tổn hại tiếp theo là quan hệ Pháp-Đức và sự đoàn kết hiếm có từ khi Brexit diễn ra: trong Thượng đỉnh EU đầu tháng 4/2019, Pháp-Đức đã mâu thuẫn công khai và gay gắt trong việc cho nước Anh tạm hoãn Brexit bao lâu.

Việc bà Theresa May phải ra đi 1 tháng sau khi EU cho Vương quốc Anh gia hạn Brexit đến 31/10/2019 là một thất bại của nước Đức và quan điểm của bà Angela Merkel, rằng nên cho nước Anh thêm thời gian. Giờ là lúc cách tiếp cận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thắng thế, tức nước Anh không cần thời gian mà cần ra quyết định và 31/10/2019 sẽ là hạn chót cuối cùng. Vào ngày đó, bất kể bối cảnh ra sao, Brexit phải có hiệu lực.

Cuối cùng, nếu có muốn thì trên thực tế EU cũng không còn nhiều thời gian để bàn thảo với Vương quốc Anh một phương án khác. Một ê-kíp lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sắp lên nắm quyền trong vài tháng tới và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy những lãnh đạo mới của châu Âu sẽ mềm mỏng hơn các ông Jean-Claude Juncker hay Donald Tusk.

Với các lực đẩy từ cả hai phía (Anh và EU) theo hướng tiến về “no deal” như hiện nay, kịch bản này dường như sẽ là lựa chọn khó tránh.

Chỉ có một con số có thể thắp lên hy vọng cuối cùng cho những người không muốn nước Anh chia tay một cách khốc liệt với Liên minh châu Âu: tổng số phiếu của các đảng chống Brexit (đảng Dân chủ tự do Lib-Dem, đảng Xanh, đảng Change UK) trong cuộc bầu cử châu Âu tại Anh vừa qua là 40%, cao hơn so với 35% của nhóm đảng ủng hộ Brexit. Cùng lúc, Công đảng đã bắt đầu đề cập nhiều hơn đến một cuộc trưng cầu ý dân lần 2.

Câu hỏi đặt ra, là liệu xu hướng này có đủ lớn mạnh để tạo nên một quyết định lịch sử, là trao cho người dân Vương quốc Anh một cơ hội thứ hai để lựa chọn hay không?./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tuong-lai-brexit-trac-tro-giua-cuoc-choi-quanh-ngon-co-no-deal-919311.vov