Tương lai đua xe thể thao VN trong mắt đứa trẻ 11 tuổi

Doug Pham hâm mộ tay đua F1 huyền thoại Michael Schumacher và thực hiện giấc mơ của mình bằng những buổi tập trên chiếc Go-Kart.

Trong một chiều cuối tuần, trường đua Đại Nam ướt sũng sau cơn mưa lớn, một cậu bé nhỏ con có nước da ngăm điều khiển chiếc Go-Kart có tốc độ tối đa hơn 90 km/h, động tác đầy điêu luyện từ những cú tăng tốc đến pha trượt trong khúc cua. 90 km/h là một con số lớn đối với một chiếc xe 4 bánh nằm sát rạp xuống mặt đường và không có vi sai.

Bên lề đường đua, người cha của cậu bé đứng khoanh tay, mắt đăm chiêu nhìn về chiếc Go-Kart đang lao vun vút. Cứ mỗi khi đứa con của mình chạy qua, anh lại ra dấu bằng tay để nhắc nhở hoặc khích lệ tinh thần.

Doug Pham trong một buổi tập trên trường đua Đại Nam.

Doug Pham trong một buổi tập trên trường đua Đại Nam.

Cậu bé đó mới 11 tuổi, tên là Phạm Hoàng Nam, nhưng cậu muốn mọi người gọi với cái tên Doug Pham. Cậu thích thú cái tên này và thường nói to "con tên là Doug" để nhắc nhở ai đó gọi cậu bằng tên thật, có thể vì cậu muốn hướng đến một tương lai xa hơn, đua xe ở nước ngoài.

"Nhưng trong mắt nhiều người, đua xe vẫn là trò nghịch ngợm quậy phá của giới trẻ", anh Phạm Lân, cha của Doug Pham thừa nhận.

Go-Kart - tiền đề của đua xe thể thao chuyên nghiệp

Câu lạc bộ do anh Phạm Lân đứng đầu là nơi duy nhất tại Việt Nam có hình thức đào tạo Go-Kart dạng chuyên nghiệp. Còn trước đây, bộ môn này chỉ xuất hiện dưới hình thức du lịch mang tính chất giải trí.

Go-Kart là bộ môn đầu đời của hầu hết tay đua trong làng đua xe chuyên nghiệp, đặc biệt là giải đua danh giá Formula One (F1). Các tay đua khởi điểm từ Go-Kart, rồi mới đến những hạng đua cao hơn, hoặc những dòng xe lớn hơn.

Doug Pham rất hâm mộ tay đua F1 huyền thoại Michael Schumacher.

Michael Schumacher, một trong những tay đua vĩ đại nhất lịch sử, từng 7 lần đạt danh hiệu vô địch thế giới cũng có tuổi thơ gắn liền với chiếc Go-Kart. Năm 4 tuổi, Michael có được chiếc Go-Kart gắn động cơ máy cắt cỏ của cha mình, và 2 năm sau cậu bé người Đức đã có danh hiệu đầu tiên trong câu lạc bộ Go-Kart gần nhà.

Doug Pham hiện là tay đua tốt nhất của lứa trẻ đầu tiên thuộc câu lạc bộ Go-Kart chuyên nghiệp TrippleX Karting mà anh Phạm Lân phát triển ở Việt Nam.

Cậu bé 11 tuổi bắt đầu học đua Go-Kart cách đây hơn một năm, thời điểm cậu mới gần bước sang tuổi thứ 10. Nếu không bận công việc, cứ cuối tuần anh Phạm Lân lại đưa Doug từ TP.HCM xuống trường đua Đại Nam, Bình Dương để tập luyện.

Michael Schumacher gắn liền với Go-Kart suốt thuở thơ ấu. Ảnh: michael-schumacher.

Chiếc Go-Kart của Doug Pham dùng động cơ hai thì dung tích 125 cc, được giới hạn vòng tua cho phù hợp quy định của hạng Cadet, tốc độ tối đa chỉ dừng ở mức trên 90 km/h. Trong khi xe dành cho người lớn có cùng dung tích, nhưng có vòng tua 14.500 vòng/phút, tốc độ lên tới hơn 120 km/h.

