Tương lai khó khăn chờ đợi 'Thủ tướng Malaysia tương lai'

Chính phủ Malaysia đang tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp khoản thâm hụt mà nước này đối mặt sau khi bãi bỏ khoản thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), một trong những quyết định PH cầm quyền đưa ra.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trả lời phỏng vấn tại Putrajaya, Malaysia. Ảnh: TTXVN phát

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trả lời phỏng vấn tại Putrajaya, Malaysia. Ảnh: TTXVN phát

Theo thỏa thuận, Thủ tướng Mahathir Bin Mohamad hứa sẽ về hưu khi bước sang tuổi 95. Nhưng để kế nhiệm Mahathir, Chủ tịch đắc cử của PKR trong PH cầm quyền, ông Anwar Ibrahim phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung diễn ra tại thị trấn Port Dickson vào ngày 13/10.

Sau 14 ngày tranh cử, cuộc bầu cử bổ sung tại Port Dickson đã kết thúc vào hôm 13/10 vừa qua với chiến thắng thuộc về Chủ tịch đắc cử đảng Công lý Nhân dân (PKR) Anwar Ibrahim trong Liên minh Hi vọng (PH) cầm quyền. Bước đầu tiên trên con đường trở thành Thủ tướng Malaysia sau 20 năm chờ đợi đã được thực hiện.

Trở lại với cuộc bầu cử bổ sung tại Port Dickson, không ai hoài nghi khả năng chiến thắng của ông Anwar. Trong một phân tích được tờ Malaysia Insight ngày 15/10 dẫn lời, Giám đốc Trung tâm Điều tra dân ý độc lập Merdeka, ông Ibrahim Suffian, cho rằng trong cuộc bầu cử bổ sung này, ông Anwar không gặp phải một thách thức thực sự nào.

Ứng cử viên nặng ký nhất đến từ đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) không thể có cơ hội chiến thắng ở khu vực bầu cử mà người gốc Hoa và người gốc Ấn chiếm đa số như tại Port Dickson. Trong khi đó, 5 ứng cử viên độc lập còn lại không có sự hậu thuẫn của cơ cấu tranh cử hoàn thiện.

Theo Giáo sư Mohamad Azizul thuộc Đại học Northern Malaysia, việc Thủ tướng Mahathir lần đầu sau 20 năm cùng xuất hiện trên bục diễn thuyết với ông Anwar ở Port Dickson vào tối 8/10 đã giúp ông này thu hút được không ít phiếu bầu.

Tuy nhiên, theo tờ Nam Dương thương báo, chiến thắng của ông Anwar không phải hoàn hảo bởi tỷ lệ đi bầu thấp, chỉ đạt 58,25%. Sáng ngày 15/10, ông Anwar đã trở lại hội trường nghị viện sau 3 năm vắng bóng vì án tù, chính thức tuyên thệ nhậm chức nghị sỹ quốc hội, đặt nền tảng về mặt luật pháp cho việc chuẩn bị nhận chuyển giao chức Thủ tướng từ ông Mahathir.

Về tình hình trong nước, theo tờ Nam Dương thương báo, ông Anwar trước mắt sẽ tập trung thúc đẩy cải cách quốc hội, hỗ trợ và giám sát hoạt động của chính quyền PH, tạo dựng uy tín của một Thủ tướng kế nhiệm.

Một nội dung khác mà ông Anwar cần làm là bảo đảm lãnh đạo các cấp của PKR không gây chuyện, không thách thức vị trí lãnh đạo của ông Mahathir, đợi “đến hẹn là lên”. Bởi hiện nay có rất nhiều người tìm cách phá hoại sự ổn định và đoàn kết của PH, bao gồm các phần tử cơ hội trong và ngoài PKR.

Dân chúng cũng kỳ vọng rất lớn vào ông Anwar. Thứ nhất là vì thế giới bên ngoài phổ biến cho rằng ông Mahathir đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình là lật đổ chính quyền Najib Razak và chỉnh đốn hệ thống hành chính.

Thứ hai là vì ông Mahathir không ngừng thay đổi quan điểm, hay nói lời thẳng thắn dễ đắc tội với người khác, kiên quyết bảo vệ việc xây dựng thương hiệu ô tô quốc gia thứ 3 (sau Proton và Perodua) khiến uy tín của PH giảm mạnh.

