Tương lai hòa bình Trung Đông bị đe dọa

Tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Bờ Tây nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới đang bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ và tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến tiến trình hòa bình Trung Đông.

Ngày 11-9, các quốc gia Arab đã lên tiếng chỉ trích ý định trên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong một thông cáo chung, ngoại trưởng các nước Arab cho rằng tuyên bố trên của Thủ tướng Israel là "một diễn biến nguy hiểm và là một động thái gây hấn mới của Israel", đồng thời cảnh báo điều này sẽ phá hoại cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử ở Israel sẽ diễn ra vào ngày 17-9 tới, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Bờ Tây nếu ông tái đắc cử. Ông Benjamin Netanyahu nhận định, bước đi này là "cơ hội lịch sử" để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây. Theo các chuyên gia, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của Israel. Kế hoạch tiếp theo có thể là sáp nhập các vùng lãnh thổ khác ở Bờ Tây, dự kiến sẽ được tiến hành sau khi Mỹ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông được chờ đợi từ lâu.

Binh sĩ Israel hiện diện ở Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Theo AFP, Thung lũng Jordan chiếm gần 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Israel từ năm 1967 sau chiến tranh 6 ngày. Đây là nơi cư trú của khoảng 65.000 người Palestine cùng với hơn 10.000 người Israel sống rải rác trong các khu định cư. Israel nhiều lần nói sẽ không từ bỏ kiểm soát khu vực Thung lũng Jordan, trong khi người Palestine cho rằng khu vực này phải là một phần của quốc gia tương lai của mình.

Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo rằng tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu sáp nhập Thung lũng Jordan. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thể hiện sự coi thường các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), những định chế liên quan và các quốc gia mong muốn nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, LHQ cảnh báo bước đi này không những không có "hiệu lực pháp lý quốc tế" mà còn đe dọa tới tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, nhấn mạnh bất cứ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hay sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế, thay vào đó sẽ hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán, nền hòa bình trong khu vực và giải pháp hai nhà nước. Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch trên của lãnh đạo Israel, cảnh báo cam kết của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể dẫn tới "leo thang căng thẳng đột ngột tại khu vực và hủy hoại những hy vọng về việc thiết lập hòa bình được mong chờ từ lâu giữa Israel và các nước Arab láng giềng".

Ngay tại Israel, tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu cũng bị các chính trị gia bác bỏ. Nghị sĩ Ayman Odeh, người đại diện cho các công dân Arab trong Quốc hội Israel đã lên án tuyên bố trên nhấn mạnh kế hoạch của Thủ tướng Israel sẽ bỏ khả năng về một giải pháp hai nhà nước hòa bình.

Tham vọng của Thủ tướng Israel đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại khi đe dọa trực tiếp tới tiến trình hòa bình Trung Đông, hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine. Tuyên bố của ông Netanyahu, nếu được hiện thực hóa, sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước và xóa bỏ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine, đồng thời khoét sâu những bất đồng giữa các nước Arab với Israel vốn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/tuong-lai-hoa-binh-trung-dong-bi-de-doa-590961