Đường đua Go-Kart ở Đại Nam dài khoảng 1,2 km, một người được coi là đua tốt cần khoảng 52-54 giây để kết thúc một vòng đường đua. Nếu là người mới, họ cần khoảng hơn 1 phút 5 giây. Doug Pham chỉ cần đúng 60 giây, dù cậu lái chiếc Go-Kart chuyên dụng cho trẻ nhỏ.

Rào cản phát triển đua xe chuyên nghiệp ở VN

Khi được hỏi về những khó khăn, anh Phạm Lân thừa nhận rằng đó là định kiến. Định kiến không tốt về bộ môn đua xe đang thực sự tồn tại, thậm chí rất phổ biến.

"Ở Việt Nam chưa có khái niệm và lịch sử về đua xe thể thao, cho nên cái nhìn của người dân và xã hội thường mang tính phiến diện", anh Lân nói. "Nhiều người còn cho rằng đó không phải một môn thể thao. Nên khi nói đến chuyện đua xe, người ta sẽ nghĩ ngay đến mặt xấu, còn mặt tích cực thì ít ai nghĩ đến".

Doug Pham được bố hướng dẫn cách di chuyển.

Anh Lân cho biết bản thân anh có tham vọng muốn thay đổi về định kiến đó, nhưng thực tế là rất khó và cần nhiều thời gian chứ không phải chuyện một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, bất cứ môn thể thao nào cũng tiềm ẩn những rủi ro. Môn thể thao tốc độ còn hơn thế, "nhưng đó là một phần của cuộc chơi", anh Phạm Lân nói.

Anh Lân cho biết đến nay câu lạc bộ vẫn chưa gặp sự cố nào. "Tôi tin các em và Doug sẽ có thái độ đúng mực, biết kiểm soát tình hình, còn nếu không may tai nạn xảy ra thì còn có các thiết bị bảo hộ như nón và áo.

Thậm chí, trẻ em dưới 10 tuổi còn có thêm đai nẹp giữ cổ để giảm chấn thương", anh Phạm Lân cho biết. "Nhưng trước khi ra sân, tôi luôn nhắc không có một thiết bị bảo hộ nào có thể giúp con ngoài chính con".

Xe Go-Kart cho trẻ nhỏ được nhà sản xuất thiết kế và chế tạo theo các tiêu chuẩn an toàn của Liên đoàn Go-Kart Thế giới (CIK) thuộc FIA. Ở nước ngoài, trẻ em đã được chơi bộ môn này từ lâu. Nhưng là môn thể thao tốc độ, nên Go-Kart luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm và rủi ro.

Ngoài định kiến, trở ngại tiếp theo khiến bộ môn này chưa thể phủ rộng là vấn đề chi phí.

Không giống như bóng đá, điền kinh hay bóng rổ, Go-Kart rất tốn kém. Bộ quần áo cách nhiệt, mũ bảo hiểm, găng tay cho đến giày chuyên dụng có giá khoảng vài triệu đến vài chục triệu. Chiếc Go-Kart dành cho trẻ em cũng tiêu tốn khoảng 5.000 USD, trong khi xe dành cho người lớn khoảng 10.000 USD.

Đó là chưa kể đến tiền lốp và tiền thuê sân. Hiện đối với người lớn, chi phí cho 10 vòng đua kéo dài khoảng 10 phút tiêu tốn khoảng 650.000 đồng.

Địa điểm cũng là một vấn đề khó, vì hiện tại chỉ có trường đua ở Đại Nam tổ chức đua Go-Kart chuyên nghiệp, còn lại đều tổ chức trong sân đua nhỏ, mang tính chất giải trí. Ngay cả Đại Nam cũng không phải trường đua dành riêng cho Go-Kart vì có đoạn đường quá dài và đường đua rộng.

Doug Pham - cậu bé mang ước mơ trở thành tay đua chuyên nghiệp Doug Pham thường xuyên tập luyện Go-Kart tại trường đua Đại Nam, hướng tới tương lai đua chuyên nghiệp ở nước ngoài.