Ông Mahathir dường như cũng không không dành quá nhiều tinh lực để chấn hưng kinh tế, quan niệm cầm quyền vẫn thuộc về thế kỷ trước. Do đó, ông Anwar có thể dựa vào biểu hiện của bản thân để chứng minh mình sẽ làm tốt hơn ông Mahathir.

Nhưng trong khi có quá nhiều vấn đề khó khăn thì ông Anwar lại chưa nắm giữ vị trí nào trong chính quyền, chỉ có thể hiến kế sách thông qua kênh Quốc hội và mối quan hệ với ông Mahathir.

Chính phủ đương nhiệm Malaysia hiện đang tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp khoản thâm hụt mà nước này sẽ phải đối mặt sau khi bãi bỏ khoản thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), một trong những quyết định được PH cầm quyền đưa ra khi lên nắm quyền.

Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir đã tiến hành xem xét lại nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak, nhằm giảm "núi" nợ công.

Hồi tháng Tám vừa qua, Thủ tướng Mahathir đã xác nhận hủy ba dự án có tổng trị giá 22 tỷ USD ký kết giữa Trung Quốc và Malaysia cho tới khi Kuala Lumpur thanh toán được các khoản nợ. Hồi tháng 5/2018, ông Mahathir cũng cho tạm hoãn một dự án đường sắt cao tốc ký kết giữa Malaysia và Singapore vài năm trước do dự án này quá tốn kém.

Phân tích sâu hơn về quan hệ với Trung Quốc, tờ The Star bình luận rằng việc Malaysia hủy bỏ một số dự án hạ tầng gây tranh cãi được Bắc Kinh hậu thuẫn, có thể mang đến cho Kuala Lumpur những “cơn nhức đầu” trong ngắn hạn.

Song về dài hạn, Malaysia sẽ hưởng lợi nhiều từ quyết định này. Các chuyên gia tin rằng việc hủy bỏ dự án Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) trị giá 55 tỷ ringgit (13,2 tỷ USD) và hai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu có thể dẫn đến việc sụt giảm GDP cũng như thương mại và đầu tư cho Malaysia.

Tuy nhiên, quyết định không trở thành một phần đầy đủ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc bằng cách hủy bỏ các dự án đó chỉ là những khó khăn về ngắn hạn. Trong trường hợp các dự án này được tiếp tục, xét về dài hạn, chúng sẽ không mang lại lợi ích cho Malaysia do chi phí để tiến hành các dự án là quá lớn.

Theo các chuyên gia, chi phí để vận hành dự án ECRL là quá cao do đó, sẽ khó có chuyện vận tải hàng hóa bằng hệ thống đường sắt này với chi phí giá rẻ. ECRL sẽ không thúc đẩy các hoạt động kinh tế xét về dài hạn và nói chung, dự án này là không khả thi khi mà chi phí bỏ ra lên đến 55 tỷ ringgit.

Để giảm nhẹ những thiệt hại trước mắt, các chuyên gia khuyến cáo Malaysia cần có kế hoạch tổng thể để đa dạng hóa các động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước. Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính sách công ASLI, ông Ramon Navaratnam cho rằng Malaysia cần phải khai thác các thị trường khác cho thương mại và đầu tư và không nên phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc.

Ông Ramon cũng nói thêm rằng các hiệp định về thương mại và đầu tư cần phải mang lại lợi ích cho cả hai bên. Theo ông, Chính phủ Malaysia tiền nhiệm thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ và thiếu sự phối hợp. Do đó, tham nhũng đã 'sinh sôi nảy nở'.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2019 và 4,6% vào năm 2020. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng Malaysia - một nền kinh tế có độ mở cao, sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ xuất phát từ sự bất ổn của môi trường quốc tế.

Sự không ổn định của thị trường tài chính, vốn bắt nguồn từ sự thay đổi trong chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế tiên tiến hoặc khủng hoảng ở các khu vực khác, có thể lan rộng sang các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Malaysia, thông qua sự rút vốn và áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, sự leo thang của xu hướng bảo hộ mậu dịch và căng thẳng thương mại ở một số nền kinh tế chủ chốt cũng là nguy cơ có thể gây tác động bất lợi lên nền kinh tế Malaysia./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tuong-lai-kho-khan-cho-doi-thu-tuong-malaysia-tuong-lai-/99357.html