Tương lai các trường sư phạm sẽ đi về đâu?

LTS: Trước những yêu cầu về đổi mới, trong thời gian tới, Bộ GDĐT chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo dục. Điều này đã gây xôn xao dư luận xã hội với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Cùng với đó, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng cho thấy đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân sự trong ngành sư phạm ở Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Báo Lao Động đã đi sâu tìm hiểu về nguyên nhân cho sự cần thiết của đổi mới. Đã tới lúc, ngành sư phạm phải 'chuyển mình'.

 Bộ GDĐT chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo dục. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bộ GDĐT chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo dục. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay, các trường sư phạm (SP) gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất, dẫn đến trường phải tự xoay xở một cách yếu ớt. Đầu vào không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên (SV) vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học SP ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều.

Chen lấn đào tạo sư phạm

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Đại học Đà Nẵng và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, con số về tình hình SV SP sau khi ra trường thất nghiệp lại khiến dư luận một lần nữa giật mình. Số lượng SV SP thất nghiệp hiện có đến 170.000 - 200.000 người.

Theo PGS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học SP Đà Nẵng - tổng số lượng SV SP thất nghiệp lớn như vậy nhưng hiện các trường SP quốc gia chỉ đào tạo khoảng 17.000 SV mỗi năm trong tổng số 54.000 SV SP. Vậy thì số SV SP còn lại do ai đào tạo? Chính là từ các trường đại học, cao đẳng tại địa phương đảm nhận dù không chuyên về đào tạo SP. Như vậy xuất hiện tình trạng địa phương lại đào tạo gấp 2-3 lần các trường trung ương. Nguyên nhân của tình trạng các trường ĐH địa phương tuyển sinh ồ ạt ngành SP, đi ngược lại với chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP là do các trường này không hưởng ngân sách từ Bộ GDĐT, các địa phương mới là nơi cấp kinh phí hoạt động cho các trường này. Điều này cũng khiến PGS Lưu Trang nghi ngờ về chất lượng đào tạo: “Tôi không dám nói chất lượng đào tạo của các trường đó như thế nào, nhưng tôi chắc chắn là không thể bằng các trường chuyên về đào tạo SP được”.

Tiếp đến, thực tế hiện nay xảy ra tình trạng các trường chen lấn nhau đào tạo. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho hay: Trường tỉnh này lại đi tuyển sinh ở tỉnh khác, thậm chí có trường ở ngoài Bắc vào tận miền Nam để tuyển, có trường ở trong Nam lại lên Lai Châu để mở. Như vậy, có thể thấy rõ, việc quản lý các trường SP dường như đang bị buông lỏng.

Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

Hiện nay cả nước có hàng trăm nghìn SV SP thất nghiệp như vậy nhưng thực tế, nhiều ngành, nghề lại vô cùng khan hiếm nguồn nhân lực. Điển hình cho việc này chính là việc “khát” giáo viên (GV) dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập. Từ năm học 2011-2012, Bộ GDĐT và Ban quản lý Đề án ngoại ngữ 2020 đã chỉ đạo các trường THPT trên cả nước triển khai thí điểm dạy các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh. Qua 5 năm thực hiện, kết quả của việc triển khai mô hình chưa khả quan xuất phát từ phía năng lực của GV, học sinh. Do chưa có GV được đào tạo bài bản nên các trường hầu như sử dụng GV chuyên ngành đi đào tạo tiếng Anh hoặc ngược lại dẫn đến GV còn lúng túng, thiếu tự tin khi đứng lớp. “Nhu cầu sử dụng đội ngũ GV dạy các môn bằng tiếng Anh ngày càng lớn, đặc biệt ở khối trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài… Thế nhưng, cả nước hiện nay mới chỉ có duy nhất trường Đại học SP Hà Nội đào tạo SV chuyên ngành này và các em mới chuẩn bị tốt nghiệp, vì thế dẫn đến tình trạng thiếu GV” - ông Chử Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho hay. Câu chuyện này tương tự xảy ra trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GDĐT chủ trương đổi mới về việc dạy tích hợp các môn học trong chương trình phổ thông, thế nhưng, rõ ràng, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn hệ thống đào tạo bài bản những GV có thể đáp ứng được với yêu cầu này nên khiến dư luận nghi ngờ về tính khả thi khi thực hiện trong năm học 2018-2019.

Sai lầm trong duy trì miễn giảm học phí

Cũng trăn trở việc đào tạo nguồn GV tương lai, PGS Văn Như Cương cho hay, việc duy trì hình thức miễn giảm học phí đối với SV SP đã không còn hợp lý. Ông Cương phân tích, bất cứ một chính sách nào cũng có ý nghĩa trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Giai đoạn thiếu GV, SV giỏi không chọn ngành SP thì việc miễn giảm học phí là hợp lý. Thế nhưng ở giai đoạn thừa GV như hiện nay thì những chính sách khuyến khích SV vào ngành SP nên loại bỏ. Và thực tế, số lượng người giỏi đăng ký vào học các trường SP đã không còn nhiều. Cũng chính vì miễn giảm học phí nên nguồn lực để nhà trường đầu tư cho chất lượng giáo dục cũng hạn chế hơn. Ông Cương nhấn mạnh, cần chấm dứt ngay chính sách miễn giảm này.

TS Lê Viết Khuyến cũng chỉ ra rằng, giáo dục Việt Nam nói chung và đặc biệt là ngành SP đang thiếu tính dự báo. Ở thời điểm hiện nay, rõ ràng quy mô học sinh không tăng trong khi đó các trường SP vẫn được giao chỉ tiêu đào tạo và còn có chế độ ưu đãi đối với người học dẫn đến ngày càng xuất hiện tình trạng thừa GV. Do đó, chúng ta cần phải quy hoạch lại nhiệm vụ của các trường SP. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ GDĐT đang có chủ trương, từ năm 2018 các trường đào tạo GV phải báo cáo tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp, nếu không sẽ không được tuyển sinh. Nhưng trên thực tế không phải trường nào cũng làm được, thậm chí, nhiều trường vẫn đang trong tình trạng tranh thủ tuyển sinh vì SV càng nhiều, lợi ích càng lớn. “Có chỉ tiêu là đi kèm với kinh phí, thế nên các trường tội gì mà không đào tạo!” - ông Khuyến nói. Chính vì thế, việc cần làm ở đây chính là dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để giao chỉ tiêu đào tạo hợp lý.

Trước các vấn đề được nêu ra, các chuyên gia nhận định: Chương trình đào tạo, định hướng đào tạo cho đội ngũ SP dường như chưa đáp ứng kịp xu hướng phát triển, dẫn đến tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu
vẫn thiếu.

Đến năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm bị thất nghiệp

Dự kiến đến thời điểm năm 2020 hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 người đối với tiểu học, 12.200 người đối với THCS và 16.900 đối với THPT.

Trước tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, có lẽ, giải pháp trước hết mang tính cấp bách là giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm.

Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo địa phương năm 2017. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017 theo lộ trình giảm hợp lý so với năm 2016. Mục đích nhằm khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. T.C.A

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/tuong-lai-cac-truong-su-pham-se-di-ve-dau-668919.bld