Khó khăn về đào tạo trẻ em, "đầu tiên là thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em thử sức với Go-Kart, còn chặng đường dài phía sau phụ thuộc vào nhiều yếu tố", anh Lân nói.

Khó khăn thứ 2 là quản lý. Các em nhỏ ở độ tuổi này thường rất hiếu động, nhiều lúc hành động theo bản năng.

"Đó là điều không thể tránh khỏi, tôi luôn luôn nhắc đi nhắc lại với các em. Các thầy trong đội sẽ chia nhau đứng trên đường đua để quan sát, chỉ cần thấy em nào có biểu hiện không tập trung, bắt đầu đùa giỡn thì ngay lập tức cho dừng đua, vì tiếp tục như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến bản thân em đó và các bạn khác", anh Lân nói.

Con đường phía trước của đua xe thể thao VN

Tại Việt Nam vẫn chưa một chặng đua tốc độ xe bốn bánh thực sự lớn. Các giải đua Go-Kart tổ chức ở Đại Nam chỉ mang tính chất giao lưu, chưa có sức nặng về danh hiệu.

"Chúng ta cần thực tế", vì xuất phát điểm trong bộ môn này của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, thậm chí là so với các quốc gia trong Đông Nam Á, như Thái Lan, Campuchia, Singapore hay Malaysia. Còn so với khu vực châu Âu là một khoảng cách rất xa.

Đầu tiên là thể hình và thể lực của người Việt. Ví dụ như khu vực châu Âu, trẻ em có hình thể lớn so với trẻ em cùng lứa ở Việt Nam. Do vậy, ở tuổi 8-12 đã có nhiều em làm quen với môn thể thao này, thậm chí là nhỏ hơn. Do vậy các tay đua châu Âu rất có lợi thế, họ tập và làm quen với đua xe chuyên nghiệp ngay từ nhỏ, đồng nghĩa với việc thời gian tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng dài hơn.

"Tham gia Go-Kart từ khi 9-10 tuổi như Doug đã là muộn" anh Lân nói.

Dù học Go-Kart từ rất sớm nhưng Doug vẫn bắt đầu chậm hơn so nước ngoài.

Định hướng Doug Pham sẽ đua xe ở nước ngoài, nhưng anh Phạm Lân hiểu những rào cản, nên giúp Doug đặt mục tiêu không xa vời với thực tế do nhiều bất lợi khác nhau.

Trước mắt, Doug Pham sẽ sang Singapore tập huấn. Đến tháng 12, một người bạn của anh Lân sẽ giúp đưa Doug sang Đài Loan để tham gia một chặng đua. Tại đây, Doug sẽ đua dưới lá cờ Việt Nam. Điều này là ngoại lệ bởi thông thường, mỗi tay đua phải có giấy phép đua Go-Kart quốc tế cấp bởi liên đoàn Go-Kart địa phương được CIK công nhận, và Việt Nam chưa có đơn vị này.

"Doug không phải mục tiêu duy nhất, tôi muốn môn thể thao tốc độ có chỗ đứng, ngày càng có nhiều bạn trẻ hơn tham gia môn thể thao này. Từ đó Việt Nam dần dần có nền tảng môn thể thao tốc độ, nói một cách khác, đây là những viên gạch đầu tiên", anh Phạm Lân nói.

Nhưng Doug Pham đang đơn độc. Cậu bé lớp 6 thường xuyên phải tập luyện một mình trên đường đua, không có đối thủ làm động lực, chẳng có một cơ quan nào đủ thẩm quyền cấp giấy phép đua xe - điều kiện để cậu có thể thi đấu dưới lá cờ Việt Nam ở nhiều quốc gia.

Doug Pham tập huấn ở Singapore Cậu bé 11 tuổi lái thuần thục chiếc Go-Kart trong một buổi tập huấn ở Singapore.

Thế Anh
Video: Toàn Thiện - Lê Trọng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuong-lai-dua-xe-the-thao-vn-trong-mat-dua-tre-11-tuoi-post876175.html