Tương lai không người lái của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 Su-57

Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Ủy quan Quốc phòng an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Victor Bondarev nhấn mạnh, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 đang được nghiên cứu để trở thành thiết bị bay chiến đấu không người lái (UACV). Cùng với đó, biến thể UACV của Su-57 sẽ được ứng dụng và thực nghiệm nhiều công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Đánh giá về vấn đề này, giới chuyên gia quân sự nhận định, Su-57 có đủ tiềm năng để trở thành UACV siêu âm thế hệ mới của Nga, nhưng sẽ còn cần giải quyết một loạt khó khăn kỹ thuật trước khi đưa chương trình phát triển vũ khí đầy tham vọng này trở thành hiện thực.

“Thực tế, máy bay Su-57 đã vượt qua ngưỡng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do nhiều công nghệ áp dụng trên nó đang tiếp tục được phát triển. Theo đúng tiến trình, nó phải được xếp vào thế hệ 5+ và được ứng dụng nhiều công nghệ hàng không quân sự tân tiến sẽ được áp dụng trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6”, ông Victor Bondarev cho biết. Theo lời cựu Tư lệnh lực lượng Không quân Nga, Su-57 và biến thể UACV của nó sẽ là những viên gạch đầu tiên trong tiến trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga.

Su-57 đã tiến tới giới hạn của máy bay có người lái

Theo lời ông Victor Bondarev, máy bay Su-57 đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2 với động cơ phản lực mới “sản phẩm số 30”. Với động cơ mới, Su-57 đã có khả năng đạt tốc độ hành trình siêu thanh không cần đốt tăng lực, cũng như tăng khả năng cơ động của máy bay ở mọi dải tốc độ.

 Với những cải tiến công nghệ, Su-57 đang đi tới giới hạn của máy bay chiến đấu có người lái.

Với những cải tiến công nghệ, Su-57 đang đi tới giới hạn của máy bay chiến đấu có người lái.

Sự kết hợp giữa thiết kế và kết cấu khung thân làm từ vật liệu tổng hợp compusite (trên 70%) của Su-57 khiến máy bay có được yếu tố tàng hình, hay khó bị phát hiện bởi sóng vô tuyến.

Một điểm nhấn nữa trên Su-57 là các công nghệ điện tử hàng không tân tiến nhất của Nga hiện nay. Việc áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) hay ePilot giúp quá trình điều khiển máy bay được tự động hóa nhiều phần. Điều này giúp đơn giảm bớt thao tác của phi công để tập trung cho nhiệm vụ chiến đấu. Ngoài ra, Su-57 còn có khả năng tiếp nhận và phân tích các thông tin thu nhận từ đồng minh trên chiến trường để có phương án và hiệu quả tác chiến tối ưu.

Ông Victor Bondarev đánh giá, Nga đã có giải pháp thông minh để Su-57 có thể đối đầu với các máy bay cùng thế hệ, khi sử dụng hệ thống ra-đa đa băng tần, hệ thống đối kháng điện tử tích hợp. Sự kết hợp này cho phép Su-57 có thể theo dõi 62 mục tiêu trong phạm vi 400km, trong đó có cả các mục tiêu tàng hình nhờ hệ thống ra-đa băng tần dm.

Ngoài ra, Su-57 cũng mang được nhiều loại tên lửa, vũ khí thông minh với hiệu quả tác chiến đã được thử nghiệm thực tế tại chiến trường Syria. Giới chức quân sự Nga từng nhận định, Su-57 có tính năng chiến đấu ưu việt hơn so với máy bay thế hệ 4++ Su-35 hiện có của Không quân.

“Nhờ công nghệ robotic và tự động hóa, Su-57 giúp phi công có khả năng tác chiến không bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản kỹ thuật nào như trên các dòng máy bay chiến đấu trước đó”, ông Victor Bondarev nói.

Đây cũng chính là vấn đề giúp biến Su-57 từ máy bay không người lái thành UACV, khi cơ cấu điều khiển trên máy bay cơ bản đã được tự động hóa và nhiệm vụ của phi công, người điều khiển chỉ còn đơn giản là ra quyết định. Với nhiệm vụ này, người điều khiển Su-57 hoàn toàn không cần phải ở trên máy bay, mà có thể điều khiển từ xa và viễn cảnh UACV Su-57 là có cơ sở.

Bước đầu tiên tiến tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6

Đánh giá về phiên bản UACV của máy bay Su-57, chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev cho rằng, UACV tương lai sẽ là một nền tảng đa dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ chiến đấu như tuyên bố của ông Victor Bondarev. Tuy nhiên, việc phát triển UACV không nhất thiết phải sử dụng nguyên khung thân của máy bay Su-57, mà chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ đã được thực nghiệm trên nền máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

“Xét về nguyên tắc, Su-57 quá to và cồng kềnh để trở thành UACV vì nó được thiết kế để chở theo phi công. Tôi cho rằng, chúng ta nên phát triển UACV mới dựa trên công nghệ của Su-57”, chuyên gia Dmitry Kornev cho biết.

Theo chuyên gia Dmitry Kornev, UACV của Su-57 sẽ ứng dụng được hoàn toàn các công nghệ hiện có. Nó lại có lợi thế là không cần khoang điều khiển cho phi công để bố trí thêm bình chứa nhiên liệu hoặc thiết bị bổ sung. Những đặc điểm như vậy nếu trở thành hiện thực thì sẽ mang nhiều đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Việc thử nghiệm trước các công nghệ để giảm thời gian phát triển máy bay chiến đấu tương lai không còn là mới và Nga đang thực hiện theo hướng phát triển này.

Từ các nguồn tin quân sự, không chỉ có Nga, mà Mỹ, Trung Quốc cũng bắt tay vào phát triển phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 từ nửa sau của những năm 2000.

Tháng 6-2016, lãnh đạo Tập đoàn chế tạo hàng không hợp nhất Nga, Vladimir Mikhailov từng tuyên bố, nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ xuất hiện không sớm hơn năm 2025. Giống như Mỹ, máy bay chiến đấu tương lai của Nga sẽ có hai biến thể có người lái và không người lái – UACV. Tham gia vào quá trình này sẽ là Sukhoi, Radioelectronic, RTI và Tổ hợp thiết kế động cơ Luykhin.

Để thử nghiệm trước các công nghệ sẽ áp dụng trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, việc Nga cho ra mắt biến thể UACV từ Su-57 là hoàn toàn hợp lý. Hàng loạt công nghệ sẽ được thực nghiệm để áp dụng UACV của Su-57 trước khi áp dụng trên máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Tuy nhiên, chuyên gia Dmitry Kornev nhấn mạnh, quá trình phát triển UACV với nhiều công nghệ tương lai sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tiền của do các rào cản công nghệ. Hiện tại, chu trình phát triển máy bay chiến đấu mới đã bị kéo dài ra đáng kể để hoàn thiện công nghệ. Quá trình này trung bình kéo dài từ 15-20 năm. Chính vì thế, việc thử nghiệm sớm sẽ giúp giảm thời gian phát triển và thử nghiệm.

“Tôi cho rằng, phiên bản UACV của Su-57 sẽ không thể xuất hiện trước năm 2025. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển chúng hoàn toàn không vô ích vì đó là bước đệm để tiến lên công nghệ mới”, chuyên gia Dmitry Kornev nhấn mạnh.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tuong-lai-khong-nguoi-lai-cua-chien-dau-co-the-he-thu-5-su-57-552438